Đắk Lắk là tỉnh giàu tiềm năng với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản quy mô hàng đầu Việt Nam, nhưng cho tới nay chưa được phát triển tương xứng.

Đắk Lắk và những tiềm năng nông nghiệp chưa khai thác hết

Nguyễn Văn Lạng | 27/04/2022, 20:59

Đắk Lắk là tỉnh giàu tiềm năng với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản quy mô hàng đầu Việt Nam, nhưng cho tới nay chưa được phát triển tương xứng.

Rất ít tỉnh thành ở Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nền nông nghiệp (hiểu theo nghĩa rộng, gồm lâm nghiệp, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm sản…) như tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh có hơn 500.000 hécta đất trồng trọt, khoảng 600.000 hécta rừng và đất lâm nghiệp, với trên 500 hồ nước và hệ thống sông suối, kênh mương… Đặc biệt tỉnh có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ bậc nhất Việt Nam, vùng thấp bình nguyên với hàng chục ngàn hécta đất trồng lúa nước.

Đắk Lắk là tỉnh giàu tiềm năng phát triển với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản quy mô hàng đầu Việt Nam như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, ngô, sắn, đậu đỗ, thịt, gỗ… hằng năm thu về cho đất nước hàng tỉ USD hàng xuất khẩu, hàng chục nghìn tỉ đồng doanh thu do bán nông sản. Đắk Lắk đã từng là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên và số lượng vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất đất nước. Đắk Lắk có tiềm năng, dư địa lớn cho nông-lâm-ngư nghiệp…

Nhưng đến nay Đắk Lắk vẫn nghèo và chậm phát triển. Rừng đã mất quá nhiều cả về diện tích và trữ lượng gỗ lâm sản. Độ che phủ của rừng Đắk Lắc chỉ còn 39% trong khi độ che phủ rừng của cả nước 42,3%. Công nghiệp chế biên nông lâm sản vẫn què quặt. Đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm nghiêm trọng. Nước tự nhiên trên mặt, cũng như dưới lòng đất bị lãng phí và không đáp ứng cho nông nghiệp cũng như đời sống. Đóng góp ngân sách do nông-lâm nghiệp còn thấp trong GDP, đời sống người dân, nhất là nông dân vẫn rất khó khăn…

Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn lại mọi khía cạnh, mọi vấn đề, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp đột phá, căn cơ cho một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, sạch, hữu cơ và hữu hiệu bền vững cho Đắk Lắk. Tôi xin mạo muội đề xuất mấy ý kiến cá nhân như sau:

1. Trước hết hãy duy trì và bảo vệ, cũng như nâng cao độ che phủ thực vật trên địa bàn tự nhiên của tỉnh, với những giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các vườn quốc gia Yokdon, Chư Giang Sinh, Nam Ca, Easo, Thủy Tùng Cư Né. Phải hạn chế chuyển đổi mục đích những lâm phần rừng kinh tế của các công ty lâm nghiệp, dù có kinh doanh kém hiệu quả. Đẩy mạnh kinh doanh môi trường rừng và các sản phẩm ngoài gỗ. Khuyến khích các doanh nghiệp, người dân trồng rừng keo lai, tràm bông vàng, bạch đàn và các loại cây gỗ lâu năm quý hiếm khác, gắn với hình thành các nhà máy ván nhân tạo MDF, HDF… Trồng cây công nghiệp lâu năm thân gỗ có tác dụng như rừng trồng, chẳng hạn cao su, điều, mắc ca; trồng cây ăn quả lớn thân gỗ lâu năm như bơ, mít, xoài, sầu riêng… Trồng thuần loại hay trồng xen loại vào các rẫy vườn cây trồng khác có tác dụng đa dạng về kinh tế, phòng hộ…, chẳng hạn mô hình trồng sầu riêng trong vườn cà phê khá hiệu quả. Như thế sẽ tạo ra một hệ sinh thái đa loài, đa tầng, đa tác dụng và đa dạng sản phẩm. Một mô hình nông - lâm kết hợp, đa dạng sinh học, bảo tồn gien và tạo ra các sản phẩm đặc sản.

