Betty Blue: Đầy rẫy chi tiết 18+ táo bạo, hoang dại của đạo diễn bậc thầy Jean-Jacques Beineix

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 21:00, 12/02/2020

Là tác phẩm đặc sắc tiêu biểu từ nhà làm phim gạo cội người Pháp Jean-Jacques Beineix, ‘Betty Blue’ mang lại cảm nhận điện ảnh sặc sỡ, quyến rũ khó quên của tuổi xuân. Thế nhưng, phía sau một chuyện tình nóng bỏng lẩn khuất bao nỗi sợ hãi lẫn tiếc nuối về tình yêu và nghệ thuật.

Trái ngược những dự án màn ảnh rộng sản xuất trong giai đoạn đầu vào nghề, vốn phản ánh giá trị thời đại và thường tập trung khai thác một cốt truyện nhất quán, Beineix đã có trải nghiệm rất khác với ‘Betty Blue’, ‘đứa con cưng’ từng bị nhìn nhận như ‘sản phẩm thiếu nghiêm túc’ của ông vì đầy rẫy chi tiết 18+ táo bạo.

Bộ phim gây tranh cãi công chiếu lần đầu năm 1986, trên hết, cho thấy nỗ lực nghiên cứu nhân vật đặc biệt nhẫn nại nơi Beineix, vị đạo diễn thiên tài nổi tiếng qua thể loại ‘cinéma du look’ (trào lưu điện ảnh đề cao tính thẩm mỹ thị giác hơn biểu đạt nội dung).

Điều đáng ngạc nhiên là, ở bản phim ‘director’s cut’ có thời lượng gốc hơn 3 tiếng vừa phát hành dưới dạng DVD (dài hơn đáng kể so với phiên bản chiếu rạp 120 phút đã ‘cắt chỉnh’ không ít), người xem không còn nhận ra câu chuyện tình ái gợi cảm thuần túy trước ống kính. Suy cho cùng, ‘Betty Blue’ lột tả ấn tượng những ‘nốt trầm’ phức tạp của quan hệ yêu đương, khi sex chỉ có thể giúp người trong cuộc tạm quên đi bản chất trúc trắc của tình yêu, khi nỗi sợ trở thành ‘lối mòn’ dẫn thẳng đến sự vị kỉ và đổ vỡ.

Kịch bản phim xoay quanh chuyện tình ‘sóng gió’ giữa cô nàng Betty (Béatrice Dalle) và gã bạn trai bất hảo, Zorg (Jean-Hugues Anglade). Cả hai bắt đầu bằng mối quan hệ thể xác mãnh liệt dẫu vụng về, trước khi Betty quyết định lui tới thường xuyên căn nhà gỗ đơn sơ của nhân tình. Tại đây, người phụ nữ trẻ dần bộc lộ cá tính lanh lợi nhưng cũng đặc biệt nóng nảy. Đến một ngày, Betty vô tình phát hiện ‘bộ sưu tập’ đồ sộ những bản thảo văn chương Zorg lưu giữ từ thời trẻ, với mơ ước thành một tiểu thuyết gia. Cô nhanh chóng tuyên bố Zorg là ‘một thiên tài’ và tự vào vai ‘người đại diện’ của anh.

Muốn đi đâu đó cùng nhau, đôi tình nhân quyết định dùng xe máy thăm thú vùng đồng quê Pháp. Ở phần còn lại của tác phẩm, người xem có cơ hội quan sát ‘lòng tận tụy’ gàn dỡ, thậm chí ngông cuồng, Betty và Zorg dành cho nhau. Giữa lúc cô mãi miết cố gắng đến tuyệt vọng để tìm kiếm nhà xuất bản sẵn lòng ra mắt series tiểu thuyết bị quên lãng của Zorg, anh chàng vẫn thờ ơ ‘đắm mình’ trong những cốc tequila.

Đối nghịch với chi tiết ân ái nóng bỏng là những phân cảnh chuyển đổi xúc cảm kịch tính ở Betty lẫn Zorg. Đằng sau cơn tức giận bốc đồng về một xung đột thường nhật tưởng như nhỏ nhặt, cả hai đều cho thấy nỗi ám ảnh – chật vật phức tạp hơn sâu trong nội tâm.

Tính cách khó nắm bắt ở Betty, hiện thân như một ‘yêu nữ’ gợi cảm dẫu cũng đầy rắc rối, người không ngần ngại gửi thư đe dọa đến bất kì nhà xuất bản nào từ chối tác phẩm của Zorg, chỉ là một trong hàng loạt ‘điềm báo’ về bi kịch định trước với 2 nhân vật chính.

Thưởng thức trọn vẹn bản phim gốc dài 3 tiếng, không khó để chúng ta nhận ra dấu ấn rệu rã nhưng có chủ đích biểu trưng cho sự thất vọng, xoay quanh giá trị nghệ thuật lẫn cuộc sống. Với Betty, về sau, là niềm thích thú với việc được làm mẹ, nhưng bất thành do vấn đề sức khỏe ở chính cô.

Những sự kiện dẫn đến đoạn kết chua chát của phim không hề khó đoán. Betty, với thói quen tự huyễn hoặc và hành hạ bản thân, biểu thị rõ nét một hình tượng nhân vật được cố tình ‘nhào nặn’ bởi định kiến về phụ nữ. Trường đoạn Zorg làm cô ngạt thở bằng một cái gối khi Betty hôn mê trên giường bệnh, gợi nhắc sống động đến dấu ấn văn hóa đối kháng trong ‘Bay trên tổ chim cúc cu’ của nhà văn Ken Kesey.

Thông điệp bạo dạn nhất ở ‘Betty Blue’, có lẽ, hàm chứa trong nỗ lực ‘tưởng niệm’ Beineix gửi gắm đến công việc sáng tác văn chương, vốn cũng dễ dẫn đến vô số ‘ngõ cụt’ vô vọng - như cách Zorg yêu say đắm Betty, một phụ nữ đã quen ngược đãi chính cô.

Khoảnh khắc dịu ngọt tinh tế ở dự án khó quên này, là khi đôi tình nhân nhỏ tiếng thảo luận về một đoản khúc tấu lên trên cây dương cầm soạn bởi Gabriel Yared (ông cũng chính là người sáng tác nhạc nền cho phim). Giá như Betty được toại nguyện khao khát làm mẹ, để cô tồn tại đúng nghĩa hơn xuyên suốt cốt truyện, có thể Beineix đã có trong tay một ‘tuyệt tác’ điện ảnh choáng ngợp.

*Phiên bản ‘director’s cut’ của ‘Betty Blue’ (‘37° 2 le matin’ - tên gốc tiếng Pháp) được bổ sung một số chất liệu nội dung đặc sắc, chưa từng công bố, do hãng Criterion Collection (Mỹ) biên tập và tái dựng. Phim phát hành ở định dạng blu-ray chất lượng cao, từ ngày 19.11.2019.

Như Ý (theo SlantMagazine)