Nhân nhà Đường gặp loạn, Khúc Thừa Dụ giành quyền An Nam đô hộ phủ, tự xưng Tiết độ sứ năm 905. Những tháng ngày độc lập của Việt Nam khỏi phương Bắc chính thức được hình thành. Đây cũng là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của đạo Phật ở Tĩnh Hải quân (tên gọi Việt Nam thời bấy giờ) mạnh mẽ hơn.

Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ khi Trung Quốc đại loạn

07/07/2016, 10:45

Nhân nhà Đường gặp loạn, Khúc Thừa Dụ giành quyền An Nam đô hộ phủ, tự xưng Tiết độ sứ năm 905. Những tháng ngày độc lập của Việt Nam khỏi phương Bắc chính thức được hình thành. Đây cũng là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của đạo Phật ở Tĩnh Hải quân (tên gọi Việt Nam thời bấy giờ) mạnh mẽ hơn.

Chùa Một Cột được xây dựng vào thời Lý

Các kỳ trước

Kỳ 1: Phật giáo đến Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc hay Ấn Độ?

Kỳ 2: Vì sao Phật giáo dễ dàng hòa nhập với người Việt?

Kỳ 3: Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?

Năm 907, nhà Hậu Lương soán ngôi nhà Đường, lãnh thổ Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy do các Tiết độ sứ ly khai. Tĩnh Hải quân cũng gặp chiến trận liên miên, Khúc Thừa Mỹ bị quân Nam Hán bắt đem về Phiên ngung, sau đó Dương Đình Nghệ đánh đuổi Nam Hán tiếp tục xưng Tiết độ sứ, rồi đến Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy. Từ sau năm 938, Việt Nam có thể coi tạm thời thoát khỏi sự dòm ngó của phương Bắc, và các triều đại Việt Nam có nhiều thời gian hơn để ổn định sức mạnh của mình.

Nhà Ngô ở ngôi đến năm 965 thì mất, đất nước lâm vào loạn 12 sứ quân. Ba năm sau, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, đặt lại tên nước là Đại Cồ Việt. Chính trong lúc này một cái tên Phật giáo đã xuất hiện trên vũ đài chính trị của nước nhà: Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu.

Ngô Chân Lưu là một thiền sư thuộc phái Vô Ngôn Thông. Ông được Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng thống cùng một người nữa là Trương Ma Ni làm Tăng lục. Chưa rõ hai chức danh này cụ thể là gì nhưng có thể xem là người đứng đầu và quản lý Phật giáo cả nước, vì bên cạnh đó còn một đạo sĩ bên Đạo giáo cũng được tấn phong. Không có nhiều ghi chép về lý do tại sao Ngô Chân Lưu được chọn, nhưng với tên hiệu Khuông Việt do Đinh Tiên Hoàng ban tặng, có thể suy ra nhà sư đã góp công rất nhiều cho việc lên ngôi và dựng nước của vua.

Tên tuổi Ngô Chân Lưu sáng giá hơn vào 20 năm sau khi ông đang làm Tăng thống dưới triều Lê Đại Hành. Năm 987, phái đoàn nhà Tống do Lý Giác cầm đầu sang nước ta lần thứ 2, vua giao cho ông trọng trách đối đãi sứ thần. Khi sứ về, chính ông cũng làm bài thơ tiễn Lý Giác. Lê Đại Hành tin tưởng ông đến độ nhiều công việc chính sự quan trọng đều giao cho ông làm.

Một vị tăng quan nữa cũng nổi danh dưới triều Tiền Lê là Pháp Thuận, một vị sư thuộc phái Vô Ngôn Thông. Trong chuyến đi của Lý Giác, chính Pháp Thuận đã cải trang thành người lái đò để ứng đối với Lý Giác. Pháp Thuận để lại một số sáng tác vẫn còn lưu giữ đến nay, có thể xem là văn bản viết của người Việt sớm nhất trong lịch sử. Một trong số đó là bài Quốc tộ được dạy trong chương trình giáo dục phổ thông.

