Mỹ chỉ trích việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng ảnh được chế tác dạng hoạt hình về lính Úc kề dao dính máu vào cổ bé gái Afghanistan sau khi Bắc Kinh bác bỏ lời kêu gọi xin lỗi của Canberra.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc ‘đạo đức giả’ vì đăng ảnh chế về lính Úc

Nhân Hoàng | 02/12/2020, 18:02

Mỹ chỉ trích việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng ảnh được chế tác dạng hoạt hình về lính Úc kề dao dính máu vào cổ bé gái Afghanistan sau khi Bắc Kinh bác bỏ lời kêu gọi xin lỗi của Canberra.

Hình ảnh bịa đặt là cuộc tấn công mới nhất của Trung Quốc nhằm vào Úc và là một ví dụ khác về việc sử dụng thông tin sai lệch, ngoại giao cưỡng bức không được kiểm soát”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 2.12, theo trang RT.

Đây là mức hạ cấp mới, ngay cả với đảng Cộng sản Trung Quốc”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - Cale Brown nói và cho biết ủng hộ Úc.

Theo RT, ông Cale Brown nói thêm: “Đạo đức giả của Trung Quốc là điều hiển nhiên với tất cả mọi người. Trong khi đăng ảnh chỉnh sửa trên Twitter để tấn công quốc gia khác, Trung Quốc ngăn cản công dân của mình đọc các bài đăng của họ". Ý ông Cale Brown là Twitter bị cấm ở Trung Quốc nên người dân nơi đây không đọc được thông tin trên mạng xã hội này.

bo-ngoai-giao-my-chi-trich-trung-quoc-dao-duc-gia-vi-dang-anh-linh-uc-duoc-chinh-sua2.jpg
Ông Cale Brown - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ

Ngoài ra, ông Cale Brown nhấn mạnh rằng, trong khi truyền bá thông tin sai lệch, Trung Quốc cũng “che đậy những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của mình, bao gồm cả việc giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương”. Đây là cáo buộc mà Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ.

Cale Brown cáo buộc giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý vào vấn đề đó để “trốn tránh trách nhiệm”.

Hôm 30.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên lên tài khoản Twitter cá nhân bức ảnh do máy tính tạo ra về một người lính Úc kề dao dính máu vào cổ bé gái Afghanistan. Kèm theo đó là chú thích: “Kinh hoàng trước việc binh lính Úc sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi như vậy và kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm”.

bo-ngoai-giao-my-chi-trich-trung-quoc-dao-duc-gia-vi-dang-anh-linh-uc-duoc-chinh-sua.jpg
Triệu Lập Kiên ghim ảnh minh họa lính Úc kề dao vào cổ bé gái Afghanistan trên Twitter hôm 1.12 như trêu ngươi chính quyền Thủ tướng Scott Morrison

Sau đó, Thủ tướng Úc - Scott Morrison mô tả bài đăng này là “hình ảnh sai sự thật và sự sỉ nhục khủng khiếp với các lực lượng vũ trang tuyệt vời của họ”, đồng thời kêu gọi Twitter xóa tweet và Trung Quốc xin lỗi.

Đáp lại, Twitter đã chọn ẩn hình ảnh kèm cảnh báo rằng tweet có chứa “nội dung nhạy cảm tiềm ẩn”.

Trong khi bà Hoa Xuân Oánh, cũng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định rằng chính phủ nước này không có gì phải xin lỗi.

Chính phủ Úc nên đưa những thủ phạm ra trước công lý, gửi lời xin lỗi chính thức tới người dân Afghanistan và cam kết long trọng rằng họ sẽ không bao giờ tái phạm những tội ác như vậy. Họ nói rằng Chính phủ Trung Quốc nên cảm thấy xấu hổ. Chính những người lính Úc đã gây ra tội ác dã man như vậy. Chính phủ Úc có nên cảm thấy xấu hổ không? Họ không nên cảm thấy xấu hổ vì những người lính của họ đã giết hại thường dân Afghanistan vô tội sao?", bà Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo hôm 30.11.

Bà Hoa Xuân Oánh cũng cáo buộc Chính phủ Úc phản ứng mạnh mẽ với tweet của ông Triệu Lập Kiên, trong khi không thể hiện sự tức giận tương tự với bằng chứng về một loạt vụ giết người bất hợp pháp ở Afghanistan được tiết lộ bởi báo cáo được công bố gần đây.

Tiếp đến, hôm 1.12, Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra (Thủ đô Úc) tuyên bố: "Sự giận dữ và la hét của một số chính trị gia và phương tiện truyền thông Úc không gì khác ngoài việc đọc sai và phản ứng thái quá với dòng tweet của ông Triệu Lập Kiên".

Theo Reuters, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc - bà Frances Adamson đã gọi điện cho đại sứ Trung Quốc ở Canberra - Thành Cạnh Nghiệp hôm 1.12 để phàn nàn về bài đăng của Triệu Lập Kiên. Bà Frances Adamson nói rằng Thành Cạnh Nghiệp đã “bác bỏ những cáo buộc không có cơ sở là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Úc đang tìm cách kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước và làm chệch hướng sự chú ý của công chúng khỏi những hành động tàn bạo khủng khiếp của một số binh sĩ Úc", Thành Cạnh Nghiệp nói.

Một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc tội ác chiến tranh của lực lượng đặc biệt Úc ở Afghanistan đã phát hiện ra 39 tù nhân không vũ trang và dân thường đã thiệt mạng. Úc cho biết 19 binh sĩ sẽ bị truy tố hình sự.

Thủ tướng Úc - Scott Morrison đã xin lỗi Tổng thống Afghanistan - Ashraf Ghani trước khi công bố báo cáo điều tra hai tuần trước.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết “tác phẩm nghệ thuật” của nghệ sĩ kỹ thuật số Wuheqilin “tiết lộ sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc”.

Về chuyện trên, tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận: “Úc vẫn tin rằng Trung Quốc kém cỏi, không đủ trình độ để chỉ trích những nước Úc vượt trội. Không gì có thể miêu tả tốt hơn tâm lý khi Úc thể hiện sự tức giận với một phim hoạt hình của Trung Quốc hơn nhiều so với tội ác của những người lính Úc ở Afghanistan”.

Bài liên quan
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng ảnh lính Úc kề dao vào cổ bé gái Afghanistan, Bắc Kinh không xin lỗi
Bắc Kinh từ chối xin lỗi sau khi quan chức Trung Quốc chia sẻ ảnh binh sĩ Úc kề dao vào cổ bé gái Afghanistan. Thay vào đó, Trung Quốc thúc giục Úc tìm kiếm sự tha thứ cho những tội ác chiến tranh bị cáo buộc ở Afghanistan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc ‘đạo đức giả’ vì đăng ảnh chế về lính Úc