Kỳ 2: Nga tìm lại các đồng minh cũ của Liên Xô để tìm nguồn tài nguyên

Quốc tế - Ngày đăng : 15:14, 12/08/2018

Một nhà ngoại giao Nga giấu tên và có kinh nghiệm về châu Phi, nói với Newsweek: “Đối với lãnh đạo chúng tôi, châu Phi là một đấu trường giành tầm ảnh hưởng với Mỹ. Chúng tôi từng là ông chủ lớn, nhưng chính phủ đã không còn đủ tài lực”.

Thời Liên Xô, tầm ảnh huởng của Nga ở châu Phi lên đỉnh điểm, vào lúc tranh giành quyền thống trị với phương Tây. Điệp viên KGB (Cơ quan tình báo Liên Xô) được cắm khắp châu lục đen, vũ khí được cấp cho các lực lượng vũ trang thân Liên Xô trong những cuộc chiến tranh ủy nhiệm của thời Chiến tranh Lạnh.

Nhưng Liên Xô sụp đổ năm 1991 đã khiến Nga bị mất tầm ảnh hưởng. Nền kinh tế chuyển đổibuộc Nga phải ngưng các hoạt động ở nước ngoài. Rồi Nga phục hồi dần, nhưng kinh tế kiệt quệ khiến không còn nhiều tài nguyên như trước, và không tiếp thị được một tư tưởng mới nào.

“Vầng lưỡi liềm” ảnh hưởng của Nga ở châu lục đen

Trong chiến dịch “Giành lấy châu Phi” của Điện Kremlin, Nga cũng muốn lập thêm chân đứng và lập “vầng lưỡi liềm” ảnh hưởng từ vùng sa mạc Sahara xuống phía nam châu Phi, nhất là ở các đồng minh cũ của Liên Xô.

Ví dụ Angola từng tiếp nhận hỗ trợ quân sự và tri thức công nghệ của Liên Xô, đồng thời cử hàng trăm sinh viên đến các đại học ở Nga.

Angola đã thoát khỏi nội chiến, trở thành một trong những quốc gia ổn định chính trị nhất châu lục đen, và trở nên một mục tiêu phát động tầm ảnh hưởng của Nga. Tiềm năng dầu - khí của Angola đang thu hút các công ty nhà nước Nga, nhất là vào lúc khối EU đang tìm nguồn năng lượng mới không phải của Nga.

Viễn thông là một lĩnh vực hợp tác lớn. Cơ quan không gian Nga đã giúp Angola phát triển chiếc vệ tinh đầu tiên và sẽ giúp sản xuất chiếc thứ hai.

Gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du ở miền đông và miền nam châu Phi, dừng chân ở các đồng minh cũ của Liên Xô làEthiopia, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Theo Newsweek, chuyến đi của ông Lavrov là để tiếp cận các mỏ kim cương và tìm những dự án phát triển dầu - khí. Nhà nghiên cứu cấp cao Stephen Blank ở Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ, nói chuyến đi này “là một phần trong chính sách toàn cầu tổng thể của Nga để thách thức phương Tây”, và ông Lavrov đã nói “phương Tây phải chịu trách nhiệm vì toan tính thúc đẩy các giải pháp của họ đối với các nước châu Phi”.

Tại Ethiopia, ông Lavrov thăm trụ sở Liên hiệp châu Phi (AU, một đối tác chính của NATO) và Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat cùng ông Lavrov hứa tăng cường hợp tác chống tội phạm và chống khủng bố. Hai ông cũng bàn việc lập lại quan hệ giáo dục mà Liên Xô từng có với châu Phi.

Xe tăng Liên xô trong cuộc lật đổ Tổng thống Ethiopia năm 1991 - Ảnh: Getty Images

Hiện Mỹ có một căn cứ quân sự thường trực ở Djibouti (châu Phi) để từ căn cứ tại quốc gia bên Biển Đỏ này, Mỹ đánh khủng bố ở Yemen và Somalia.

Hồi tháng 8.2017, Trung Quốc cũng mở một căn cứ gần căn cứ Mỹ, khiến chỉ huy Mỹ tức giận. Nhưng Djibouti đã cấm Nga lập căn cứ ở trên lãnh thổ của mình, vì “không muốn trở thành địa bàn của một cuộc chiến ủy nhiệm”, theo Bộ Ngoại giao nước này.

