Bệnh tiểu đường gia tăng do không khí ô nhiễm

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:52, 02/07/2018

Các nhà khoa học nhận thấy sự gia tăng bệnh tiểu đường trên thế giới không chỉ do vấn nạn béo phì mà còn do không khí ô nhiễm.

Theo Meddaily, các chuyên gia ở Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) đã nhận thấy sự gia tăng số lượng bệnh nhân tiểu đường trên thế giới không chỉ liên quan đến vấn nạn béo phì mà còn do môi trường sinh thái xấu. Các nhà nghiên cứu xác định có khoảng 14% tổng số ca tiểu đường là do môi trường ô nhiễm.

Trong nghiên cứu của họ, các nhà khoa học đã chú ý đến các dữ liệu về bệnh tiểu đường ở những nơi dân số không phải đối mặt nhiều với các vấn đề do thừa cân gây ra. Ví dụ, ở Papua New Guineamột số nước châu Phi.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đã chứng minh rằng bệnh nội tiết có thể phát triển cả khi các chất độc hại trong không khí có nồng độ tương đối thấp, chỉ quá 2,4 microgam trên mét khối.

Nếu chỉ số này tăng lên 4-5 lần trong không khí thì những người sống ở đó mắc bệnh tiểu đường tăng hơn hơn 21% so với những khu dân cư không bị ảnh hưởng bởi tình trạng môi trường ô nhiễm.

Như vậy, trái ngược với quan niệm thông thường bệnh tiểu đường đe dọa chủ yếu dân số của các nước giàu, khoảng 77% bệnh nhân tiểu đường sống tại các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Nhưng theo tiến sĩ Gustavo Peskin, người trình bày kết quả nghiên cứu tại cuộc hội thảo quốc tế về tiểu đường ở Frankfurt, CHLB Đức, nguyên nhân gia tăng bệnh tật ở khắp mọi nơi là gần như nhau: sự lão hóa của dân số, thay đổi thói quen ăn uống và lối sống.

Theo số liệu chính thức, hiện số lượng bệnh nhân tiểu đường trên thế giới vượt quá 420 triệu người. Đồng thời, 1/10 số đó bị mắc bệnh tiểu đường thể 1 do hệ miễn dịch bị trục trặc, còn 90% bị tiểu đường thể 2. Các công trình nghiên cứu cho thấy con số đó có thể tăng gấp đôi vì ½ số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho đến khi xảy ra biến chứng đột quỵ và nhồi máu.

Vũ Trung Hương

Vũ Trung Hương