Dự án đường phía đông đầm Lập An với vốn đầu tư tới 172 tỉ đồng bị hư hỏng nghiêm trọng từ khi chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính được lý giải do thiên tai.

3,4km đường 172 tỉ đồng tan nát trong bão số 13, chủ đầu tư nói gì?

Quế Sơn | 25/11/2020, 20:00

Dự án đường phía đông đầm Lập An với vốn đầu tư tới 172 tỉ đồng bị hư hỏng nghiêm trọng từ khi chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính được lý giải do thiên tai.

Một số người có vai vế trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Thừa Thiên – Huế tỏ ra bất ngờ với thông tin tuyến đường phía đông đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) chỉ dài 3,4km nhưng có tổng số vốn đầu tư tới 172 tỉ đồng. Dù vậy, kinh phí đắt đỏ để xây dựng tuyến đường không đồng nghĩa với chất lượng khi chỉ qua một cơn bão, gần như toàn bộ tuyến đường dù chưa hoàn thiện đã trở nên tan nát.

Đầm Lập An là một trong những điểm được du khách quan tâm khi đặt chân đến Thừa Thiên - Huế, vì vậy chính quyền địa phương đã không tiếc kinh phí đầu tư nâng tầm phát triển nơi này. 172 tỉ đồng được duyệt để đầu tư xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn ôm đầm Lập An với chiều dài 3,4km bao gồm cả phần vỉa hè và lan can.

820c9674c170302e6961.jpg
Toàn dự án tan nát sau khi bão số 13 - Ảnh: LC

Người dân địa phương rất kỳ vọng về việc dự án được hoàn thành sẽ tô thêm sắc đẹp thu hút khách tham quan đến với thị trấn Lăng Cô. Tuy nhiên, chỉ sau 1 đêm hứng chịu bão số 13, toàn bộ phần bờ kè, lan can, vỉa hè… của dự án đã bị sóng đánh tan nát, để lại cảnh tượng ngổn ngang.

Tại hiện trường, nhiều đoạn bờ kè bị sóng đánh làm sụt lún, hàng loạt mảng bê tông dạt mạnh cuối lên trên mặt đường. Hệ thống lan can bị sóng quật đổ trơ sắt thép ra ngoài. Việc công trình chưa hoàn thiện mới chỉ qua một cơn bão đã hư hại nặng nề khiến người dân hoài nghi về chất lượng, thiết kế của toàn dự án. Hơn nữa, xin nhắc lại đây là dự án có kinh phí đắt đỏ.

0b4fc110d81f2941700e.jpg
Đại diện chủ đầu tư dự án lý giải nguyên nhân - Ảnh: QS

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức cuộc họp báo. Theo đó, dự án này được Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Giao thông Thừa Thiên – Huế làm đơn vị tư vấn, tổng vốn đầu tư là 172 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp là 110 tỉ đồng.

Dự án được thực hiện bởi liên doanh 5 nhà thầu gồm: Công ty Cổ phần 1.5, Công ty TNHH Đồng Tâm, Công ty Cổ phần Thành An, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt, Công ty TNHH TM và XD Long Đại Thịnh.

"Hư hỏng do thiên tai"

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hư hỏng nặng nề ở dự án đường phía đông đầm Lập An, đại diện phía chủ đầu tư khẳng định do thiên tai, chịu ảnh hưởng của bão số 13, nước ở đầm Lập An dâng cao hơn mặt đường khoảng 0,5m, sóng đánh mạnh kèm thi các vật nổi như thuyền, bè gỗ, củi gỗ làm hư hỏng lan can loại 1, đánh vỡ mái taluy đá hộc, xói trôi đất cát dưới lề đường tạo thành các hố sụp dẫn đến xói lở làm hư hỏng vỉa hè được lát bằng gạch Terazzo.

8e4e306b716e8030d97f.jpg
Phần vỉa hè lát gạch Terazzo hư hỏng nặng nề lên tới 31% - Ảnh: LC
cbf459221827e979b036.jpg
Phần lan can ngã nghiêng lòi cả phần sắt thép bên trong - Ảnh: LC

Cả dự án ngổn ngang, tan nát sau 1 đêm bão số 13 đi qua, nhưng con số thống kê thiệt hại của chủ đầu tư chỉ dừng lại ở mức 5 tỉ đồng. Cụ thể, phần lề đường lát gạch Terazzo bị hư hại 31%, mái taluy bằng đá hộc bị hư hại 67%, lan can loại 1 hư hại 78%. Theo lý giải của chủ đầu tư dự án, số lượng thiệt hại không lớn do có một số hạng mục có sẵn từ trước khi dự án được khởi công?!

Ông Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Ngay sau khi bị thiệt hại do bão số 13, chủ đầu tư đã có cuộc họp khẩn để có phương án khắc phục nhanh nhất. Theo đó, dự án đường phía đông đầm Lập An đã được mua bảo hiểm xây dựng theo quy định nên các hạng mục thiệt hại do thiên tai sẽ được phía bảo hiểm chi trả. Cùng với đó, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ nghiên cứu các giải pháp gia cố mái taluy cũ bằng đá hộc để đảm bảo an toàn trong tương lai”.

Cũng theo ông Bình, nguyên nhân chính dẫn đến hư hại nặng ở công trình được xác định do tác động của thiên tai. “Lần đầu tiên sau nhiều năm thấy nước dâng cao và sóng lớn đến vậy ở đầm Lập An, công trình được xây dựng chủ yếu để phục vụ cảnh quan thu hút du lịch chứ không có chống chọi với thiên tai”, ông Bình nói.

Như vậy, một dự án hàng trăm tỉ đồng, xây dựng ở vị trí ven đầm phá, lại nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng đơn vị tư vấn thiết kế đã không tính toán đến sức chịu đựng rủi ro thiên tai.

9fe472c533c0c29e9bd1.jpg
Cảnh tan nát tại dự án 172 tỉ đồng - Ảnh: LC
4e9bbd4cfc490d175458.jpg
Thiệt hại ban đầu được dự tính vào khoảng 5 tỉ đồng - Ảnh: LC

Đập phá để dọn dẹp?!

Đáng chú ý, sau khi bão số 13 đi qua, một số người dân đã phản ánh về việc có nhóm công nhân dùng búa đập phá hạng mục lan can để vứt xuống đầm. Người dân địa phương hoài nghi về việc nhóm công nhân trên đã lợi dụng thiên tai để phá thêm một số hạng mục, từ đó nhận được tiền đền bù khắc phục của bảo hiểm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế lý giải: “Hoàn toàn không có chuyện này, nhóm công nhân trên chỉ dọn dẹp công trình, đảm bảo lưu thông cho toàn tuyến đường. Nếu công trình hư hại, đơn vị thi công phải giữ lại nguyên vẹn để bảo hiểm giám định đền bù chứ không lý do gì phải đập rồi ném xuống đầm phá”.

Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có những động thái kịp thời. Tuy nhiên, để xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng “tan nát” ở dự án này cần có sự giám định, kiểm tra chặt chẽ.

Bài liên quan
Siêu bão Vamco khiến 42 người chết ở Philippines, gây gió giật cấp 16 khi vào Việt Nam
Trong 3 giờ vừa qua, bão Vamco (bão số 13) di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và cường độ mạnh thêm một cấp. Trước đó, siêu bão Vamco khiến 42 người chết, 43 người bị thương, 20 mất tích ở Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3,4km đường 172 tỉ đồng tan nát trong bão số 13, chủ đầu tư nói gì?