Vụ Huyền Như họp 38 lần mới kết luận là lừa đảo chứ không tham ô

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:28, 25/06/2018

Báo cáo về vấn đề xử lý án tham nhũng tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25.6, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết công tác đấu tranh với các vụ án tham nhũng, kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Vương, từ năm 2016 đến nay, cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng công an đã khởi tố điều tra 589 vụ, 1.412 bị can liên quan đến tội phạm kinh tế, tham nhũng, xu hướng năm sau tăng hơn năm trước.

Nhiều vụ án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, xảy ra từ các năm trước đã được giải quyết, đảm bảo yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, như vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ nguyên lãnh đạo PVN liên quan đến Ngân hàng Đại dương; vụ tổ chức đánh bạc, lợi dụng quyền hạn trong thi hành công vụ liên đến cán bộ có chức, có quyền; vụ án Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á; đang điều tra vụ Phan Văn Anh Vũ liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp vi phạm.

Bên cạnh đó, năm 2017, các cơ quan điều tra đã thu hồi được 21.500 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với 2016. Đơn cử, vụ Ngân hàng Đại Tín đã thu hồi, kê biên hơn 10.000 tỉ đồng; Ngân hàng Đông Á thu hồi 1.000 tỉ đồng; vụ đánh bạc do cơ quan điều tra tỉnh Phú Thọ tiến hành thu hồi hơn 1.000 tỉ; kiến nghị Ngân hàng Hàng hải kịp thời thu hồi 7.300 tỉ đồng cho vay dễ thất thoát.

“Cần tăng cường kiểm toán chuyên đề, đột xuất đối với những dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư công, mua sắm công có giá trị lớn, các dự án thua lỗ lớn… Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ tẩu tán tài sản và điều tra nghiêm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương: “Tổng Bí thư chỉ đạo là làm từng bước vững chắc, điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, không để vụ án kéo dài gây bức xúc cho nhân dân. Những vấn đề phức tạp khác cần củng cố chứng cứ, sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và đề nghị xử lý trong giai đoạn tiếp theo. Không vì lý do vướng mắc trong áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp để vụ án kéo dài, gây dư luận phức tạp...”, ông Vương nêu.

Các vụ án kinh tế, tham nhũng cần chú ý hoạt động tài chính để phát hiện chứng minh hành vi tham nhũng và kịp thời có biện pháp kê biên, phong tỏa, thu hồi tài sản tham nhũng. Đơn cử vụ án xảy ra tại Vinashin, lần theo dòng tiền đã tìm ra Giang Kim Đạt tham ô 260 tỉ đồng, chuyển vào 22 tài khoản đứng tên bố đẻ là Giang Kim Hiền để mua 40 bất động sản và các tài sản khác.

Tuy nhiên, thực tế công tác đấu tranh với các vụ án tham nhũng, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là tội phạm tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, am hiểu pháp luật, che đậy tinh vi... Trong khi đó, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh có liên quan đến nhiều quy định mới của nhà nước, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc áp dụng của cơ quan tiến hành tố tụng đôi lúc khác nhau, ảnh hưởng tiến độ điều tra án.

Đơn cử, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phải trả lại hồ sơ, điều tra nhiều lần. Phải qua 38 lần họp mới thống nhất được tội danh của Như là lừa đảo chứ không phải tham ô tài sản.

Cùng với đó, các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng thường có nhiều hành vi phạm tội phải chứng minh với số lượng vài chục bị can, hàng trăm đối tượng liên quan… đặt ra áp lực rất lớn cho cơ quan điều tra.

Việc điều tra án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, nhất là các nước Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp rất khó khăn. Nhiều vụ không có trả lời từ phía nước ngoài, ảnh hưởng đến tiến độ vụ án; Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có nội dung khối lượng trưng cầu giám định nhiều, kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng trình độ chuyên môn của nhiều giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu…

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phongcho biết Thành ủy đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cam kết làm gương thực hiện và xác định trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo PCTN, lãng phí, chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách".

"Xác định kết quả phòng chống tham nhũng là tiêu chí, thước đó đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Kịp thời điều chuyển cán bộ quản lý lãnh đạo có nhiều dư luận, uy tín giảm sút và có dấu hiệu tham nhũng không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị:“Cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới. Hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan đơn vị theo quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nhằm xác định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách”.

Lam Thanh

Trí Lâm