Chính phủ mới của đảo quốc Maldives bắt đầu điều tra các hợp đồng bí mật mà chính phủ cũ từng ký với Trung Quốc, vào lúc có các cảnh báo Trung Quốc “cướp đất” và Maldives ngập nợ Bắc Kinh những 3 tỉ USD.

Chính quyền mới Maldives bắt đầu đề phòng người Trung Quốc thuê đất

09/11/2018, 07:40

Chính phủ mới của đảo quốc Maldives bắt đầu điều tra các hợp đồng bí mật mà chính phủ cũ từng ký với Trung Quốc, vào lúc có các cảnh báo Trung Quốc “cướp đất” và Maldives ngập nợ Bắc Kinh những 3 tỉ USD.

Trung Quốc cho Maldives vay tiền xây cầu dài 1.600 mét - Ảnh: The Nation

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 8.11, các nhà lãnh đạo Maldives sợ nhất kịch bản đã xảy ra ở láng giềng Sri Lanka: chính phủ nước này thất bại trong việc tái thương lượng một khoản trả nợ vay, phải chấp nhận chuyển quyền điều hành một cảng ở vùng biển phía nam cho một công ty Trung Quốc, theo thời hạn cho thuê là 99 năm.

Vụ chiếm quyền điều hành này diễn ra trong bối cảnh Sri Lanka tham gia chương trình Vành Đai, Con Đường (BRI) của Trung Quốc, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quyền lợi thương mại Trung Quốc ở 65 quốc gia thuộc châu Á, châu Âu và châu Phi.

“Maldives không chấp nhận bị hút máu”

Ngay sau khi trúng cử ngày 23.9, tân Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih đã gặp Đại sứ Trung Quốc, được biết Maldives nợ Bắc Kinh gần 3 tỉ USD, chứ không phải 1,5 tỉ USD như ước tính trước đó.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Solih nói ông đang xét khả năng nhờ Cục điều tra liên bang (FBI) cùng các cơ quan khác của Mỹ, để họ giúp truy vết nguồn tiền bị “bốc hơi” cùng các chi tiết hợp đồng bí mật. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với SCMP: chính phủ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cuộc điều tra.

Ông Solih cũng đã cảnh báo nhóm cố vấn kinh tế: Maldives trở thành con nợ lớn của Trung Quốc. Các chi tiết vụ nợ Trung Quốc và cách nguồn tiền bị chiếm đoạt sẽ chỉ bắt đầu nổi lên, sau khi ông Solih làm lễ nhậm chức tổng thống ngày 17.11 tới, các trợ lý của ông được tiếp cận các tài liệu mà chính phủ đem giấu, không công bố cho người dân và các nghị sĩ biết.

Nhưng các thông tin mà nhóm chuyển giao quyền lực của ông Solih thu thập được đã chỉ ra khoản nợ ngập đầu vốn sẽ sớm cao hơn khả năng trả nợ của Maldives.

Cựu Ngoại trưởng Ahmed Naseem nói: “Chúng tôi phải điều tra để biết thực sự đã xảy ra chuyện gì, vì thật sự không ai biết gì cả. Đó là một khoản tiền khổng lồ, và chúng tôi cần Trung Quốc giúp tìm hiểu sâu. Chúng tôi sẽ phải nói chuyện với Trung Quốc, không nhất thiết là hủy các hợp đồng vì chúng tôi cần phát triển, nhưng là đàm phán lại các hợp đồng. Chúng tôi không thể trả tiền cho những món phi lý. Chúng tôi không chấp nhận để họ hút máu chúng tôi”.

Cho thuê đảo, giá bèo 4 triệu USD trong 50 năm

Đảo quốc Maldives gồm 1.192 đảo, đa số là đảo không người ở. Ở 120 đảo có những khách sạn cấp cao, và dưới thời Tổng thống Yameen (tên đầy đủ là Abdulla Yameen Abdul Gayoom), chính phủ đã sửa đổi một bộ luật, qua đó cho phép các công ty du lịch đấu thầu bí mật để thuê các đảo, mở đường cho hàng chục đảo hoang trở thành những khu du lịch nghỉ dưỡng (resort) cho du khách Trung Quốc.

Theo một quan chức nước ngoài thuộc khu vực biết chuyện, ít nhất 5 đảo lọt vào tay các công ty Trung Quốc.

Trong 5 năm xây dựng ồ ạt và hầu như không giám sát, Tổng thống Yameen đã cho Bắc Kinh thuê một hòn đảo gần thủ đô với giá “bèo”.

Từ đảo này, chỉ cần dùng thuyền cao tốc là đến được thủ đô Male, một công ty Trung Quốc đã được cho thuê sử dụng suốt 50 năm nhưng chỉ phải trả số tiền thuê 4 triệu USD, quá thấp so với giá thị trường.

Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed của Maldives nói với SCMP: “Tôi nói thẳng, đó là cướp đất”. Ông cũng từng mô tả tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, cùng việc nước này “vơ vét” đất đai của Maldives dưới vỏ bọc đầu tư phát triển đảo quốc này.

Ông Nasheed được ghi nhận là cha đẻ nền dân chủ đa đảng của Maldives và là bạn thân của đương kim Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih. Hồi đầu tháng 11, ông đã trở về nước sau 2 năm rưỡi sống lưu vong và là người luôn kịch liệt chỉ trích Trung Quốc.

Gần đây, Bắc Kinh nói ông Nasheed “đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm”, đồng thời khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc với Maldives vẫn tiếp tục, “dựa trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi”.

(còn tiếp)

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền mới Maldives bắt đầu đề phòng người Trung Quốc thuê đất