Ngoài chuyện bị nghi rút ruột công quỹ, cựu Thủ tướng Najib Rajak còn có thể bị rắc rối lớn từ khả năng mở lại vụ điều tra cái chết bi thảm của một cô người mẫu Mông Cổ, liên quan vụ Malaysia mua tàu ngầm Scorpene của Pháp, khi ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng.

Lật lại vụ cựu Thủ tướng Malaysia nghi dính líu giết người mẫu Mông Cổ

21/05/2018, 20:30

Ngoài chuyện bị nghi rút ruột công quỹ, cựu Thủ tướng Najib Rajak còn có thể bị rắc rối lớn từ khả năng mở lại vụ điều tra cái chết bi thảm của một cô người mẫu Mông Cổ, liên quan vụ Malaysia mua tàu ngầm Scorpene của Pháp, khi ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng.

Cựu vệ sĩ Sirul (trái) của ông Rajak (phải) bị kết án giết cô người mẫu (giữa) - Ảnh: World Press.com

Năm 2002, Tập đoàn vũ khí DNCS (Pháp) bị cáo buộc “lại quả” hơn 114 triệu euro (134 triệu USD) cho một công ty vỏ bọc của Abdul Razak Baginda, một cố vấn thân cận của ông Rajak đã môi giới vụ mua 2 tàu ngầm Scorpene trị giá 1,1 tỉ USD.

Lúc đó, ông Rajak là Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, phụ trách thực hiện những vụ mua sắm quốc phòng mà hầu hết đều có hối lộ. Nhưng vụ mua tàu ngầm ầm ĩ nhất, với 114 triệu euro được chuyển cho đảng Tổ chức quốc gia Malay Thống nhất (UMNO) của ông Rajak.

Người tình bị giết vì đòi thù lao nửa triệu USD tiền công phiên dịch

Khi đó, người mẫu Altanluya Shaarribuu, 28 tuổi, là bồ nhí của Baginda, sau khi họ quen nhau ở Hồng Kông. Lúc đó người đẹp đã có chồng là một ca sĩ nổi tiếng, con trai một nhà tạo mẫu thời trang có tên tuổi ở Mông Cổ.

Shaariibuu biết nhiều thứ tiếng, là người phiên dịch cho Baginda khi ông ta bay sang Paris thương lượng với DCNS trong giai đoạn cuối của vụ mua tàu ngầm.

Cặp quan chức-bồ nhí này từng du lịch khắp châu Âu trên chiếc xe thể thao Ferrari của Razak, chụp ảnh ở Paris trước khi họ chia tay nhau. Shaariibuu lúc đó 28 tuổi và có bầu, rất tức giận vì không được thanh toán số tiền 500.000 USD, là thù lao cô được hứa khi làm phiên dịch cho giai đoạn đàm phán cuối mua tàu ngầm Scorpene.

Theo tờ giấy mà Shaariibuu để lại trong phòng khách sạn, cô bay về Malaysia để đòi tiền. Vụ bắt cóc Shaariibuu được thực hiện ngay trước cửa nhà Baginda, ngay trước mắt một nhân chứng là tài xế taxi đang đợi cô. Anh ta ghi lại biển số xe của nhóm bắt cóc, rồi báo cảnh sát, nơi khẳng định đó là xe của chính phủ.

Kẻ bắt cóc và giết cô người mẫu là hai cảnh sát đặc nhiệm làm vệ sĩ cho ông Rajak. Họ giải cô đến một cánh rừng vắng gần thủ đô Kuala Lumpur, quấn mìn C-4 quanh người cô và cho nổ, giết chết cả hai mẹ con cô.

Cô người mẫu Mông Cổ và con trai - Ảnh: Gia đình nạn nhân

Điều tra của cảnh sát phát hiện hai vệ sĩ của ôngRajak đã bắt cóc và sát hại cô người mẫu. Họ khai đã lôi Shaariibuu khỏi xe, đánh cô bất tỉnh và bắn hai phát đạn vào đầu cô ngày 18.10.2006.

Tại tòa, họ khai Shaariibuu trước khi bị bắn đã xin tha mạng để cái thai được sống nhưng họ vẫn ra tay, còn cột thuốc nổ vào xác cô để hủy cả cái thai, xóa sạch thông tin DNA về bằng chứng ai là cha đứa bé. Để bảo đảm bí mật, họ hủy cả thông tin cô nhập cảnh vào Malaysia.

Năm 2009, hai vệ sĩ sát nhân bị buộc tội giết người, bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ, nhưng câu hỏi ai ra lệnh cho họ thủ tiêu cô người mẫu không hề có câu trả lời.

