Mẹ Chồng" của đạo diễn Lý Minh Thắng sở hữu đầy đủ yếu tố để thành công nhưng đến sau cùng lại khiến cho khán giả phải chặt lưỡi tiếc nuối.

Mẹ chồng: Thanh Hằng đẹp và chỉ thế mà thôi

02/12/2017, 07:22

Mẹ Chồng" của đạo diễn Lý Minh Thắng sở hữu đầy đủ yếu tố để thành công nhưng đến sau cùng lại khiến cho khán giả phải chặt lưỡi tiếc nuối.

Ngay từ khi công bố dự án, Mẹ Chồng đã thu hút nhiều sự chú ý từ phía truyền thông lẫn khán giả do đánh dấu sự trở lại của Thanh Hằng trên màn ảnh rộng và hội tụ nhiều tên tuổi đình đám của showbiz Việt như Lan Khuê, Midu, Diễm My, Lâm Vinh Hải, Song Luân... Ngoài ra, mẹ chồng - nàng dâu khi ấy cũng đang là chủ đề nóng do thành công ngoài mong đợi của phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng.

Tuy nhiên, Mẹ Chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng không hề mang hơi thở của cuộc sống thường nhật mà thay vào đó lại giống như một phim cung đấu đích thực với những âm mưu mô thâm độc giữa những người phụ nữ sống chung dưới một mái nhà.

Lấy bối cảnh miền quê Việt Nam vào thập niên 50, Mẹ Chồng xoay quanh gia đình của Hội đồng Lịnh - gia đình quyền quý bậc nhất Đại Điền (một vùng đất hư cấu). Cô Ba Trân (Thanh Hằng đóng) nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi và được gả vào làm dâu lớn cho nhà họ Huỳnh. Đáng tiếc, cô đã sơ suất làm mất đứa con đầu lòng cho nên bị mẹ chồng là bà Hai Lịnh (Diễm My đóng) trừng phạt, bạc đãi và cô lập. Sau đó, chồng của cô Ba Trân cưới vợ hai là Bảy Loan (Ngọc Quyên đóng) nhằm tìm kiếm con trai nối dõi tông đường.

Những người đàn bà của nhà họ Huỳnh

Sau khi chồng bất ngờ qua đời vì tai nạn, cô Ba Trân và Bảy Loan đã cùng lúc hạ sinh 2 người con trai. Bà Hai Lịnh vì quá đau buồn trước cái chết của con trai độc nhất đã biến thành người tàn phế. Không còn sự điều khiển của mẹ chồng, cô Ba Trân nghiễm nhiên trở thành người quyền lực nhất nhà họ Huỳnh. Điều thú vị là sự độc đoán của cô chỉ có hơn chứ không hề thua kém bà Hai Lịnh. Mặc dù vậy, miếng ngọc gia bảo vẫn chưa được truyền lại cho Ba Trân cho nên về danh nghĩa thì bà Hai Lịnh vẫn là chủ gia đình.

Không hài lòng trước việc con dâu lớn là Tư Thì (Lan Khuê đóng) không sinh được con trai, cô Ba Trân đã quyết định cưới thêm vợ hai cho con trai. Tuyết Mai (Midu đóng) vốn là một cô gái hiện đại đang thụ hưởng nền giáo dục phương Tây thì buộc phải cắn răng làm vợ lẻ cho một chàng trai chậm phát triển ở thôn quê để cứu cha mình đang bị hàm oan. Đây cũng là lúc tấn bi kịch bắt đầu khi những bí mật đen tối nhất của từng thành viên trong gia đình dần được hé lộ.

Lan Khuê và Lâm Vinh Hải
Midu

Có thể nói, Mẹ Chồng đã khai thác rất tốt cái ý thức hệ đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đó chính là các giá trị đạo đức có từ thời phong kiến như tam tòng, tứ đức và "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Điển hình nhất chính là nhân vật bà Hai Lịnh - người đã sống cả đời cung phụng cho nhà chồng. Chính bà đã tự tay nhào nặn cô Ba Trân từ một cô gái hiền lành trở thành một người đàn bà không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Cái ý thức hệ này còn truyền sang cả 2 cô con dâu của cô Ba Trân. Đó là một chuỗi bi kịch không có hồi kết.

Đáng tiếc, Mẹ Chồng đã không thể giải quyết được những khúc mắc do chính mình đặt ra. Các tình huống trong phim càng về sau dần trở nên rời rạc, vụng về và lỏng lẽo. Động cơ thủ ác của các nhân vật chính cũng không hề thuyết phục. Thậm chí, còn có không ít chi tiết phi lý.

Cô Ba Trân của Thanh Hằng đẹp trong mọi khung hình dù đôi khi không thật sự cần thiết. Công bằng mà nói, Thanh Hằng đã thể hiện rất tốt các cung bậc cảm xúc của một nàng dâu bị chèn ép cũng như người mẹ chồng gánh vác trách nhiệm của cả gia tộc. Thế nhưng, cô đã quá lạm dụng ngôn ngữ hình thể và liên tục lớn tiếng nhằm chứng tỏ quyền lực của cô Ba Trân. Đến nỗi cảnh cô Ba Trân liếc nhìn Tư Thì và Thiện Khiêm đã khiến cho không ít khán giả... phì cười.

Lan Khuê là diễn viên "đơ" nhất phim. Gương mặt không cảm xúc cộng thêm dáng đi như sải bước trên sàn catwalk của cô khiến cho nhân vật Tư Thì trông khá lạc nhịp so với dàn diễn viên còn lại. Trong khi đó, Midu thì lại khá tròn vai. Vốn quen thuộc với những vai ngoan hiền, cô đã thành công khi hóa thân thành một cô gái cá tính và có nội tâm mâu thuẫn.

Được đầu tư kỹ lưỡng, phần bối cảnh và trang phục của Mẹ Chồng đẹp đến ngỡ ngàng. Nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã mang đến những bộ bà ba cách tân cực kỳ cầu kỳ cho từng nhân vật mà đặc biệt là cô Ba Trân và bà Hai Lịnh. Chúng công phu đến mức... chẳng ăn nhập gì đến bối cảnh của phim. Mặc dù đã chọn bối cảnh giả tưởng là làng Đại Điền, thế nhưng vẫn khó để nghĩ rằng Việt Nam cách đây 60 năm lại tồn tại những người phụ nữ ăn diện như thế.

Tuy nhiên, hơn cả thảy mọi thứ là thông điệp mà phim muốn truyền tải. Thay vì giúp các nhân vật vượt qua định kiến, hủ lậu thì Mẹ Chồng lại đem đến cái kết khó hiểu, không hề giống với dòng chữ ghi trên poster: "Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu".

Mẹ Chồng hiện đang được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ chồng: Thanh Hằng đẹp và chỉ thế mà thôi