Tỉnh cần xây dựng chương trình thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây phân tán của Chính phủ. Trồng cây ở nơi công cộng, khu dân cư, cánh đồng, nơi văn hóa lịch sử…, vận động nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều đoàn thể và doanh nghiệp tham gia.

2. Nên ổn định thâm canh cơ cấu cây trồng hiện có, ít nhất là 1 chu kỳ kinh doanh của cây, cụ thể với cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa, ngô, khoai lang Nhật…; với cây ăn trái nhất như sầu riêng, bơ… để tạo ra khối lượng nông sản tập trung lớn, chất lượng cao, đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD/năm, tiến tới 2 tỉ USD/năm. Với lúa nước, Đắk Lắk có các vùng trồng lúa tập trung ở Eakar, Easup, Krong Ana, Lak…, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá tốt, nhất là lượng ánh sáng trực xạ cao, chủ động nước tưới, nên năng suất cao, chất lượng tốt. Nên tập trung sản xuất và cho phép tích tụ đất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ra sản phẩm hàng hóa lớn. Ngô (bắp) lai là thế mạnh của tỉnh với trên 120.000 hecta, cho thu hoạch hơn 1 triệu tấn ngô hạt/năm. Theo tôi, tỉnh nên kêu gọi đầu tư chế biến ngô, sản xuất thức ăn gia súc phục vụ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Với cây sắn, hiện Đắk Lắk có trên 50.000 hécta gieo trồng mỗi năm, đủ cung cấp nguyên liệu cho 6 - 7 nhà máy tinh bột sắn, đem lại nguồn thu ngoại tệ không nhỏ. Khoai lang Nhật Bản đang được trồng nhiều cũng là mặt hàng xuất khẩu, cả củ tươi lẫn nguyên liệu chế biến tinh bột khoai lang (giá trị tinh bột khoai lang gấp đôi tinh bột sắn). Hai nhà máy đường mía hiện có cần xem lại vùng nguyên liệu với giống mía ROC năng suất chữ đường cao, ngoài ra cần tính tới việc cơ giới hóa canh tác, thu hoạch mía, áp dụng tối đa công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo có lời cho doanh nghiệp và có lợi cho nông dân trồng mía.

Là tỉnh miền núi nhưng Đắk Lắk lại là tỉnh sản xuất lương thực lớn của cả nước, với sản lượng trên 2 triệu tấn/năm, có thế mạnh trong nông-lâm nghiệp, các loại sản phẩm nông nghiệp như đậu đỗ, bông vải… thì tỉnh cũng là địa phương có quy mô sản xuất hàng đầu của Việt Nam.

3. Nên có chương trình điều tra, đánh giá lại toàn bộ điều kiện canh tác nông nghiệp ở Đắk Lắk, nhất là môi trường đất, nước… Cần tính toán cân đối cơ cấu đất với cây trồng, nhu cầu nước cho cây trồng, cả nước mặt và nước ngầm, để điều chỉnh cơ cấu cây trồng mùa vụ cho thích hợp. Tiết kiệm nước bằng áp dụng bắt buộc đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm, như tưới phun mù, tưới nhỏ giọt. Cần đánh giá lại chất lượng đất: độ phì nhiêu, pH, các độc tố, vi sinh vật có lợi hoặc có hại trong đất sau bao nhiêu năm canh tác… để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ đất - giá thể của cây trồng. Có các biện pháp tổng hợp bảo vệ thực vật nhằm tạo ra nền sản xuất sạch, hữu cơ… đạt các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