Không hề có đầu mối kết nối ông Rajak với vụ án mạng và vợ chồng ông luôn chối rằng họ không liên quan, thậm chí không biết cô Shaariibuu.

Baginda cũng bị điều tra về tội chủ mưu giết người, nhưng được một quan tòa xử trắng án hồi năm 2008 ngay trước khi xem xét các chứng cứ. Vụ này làm dấy lên những cáo buộc có sự bao che.

Cựu vệ sĩ sẽ vạch mặt kẻ chủ mưu, nếu được ân xá

Nhưng kết quả bầu cử quốc hội Malaysia năm 2018 vừa rồi đã làm thay đổi tất cả. Tân Thủ tướng Mohamad Mahathir, 92 tuổi, ra lệnh điều tra nghi án vợ chồng cựu Thủ tướng Rajak tham nhũng nặng, không cho họ xuất cảnh.

Ông Rajak bị nghi trong vụ bê bối Quỹ phát triển Malaysia (Quỹ 1MDB) mà hàng tỉ USD từ ngân sách chính phủ đã bị “rút ruột”.

Khoảng 681 triệu USD từ Quỹ 1MDB được cho là đã chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của ông Rajak, tiền của quỹ cũng được cho là bị lạm dụng để mua một sợi dây chuyền nạm kim cương màu hồng 22 carat (trị giá 27,3 triệu USD) cho vợ vị cựu Thủ tướng, bà Rosmah Mansor.

Báo Guardian ngày 21.5 đưa tin một cựu vệ sĩ là Sirul Azhar Umar bị buộc tội giết cô người mẫu nói với trang tin điện tử Malaysiakini (Malaysia) rằng ông sẵn sàng về nước tiết lộ ai giết cô ta, nếu ông được chính phủ mới miễn tội.

Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, Sirul đã trốn qua Úc năm 2015 và ở một trung tâm tạm giữ di dân trái phép được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Ông nói nhiều người Malaysia hiện xem ông là một tù chính trị, và dù Interpol có trát truy nã, Úc không dẫn độ ông về Malaysia vì ông sẽ đối mặt với án tử hình.

Sirul còn nói ông và đồng phạm chỉ là “dê tế thần cho một người quan trọng”, nhưng vì gia đình còn sống ở Malaysia, nên cho đến nay ông giữ kín miệng.

Trong đơn kháng án hồi tháng 2.2009, Sirul tự mô tả là “một con cừu đen bị hiến tế” để bảo vệ một người được giấu tên: “Tôi chẳng có lý do gì gây hại cho nạn nhân một cách tàn nhẫn đến thế. Tôi xin tòa vốn có quyền quyết định sự sống hay cái chết, đừng lên án tôi để làm theo kế hoạch của những người khác”.

Cố vấn Baginda từng bị nghi giết bồ nhí nhưng không bị xét xử - Ảnh : Getty Images

Báo Guardian từng đưa tin hồi tháng 4, thủ lĩnh Khairul Anwar Rahmat của đoàn thanh niên UMNO đã bay đến Sydney gặp Sirul, theo sự cho phép của Bộ Nội vụ Úc. Đơn xin được cấp visa hưởng bảo vệ tạm thời ở Úc buộc ông phải chứng minh có nhân thân tốt, điều có nghĩa khẳng định ông không là chủ mưu vụ giết cô người mẫu Mông Cổ.

Trong một bức thư chúc mừng tân Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Battulga Khaltmaa đề nghị tiến sĩ Mahathir chú ý đặc biệt một vụ án giết người nghiêm trọng, nạn nhân là mẹ của hai đứa trẻ.

Ngày 21.5, tân Thủ tướng Mahathir nói ông đang xem xét có nên tha tội cho Silul hay không.

Thủ lĩnh đối lập Anwar Ibrahim đã giúp ông Mahathir “lật” ông Rajak, nói việc các thẩm phán đã không gọi các nhân chứng ra tòa làm chứng vụ giết cô người mẫu “chính là sự xem thường pháp luật”. Ông Anwar nói tốt nhất là mở lại vụ án, thẩm phán nghe tất cả những lời khai của tất cả các nhân chứng, cũng nên xử lại tội giết người của Sirul và đồng phạm Azilah Hadri.

Vua Malaysia có quyền ân xá người Malaysia phạm tội, nhưng ông Greg Lopez, một chuyên gia về Malaysia ở Đại học Murdoch (Úc) cho rằng khó có chuyện tha tội giết người cho Sirul, vì Sirul khi bị xử tại tòa đã nhận tội giết nhiều người.

Tuy nhiên, ông Lopez cũng nói có khả năng Sirul sẽ bị trục xuất về Malaysia.

Trung Trực (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lật lại vụ cựu Thủ tướng Malaysia nghi dính líu giết người mẫu Mông Cổ