Vào thời điểm này, rất mong chính phủ mạnh tay với các địa phương giữ thói tư duy lạc hậu, không chịu nghiêm túc tuân thủ chính sách của Nghị quyết 128/NQ-CP: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Cần mở cái khóa về tư duy chống dịch tại địa phương

Anh Tú | 18/01/2022, 16:24

Vào thời điểm này, rất mong chính phủ mạnh tay với các địa phương giữ thói tư duy lạc hậu, không chịu nghiêm túc tuân thủ chính sách của Nghị quyết 128/NQ-CP: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Khóa - mặt hàng thường được bán chạy vào cuối năm và có lẽ năm nay cũng vậy. Cuối năm, thời điểm giáp Tết là lúc các gia đình trở nên cảnh giác hơn trước tình trạng bọn trộm cắp hành sự. Năm nay kinh tế khó khăn hơn do hậu quả của dịch COVID-19 và những đợt giãn cách xã hội. Vì thế việc phòng ngừa trộm cắp lại càng trở nên cần thiết. Báo chí còn thông tin công an vừa phá được vụ kẻ cướp xông vào căn hộ chung cư để cướp điện thoại khiến dư luận rất xôn xao.

Với những công nhân phải về quê thì năm nay họ cần phải lên đường sớm hơn cả tuần so với các năm trước. Xa nhà trọ lâu hơn đồng nghĩa với rủi ro bởi trộm cắp nhiều hơn và mua thêm một cái khóa sẽ giúp tăng cường chỉ số an ninh thêm một chút.

Nhưng khi về đến quê thì không ít người con xa quê lại chứng kiến những ổ khóa. Lần này thì họ không phải bỏ tiền mua mà chính quyền địa phương chi tiền mua khóa để khóa luôn cửa-cổng nhà họ. Khóa cửa cũng đang là từ được tìm kiếm không ít trên Google vì chuyện một số nơi khóa cửa nhà dân để thực hiện cái được gọi là “chống dịch”. Dân khóa cửa phòng trọ để yên tâm về quê. Còn theo giải thích của nhà chức việc, khóa nhốt dân trong nhà như vậy thì chính quyền địa phương mới yên tâm, không sợ dịch lây lan.

Khóa để cho yên tâm là suy nghĩ của người dân và chính quyền nhưng không thể đồng nhất hai hành động này với nhau. Người dân có quyền khóa cửa nhà họ để bảo vệ tài sản hợp pháp của mình. Nhưng chính quyền thì không có quyền khóa cửa người dân cho dù có bao biện rằng được sự “đồng thuận”. Nếu người dân tự nguyện khóa cửa thì họ sẽ mua ổ khóa tự khóa lấy chứ không cần người khác khóa trái nhốt họ, coi họ như mối đe dọa cho xã hội.

Chuyện đó đã xảy ra ở thôn Tra Thôn, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; ở thôn Cao Bạt Nụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Và đó mới chỉ là 2 vụ được đưa lên báo đài gần đây.

Chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra nếu như những người có trách nhiệm đại diện cho chính quyền tại địa phương có chút hiểu biết về Hiến pháp, như Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước. Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo "quy định của luật" trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng...

Vào thời điểm này, các quy định về giãn cách xã hội theo các chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng đã chính thức được bãi bỏ. Thay vào đó là áp dụng các biện pháp "thích ứng an toàn" theo Nghị quyết 128/NQ-CP: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Tuy nhiên, tư duy của không ít cán bộ chính quyền địa phương vẫn còn nặng theo cách nghĩ cốt giữ vùng mình là pháo đài trước dịch bệnh mà không chịu cập nhật chỉ đạo theo thích ứng an toàn của chính phủ. Chừng nào còn tư duy kiểu giữ pháo đài mà không thấm nhuần tinh thần thích ứng thì còn cần nhiều khóa để khóa chặt các cửa ngõ ra vào một cách máy móc. Đó là tư duy lạc hậu, lỗi thời, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần linh hoạt của chính phủ.

Trong thời điểm chống dịch như chống giặc, chính phủ đã rất nghiêm khắc với những địa phương không nghiêm túc chống dịch. Nhờ vậy, Việt Nam giờ đây đã cơ bản vượt qua đỉnh dịch. Vào thời điểm này, rất mong chính phủ mạnh tay với các địa phương giữ thói tư duy lạc hậu, không chịu nghiêm túc tuân thủ chính sách “thích ứng mới”.

Chỉ có như vậy mới bỏ được cái khóa ghim chặt trong tư duy của quan chức cấp địa phương, không còn cảnh khóa trái cửa nhà người dân. Khi thích ứng thành công, kinh tế phát triển, đất nước giàu mạnh thì cảnh nơm nớp với cái khóa cuối năm sẽ bớt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần mở cái khóa về tư duy chống dịch tại địa phương