Việc Ngô Chân Lưu nói riêng và giới tăng sĩ nói chung được trọng vọng cũng là điều dễ hiểu. Lúc này là thời kỳ mới độc lập, quan lại, công việc đều tự trong nước phải làm, mọi thứ đều phải tự xây dựng. Mà bấy giờ công việc học tập chưa chỉn chu, nhà nước chưa có trường học hay hệ thống giáo dục, quan lại không thông qua thi cử. Chỉ có giới tăng sĩ là những người tiếp nhận được tri thức, thông tuệ, hiểu biết văn nghĩa, lại gần dân và không có ý cướp ngôi, nên được chính quyền các thời tin dùng. Các nhà sư lại không mang lối trung quân ái quốc như Nho giáo, nên tương đối không câu nệ phép tắc, cũng như không phải ngu trung chỉ thờ một chủ.

Buổi đầu độc lập mở ra một trang mới cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Không còn tu đạo lánh đời, các vị sư lúc này, với địa vị là những người biết chữ nghĩa, trí tuệ và từ bi, đã góp sức rất nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước buổi đầu. Đi theo đó là sự gia tăng về số lượng người tu hành, đi theo sự xuất hiện của cá giá trị văn hóa, mà rõ nét nhất là những di sản văn học còn để lại. Ngoài những bài thơ, kệ, một dấu tích nữa vừa được phát hiện trong giai đoạn thế kỷ 10 là một cột kinh đá phát hiện tại Ninh Bình ghi bài Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni của Mật Tông. Việc xây dựng các chùa như Diên Ninh, Kim Ngân, Nhất Trụ, Cổ Am… cũng cho thấy trung tâm Phật giáo thời kỳ này đã chuyển dịch vào Hoa Lư, Ninh Bình.

Cho đến khi Vạn Hạnh giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua thì địa vị đạo Phật ở Đại Cồ Việt có thể xem đã vươn đến hàng cao nhất. Sư Vạn Hạnh là người ở châu Cổ Pháp (Bắc Ninh ngày nay). Năm 21 tuổi, ông xuất gia theo phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nổi tiếng với những lời tiên tri và sấm truyền. Vạn Hạnh từng theo Lê Hoàn trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược.
Tương truyền khi Lý Công Uẩn còn nhỏ tuổi, đi học gặp Vạn Hạnh, sư liền nhìn thấy sự khác thường. Đến khi lớn lên làm chức Thân vệ dưới triều Tiền Lê, Vạn Hạnh cũng đến gặp Lý Công Uẩn và khuyên nên lên ngôi thay thế Lê Long Đĩnh. Sau này, chính ông cùng Đào Cam Mộc đã góp công lớn trong việc lập nên nhà Lý.

Ảnh hưởng của Phật giáo có thể thấy rõ nét trong thân thế của những vị vua đầu triều Lý. Lý Công Uẩn được cho là con của thần nhân ở chùa Tiêu Sơn. Năm lên 3 tuổi mẹ ông đem đi gửi nhà sư Lý Khánh Văn (trụ trì chùa Cổ Pháp) làm con nuôi. Sau này khi Lý Phật Mã, con trưởng của Lý Công Uẩn, tức là vua Thái tông là Lý, ra đời cũng ở chùa Duyên Ninh vào năm 1000. Ngay cái tên Phật Mã cũng mang nhiều sự ảnh hưởng của Phật giáo.

Có thể thấy, từ những năm đầu độc lập thời họ Khúc, họ Dương cho đến khi nhà Lý được thành lập, Phật giáo đã có những bước tiến dài trong việc khẳng định vị thế của mình ở tất cả các mặt trong đời sống Đại Cồ Việt. Không những số lượng chùa mới được xây dựng quy mô và nhiều hơn, những dấu tích của văn học và nghệ thuật cho đến ngày nay, mà còn là vị trí ngày càng quan trọng của các nhà sư trong chính trường nước Việt. Sự phát triển này là bước đệm rất lớn cho việc Phật giáo trở thành quốc giáo của Đại Việt suốt thời Lý – Trần.

Thiên Lang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ khi Trung Quốc đại loạn