4. Thu hoạch và chế biến nông-lâm-thủy sản hiện là khâu yếu nhất và gây thất thoát lớn nhất không chỉ ở Đắk Lắk mà nhiều tỉnh thành khác. Nguyên nhân thì nhiều: các yếu tố thời tiết, khí hậu mùa vụ, quy mô sản xuất thiếu cân đối với thời gian thu hoạch và nhân lực tại chỗ cho thu hoạch... Hậu quả là rơi vãi, thối mốc, hỏng khối lượng nông sản lớn hằng năm và giảm đáng kể chất lượng hàng hóa khi bán và xuất khẩu. Ước tính cả nước mỗi năm thiệt hại tới hàng ngàn tỉ đồng. Ví dụ cà phê hầu hết phải thu hái sớm khi vừa mới chín bói. Ít có nông hộ thu hái quả khi đã chín được hơn 95%. Đã thế lại không đủ sân phơi, lò máy sấy đúng tiêu chuẩn, nên hạt cà phê Đắk Lắk bị chê về chất lượng, thậm chí bị trả lại hoặc giảm giá khá lớn, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho nông dân, cho doanh nghiệp và cho tỉnh. Ngành cao su cũng thế, chỉ chế biến mủ khô nguyên liệu. Gỗ cao su thanh lý khi hết chu kỳ lấy mủ chưa được chế biến thành đồ mộc, ván ghép thanh, ván sợi MDF, với khối lượng hằng năm lên tới hàng trăm nghìn mét khối. Cây sắn mới được phát triển khoảng 20 năm trở lại đây cũng chịu tình trạng vậy, nhiều tiềm năng nhưng đầy thách thức về khâu tạo vùng nguyên liệu tập trung, thu hoạch chế biến. Gần như ta mới chỉ làm ra tinh bột bán cho Trung Quốc, chưa có sự đầu tư sản xuất bột biến tính để tạo ra các sản phẩm hàng hóa giá trị cao hơn như glucoza, bột ngọt, ethanol, tá dược, azao… Ngô cũng vậy. Hàng triệu tấn ngô hằng năm bán nguyên liệu cho thương lái chở đi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… trong khi tại tỉnh chưa có các nhà máy quy mô hiện đại chế biến ngô thành thực phẩm, thành thức ăn gia súc. Rừng trồng, đến khi thu hoạch gỗ thì lại không có nhà máy tại chỗ để sản xuất ra ván gỗ, đồ mộc… nên hiệu quả trồng rừng rất thấp, ít người quan tâm đầu tư.

5. Chăn nuôi và thủy sản gắn với chế biến là một thế mạnh còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đắk Lắk đang có nhiều khả năng mở rộng canh tác đồng cỏ và các sản phẩm cây trồng hằng năm như lúa, ngô, sắn, đậu đỗ…, đó là điều kiện cần cho sản xuất thức ăn gia súc, vỗ béo gia súc, gia cầm. Các vùng thấp bán bình nguyên Easup, Eakar, hay bán thảo nguyên Madrac, Eahleo là vùng có đủ điều kiện xây dựng đồng cỏ chăn nuôi và trang trại quy mô hàng ngàn, hàng vạn con bò sữa, bò, trâu lấy thịt. Chăn nuôi gà công nghiệp, vịt thả hồ nước cũng cần được quan tâm. Nuôi ong mật là thế mạnh của Đắk Lắk mấy chục năm qua, có nhiều năm số lượng đàn, lượng mật ong Ý của tỉnh đứng đầu cả nước, cần được tiếp tục phát triển, duy trì. Nuôi heo công nghiệp, thậm chí heo lai với heo rừng, heo cỏ, tạo ra đặc sản tại chỗ và cung ứng cho thị trường trong nước cũng là một thế mạnh đã tồn tại bao lâu nay ở Đắk Lắk nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Với số lượng và diện tích mặt nước của hệ thống hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, hồ ao toàn tỉnh rất lớn, đây là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, cá nước lạnh. Đã có dự án nuôi cá tầm tại hồ thủy điện Buôn Tuorsa huyện Lak khá thành công. Nuôi cá da trơn nguồn gốc sông Serepok cũng là điểm đáng lưu ý và nhân rộng. Hãy mở cửa cho các nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đầu tư vào chăn nuôi ở Đắk Lắk. Hy vọng đây là một hướng đột phá lớn mới trong kêu gọi đầu tư.

