TP.HCM bắt đầu kiểm soát dịch bệnh Ebola tại 2 cửa khẩu

Sự kiện - Ngày đăng : 18:49, 06/06/2018

Đó là thông tin được Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM) cho biết tại Hội nghị trực tuyến công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2018 hôm 6.6.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola tại một số quốc gia trên thế giới, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế TP.HCM cho biết hiện đơn vị này đang triển khai kiểm soát dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải đối với các hành khách, thủy thủ đến từ Công gô và các quốc gia Tây Phi đang lưu hành dịch bệnh này.

Tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị này phối hợp với các lực lượng chức năng ở đây thông qua hộ chiếu để xác định hành khách có đến những quốc gia trên trong thời gian 21 ngày hay không. Trong trường hợp phát hiện những hành khách như trên, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn hành khách đến trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế để kiểm tra và tư vấn.

Riêng tại cửa khẩu hàng hải, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với cảng vụ hàng hải, đồn biên phòng Cảng Sài Gòn, Cục hải quan TP.HCM và các công ty, đại lý tàu biển tổ chức sàng lọc hành khách. Theo đó, nếu phát hiện hộ chiếu của những hành khách, thủy thủ trên các tàu biển có đến những quốc gia đang lưu hành dịch Ebola trong vòng 21 ngày sẽ được yêu cầu lưu lại cảng để tiến hành kiểm tra chi tiết và có biện pháp xử lý, nếu cần thiết.

“Cho đến thời điểm này, qua kiểm soát tại 2 cửa khẩu trên, lực lượng chức năng vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào phải tiến hành sàng lọc như trên. Hiện Bộ Y tế chỉ mới có công văn triển khai giám sát Ebola, chưa chỉ đạo thực hiện tờ khai y tế với hành khách đến từ những quốc gia có lưu hành dịch bệnh trên nên chúng tôi đang chờ những chỉ đạo tiếp theo của Bộ Y tế để thực hiện”, đại diện Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cho hay.

Trong khi đó, theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trong những tháng gần đây của năm 2018 có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, trong tháng 4 số ca mắc sốt xuất huyết là 557 ca nhưng đến tháng 5 vừa qua lên đến 666 ca; còn bệnh tay chân miệng ở tháng 4 là 264 ca, đến tháng 5 lên đến 353 ca. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc sốt xuất huyết được phát hiện ở TP lên đến 4.393 ca, còn tay chân miệng là 1.060 ca.

Một số dịch bệnh khác như: sởi, ho gà, Zika... cũng đã xuất hiện. Từ đầu năm đến nay TP ghi nhận 1 ca mắc Zika, 3 ca mắc sởi và 13 ca mắc ho gà. Điều đáng nói là số ca mắc sởi và ho gà tăng cao so với cùng kỳ, trong đó sởi tăng 3 ca, ho gà tăng 3 ca.

Riêng về ổ dịchcúm A/ H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết tính đến thời điểm này đã có 18 trường hợp dương tính với cúm A/ H1N1 bao gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế của bệnh viện này, không có trường hợp nào đang mang thai.

Các bệnh nhân ổn định đã được cho xuất viện và hướng dẫn chăm sóc, phòng lây nhiễm tại nhà; còn những trường hợp tiếp xúc với những bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện theo dõi dấu hiệu bệnh.

Bà Nga cho biết, toàn bộ những bệnh nhân mắc cúm A/ H1N1 xuất viện đã được Trung tâm y tế dự phòng TP gửi danh sách về địa phương theo dõi. Bà Nga lưu ý các địa phương phải theo dõi chặtchẽ cả những ca mắc bệnh và người tiếp túc với những bệnh nhân này.

“Khi phát hiện người tiếp xúc với bệnh nhân từ bệnh viện về nhà hoặc thân nhân của bệnh nhân mắc cúm A/ H1N1, trạm y tế phải phối hợp điều tra, ghi nhận thông tin, hướng dẫn các biện pháp dự phòng không thuốc, vệ sinh khử khuẩn thông thường và báo cáo cho trung tâm y tế dự phòng TP. Đối với những trường hợp trên không cần thiết phải phun hóa chất khử khuẩn tại nhà, trừ trường hợp có vấn đề cần xin ý kiến của Trung tâm y tế dự phòng TP”, bà Nga đề nghị.

Hồ Quang

Hồ Quang