Nga may mắn hơn ở Sudan, một đồng minh kiên định của Điện Kremlin và lâu nay mua vũ khí Nga. Hồi tháng 11.2017, Tổng thống Omar al-Bashir (bị Tòa án Hình sự quốc tế ICC truy nã vì tội diệt chủng và tội phạm chiến tranh) thăm Nga.

Ở Moscow, ông Bashir tỏ ý quan tâm mua chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Ông cũng mời Nga lập căn cứ ở Sudan bên bờ Biển Đỏ, đồng thời nhấn mạnh “Sudan cần được bảo vệ chống lại những hành động xâm lược của Mỹ”.

Giầy bốt quân sự Nga có thể đã ở Sudan. Cuối năm 2017, nhà báo Alexander Kots của một tờ báo thân Điện Kremlin đã tải một vidéo, quay cảnh cố vấn quân sự Nga huấn luyện quân binh nước này tại một vùng sa mạc.

Nga bị cấm lập căn cứ quân sự ở Djibouti - Ảnh: Getty Images

Tái lập quan hệ với Ai Cập để bán vũ khí, khôi phục ảnh hưởng

Vào lúc chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm dấu ấn ngoại giao và quân sự, ông Putin lại mở rộng tầm nhìn về châu Phi, muốn Nga trở thành một đối tác an ninh lớn để chống bị quốc tế cô lập, đối phó bọn khủng bố và tìm nguồn lợi từ nguồn tài nguyên của châu Phi.

Nga đang tăng sự hiện diện hải quân từ Địa Trung Hải đến phía nam châu Phi,và tìm sự ủng hộ của lãnh đạo các nước thuộc châu lục đen, nhằm thắng Mỹ và hạn chế khả năng của phương Tây, từ lúc NATO bắt đầu lập quan hệ với các nước quanh Sa mạc Sahara (từ giữa những năm 1990) và chống khủng bố cũng như củng cố biên giới của các nước thành viên NATO .

Sau một thời gian căng thẳng, hai đối tác của NATO là Morocco và Algeria đã tái lập quan hệ nồng ấm với Nga, và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ca ngợi quan hệ quân sự - năng lượng “được đào sâu trong giai đoạn mới”.

Một đối tác khác của NATO làAi Cập từng bỏ rơi Liên Xô để trở thành đồng minh Ả rập thân cận nhất của Mỹ hồi những năm 1970. Thế nhưng khi tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Cairo mờ nhạt đi, Nga cũng mở lại quan hệ với Ai Cập.

Hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng ôngAbdel Fattah el-Sissi tái trúng cử Tổng thống Ai Cập. Hai nhà lãnh đạo cũng đã duyệt kế hoạch Nga xây nhà máy điện hạt nhân cho Ai Cập, cùng một khu công nghiệp để các công ty Nga mở cổng vào châu Phi và châu Âu.

Mối quan hệ mới cũng dẫn đến việc Nga còn bán trực thăng tấn công, tổ hợp tên lửa, hệ thống phòng thủ bờ biển và 50 chiến đấu cơ MiG cho Ai Cập, với tổng trị giá 3,5 tỉ USD.

Và cũng dẫn đến một thỏa thuận sơ bộ, có thể cho phép máy bay quân sự Nga sử dụng các căn cứ không quân và không phận Ai Cập, giúp Nga có sự hiện diện quân sự lớn nhất ở Bắc Phi. Từ các căn cứ vùng sa mạc phía tây gần biên giới Libya, máy bay Nga có thể tấn công quân chính phủ Libya có phương Tây ủng hộ, vì ông Putin và ông Sissi đều ủng hộ Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy quân nổi dậy ở miền đông Libya.

Theo Newsweek, mục đích chính của sự tái lập quan hệ với Ai Cậplà để Nga có được các thỏa thuận kinh tế trong tương laiở vùng sa mạc nhiều dầu thô của Libya, đồng thời quảng bá vai trò một cường quốc phục sinh của Nga.

Andrei Kemarksy, Vụ trưởng Vụ châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Nganói các đối tác châu Phi xem quan hệ hợp tác với Nga là “giải pháp chống sức ép của các nước phương Tây”.

Và các chỉ huy quân sự Mỹ đã phải lo ngại. Hồi tháng 3, chỉ huy quân Mỹ ở châu lục đen, Tướng Thomas Waldhauser báo cáo Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ: “Chúng tôi lo ngại Nga có khả năng gây ảnh hưởng ở sườn phía nam của NATO và để đuổi chúng tôi”.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Trần Trí