6. Đắk Lắk cần đổi mới triệt để việc kêu gọi đầu tư vào nông lâm thủy sản gắn với đưa công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản. Đây cũng là vấn đề lớn mới của tỉnh, cũng là vấn đề bức thiết và không kém phần quan trọng. Do chúng ta có thời gian dài hạn chế kêu gọi đầu tư, thiếu sót trong cách tiếp cận kêu gọi đầu tư FDI, đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào tỉnh chưa được quan tâm, vì thế có rất ít dự án đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm-thủy sản tại Đắk Lắk. Có cả nguyên do chủ quan và khách quan khiến Đắk Lắk thua xa Lâm Đồng, Gia Lai về kêu gọi xúc tiến đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh ở ngành nông-lâm-thủy sản. Đã tới lúc tỉnh phải chú trọng xây dựng chủ trương, chính sách, cơ chế, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, cơ quan chuyên nghiệp làm xúc tiến đầu tư. Có thể học hỏi các tỉnh bạn. Hãy kêu gọi nhà đầu tư làm những dự án mà họ và tỉnh có lợi thế. Hãy đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, một cửa, có cả chính sách ưu tiên ưu đãi đặc thù, đặc biệt. Trong cái rủi có cái may, do đi sau nên có điều kiện lựa chọn công nghệ mới, tiên tiến để đầu tư. Các công nghệ, khoa học, kỹ thuật cao từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến sâu, tới tìm kiếm thị trường chủ động... Theo tôi, công nghệ của các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Israel... là tốt nên cần xem xét lựa chọn. Cần nghiên cứu cơ chế tích tụ đất cho đầu tư quy mô lớn và cơ giới hóa hiện đại.

7. Thị trường cho nông-lâm-thủy sản Đắk Lắk. Ngoài thị trường trong nước không lớn với nông sản Đắk Lắk và thị trường xuất khẩu cho các nước trong khu vực châu Á, cần tính tới thị trường EU khi hiệp định thương mại Việt Nam và EU đã ký có hiệu lực. Không bỏ trứng vào một giỏ. Trước hết cần xây dựng các tiêu chuẩn nông lâm sản: ISO, FSC, VietGap, GlobalGap… với các tiêu chí sản phẩm hữu cơ, sạch và đặc sản. Tổ chức tuyên truyền tới dân, doanh nghiệp để đồng tình thực hiện. Có hệ thống quản lý kiểm tra, phúc tra, cấp dấu chứng nhận tiêu chuẩn… Coi trọng chất lượng và luật pháp. Quảng cáo sản phẩm hàng hóa không chỉ là việc của doanh nghiệp mà của toàn dân, của chính lãnh đạo các cấp các ngành, nhất là lãnh đạo tỉnh. Bí thư, chủ tịch cũng có thể là người đi giới thiệu quảng bá, rao bán nông lâm sản. Tỉnh phải kết nối được với các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, cơ quan ngoại giao của các nước và của Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, phát triển nông lâm ngư nghiệp của tỉnh.

8. Với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn..., Đắk Lắk là vùng có thuận lợi lớn cho sự sinh trưởng phát triển của khá nhiều dược liệu là thực vật, động vật. Vàng đắng, các loại sâm ta, mật nhân, tắc kè đá, nghệ đen, nghệ vàng, tắc kè, ve sầu, ong, kiến, nhung nai... Hàng trăm loài có khả năng gây nuôi trồng và khai thác. Đắk Lắk lại có 47 dân tộc anh em chung sống với nhiều bài thuốc và thầy thuốc dân tộc gia truyền. Tôi nghĩ là một tiềm năng cho phát triển ngành dược cổ truyền và thực phẩm chức năng để góp phần chữa bệnh cũng như nâng cao sức khoẻ cộng đồng và tạo thương hiệu và nguồn thu cho ngân sách. 

Còn nhiều ý kiến nhỏ nữa tôi muốn tham gia, nhưng đã dài, hẹn dịp khác. Tôi hy vọng tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới sẽ phát triển nông-lâm-ngư nghiệp mạnh mẽ, đột phá và bền vững!

Chúc ngành nông nghiệp Đắk Lắk thành công. Nông dân Đắk Lắk sẽ giàu lên, đỡ vất vả, xóa được đói nghèo.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk

Theo Nguyễn Văn Lạng
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đắk Lắk và những tiềm năng nông nghiệp chưa khai thác hết