Trung Quốc ngưng nhập khẩu, Việt Nam 'hứng' đủ các loại phế thải

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:38, 03/07/2018

Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang cho biết, việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải đang khiến Việt Nam trở thành một trong những nơi phải chứa loại hàng này.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết trong thời gian vừa qua, lượng container nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái đứng trong top 22 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% thị phần container thông qua cả nước, chiếm 92,5% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM và 72% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực Cái Mép Thị Vải.

Theo ông Sang, tình hình mặt hàng phế liệu nhập khẩu đang diễn biến phức tạp do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải khiến Việt Nam trở thành một trong những nơi chứa loại hàng này. Cụ thểđến ngày 18.5, tại cảng Cát Lái có trên 8.000 Teu (chiếm khoảng 10% tổng dung lượng bãi) hàng hóa nhập khẩu tồn đọng trên 40 ngày, trong đó khoảng 70% là hàng nhựa/giấy phế liệu mà cơ quan hải quan yêu cầu khóa, không được giao nhận. Số container hàng tồn còn lại chủ yếu là hóa chất, máy móc thiết bị, phân bón, kính nổi màu, đồ chơi trẻ em...

"Hiện lượng hàng nhựa, giấy phế liệu này vẫn được tiếp tục nhập lượng lớn về Việt Nam, chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, container tồn đọng đang chiếm khoảng 10% tại Cát Lái khiến công suất thực của cảng giảm đi 8%. Cảng vụ lại không xác định được chủ hàng để thu phí, thậm chí cơ quan chức năng còn tốn chi phí chuyển các container này đi chỗ khác để lấy diện tích, làm gia tăng chi phí tại cảng và giảm hiệu quả khai thác cảng, chưa kể việc này còn gây ảnh hưởng tới hàng hoá xuất nhập khẩu khác của Việt Nam", ông Sang cho hay.

Cục Hàng hải cho biết, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển hiện lên đến gần 28.000 container. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng hơn 6.750 container; khu vực cảng biển TP.HCM hơn 14.650 container; Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 6.500 container. Việc tồn đọng số lượng lớn container hàng hóa gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cảng lớn.

Ông Sang nhìn nhận trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng, vấn đề xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền và nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác. Đơn cử như quy định trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả, Hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hoá tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách là một trong những nguyên nhân gây khó khăn làm chậm quá trình thanh lý hàng hoá tồn đọng.

Để giải quyết tình trạng này, Cục trưởng Cục Hàng hải kiến nghị thành lập Tổ công tác liên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ GTVT) trực tiếp làm việc chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bên liên quan để sớm có giải pháp cụ thể đối với các lô hàng cần sớm giải phóng, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng biển.

Tổng cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc di chuyển container nhựa/giấy phế liệu chậm luân chuyển nêu trên về các ICD hoặc bến cảng khác; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Tổng công ty Tân Cảng phối hợp với hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các Cục, chi cục hải quan địa phương phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan trước khi lô hàng phế liệu đó được thông quan vào Việt Nam. Đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác có nguy cơ trở thành điểm tập kết rác thải công nghiệp, trong đó sắt thép, thiết bị điện tử qua sử dụng, thiết bị, linh kiện ô tô qua sử dụng đổ bộ. Những nguy cơ ngày càng rõ rệt khi gần đây rất nhiều nhà máy gang thép của Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn sắt thép phế liệu để bổ sung nguyên liệu cho mình, trong khi đó lượng phôi thép,nguyên liệu đầu vào để luyện gang, thép chỉ nhập về chiếm tỷ lệ % rất thấp.

Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan về tình trạng ùn ứ nghiêm trọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển thuộc quyền quản lý hải quan của đơn vị này. Trong đó, có 3.000 container hàng tồn đọng trong thời hạn và quá thời hạn quy định, gây ô nhiễm môi trường, ứ đọng tại kho hải quan buộc phải tiêu huỷ. Đặc biệt, từ năm 2017, sau khi Trung Quốc - nước nhập phế liệu lớn nhất thế giới áp dụng lệnh cấm nhập phế liệu vào nước này, số phế liệu nhập khẩu diện chính ngạch, tiểu ngạch và cả nhập lậu vào Việt Nam gia tăng.

Tuyết Nhung

tuyetnhung