Một câu chuyện đáng chú ý trong tuần này là việc trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã thừa nhận rằng mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà Việt Nam đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được.

Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 không đạt: kết thúc một mơ ước duy ý chí

Nhàn Đàm | 13/04/2016, 11:07

Một câu chuyện đáng chú ý trong tuần này là việc trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã thừa nhận rằng mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà Việt Nam đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được.

Điều đáng chú ý nhất trong câu chuyện này không phải là việc Việt Nam đã không đạt được mục tiêu phát triển khá tham vọng đã đặt ra, khi mà điều này đã được dự đoántừ vài năm trước, mà là việc nó đã được thừa nhận thẳng thắn trước thời điểm kết thúc theo dự tính là gần 5 năm. Khi một mục tiêu đặt ra đã không thể đạt được, thì cách tốt nhất là hãy thừa nhận càng sớm càng tốt để có thời gian tìm ra một lối đi mới, còn hơn là cố gắng níu kéo để rồi rơi vào lạc lối.

Lời tuyên bố thừa nhận Việt Nam đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mang nhiều ý nghĩa hơn là một kế hoạch không thành công một cách đơn thuần. Trên thực tế, kết quả này là điều đã được một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dự báo cách đây vài năm, khi nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng giai đoạn 2007 - 2011, và vấn đề chủ yếu chỉ còn là đến khi nào Việt Nam thẳng thắn thừa nhận sự thực đó mà thôi.

Có khá nhiều yếu tố chứng tỏ kế hoạch trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam không có nhiều tính khả thi. Trước hết, đó là một kế hoạch khá dài hơi và tương đối tham vọng nhưng lại khá mơ hồ. Được đặt ra khi đất nước bắt đầu mở cửa vào những năm 1986 - 1987, chođến khi kết thúc vào năm 2020 thì tổng thời gian tiến hành kế hoạch“công nghiệp hóa, hiện đại hóa” sẽ kéo dài khoảng hơn 30 năm. Hơn 30 năm đúng là khoảng thời gian để một nước nông nghiệp với xuất phát điểm thấp có thể trở thành một nước công nghiệp, điển hình là trường hợp của Hàn Quốc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trường hợp của Hàn Quốc là một kỳ tích mà đến giờ dường như vẫn chưa được lặp lại lần thứ hai, và điều quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã không đặt ra một thời hạn cho mục tiêu công nghiệp hóa của mình. Vì thế, việc Việt Nam đặt ra thời hạn hơn 30 năm để hoàn tất chương trình công nghiệp hóa của mình bản thân nó đã là một kế hoạch mang đầy tính may rủi, mang bóng dáng của tư duy điều hành kinh tế theo kiểu duy ý chí, đặt kế hoạch từ trên xuống.

Sự mơ hồ của kế hoạch công nghiệp hóa của Việt Nam còn ở chỗ, chúng ta không vạch ra được nhữnggiải pháp và biện pháphiệu quả để thực hiện mục tiêu đã đề ra một cách triệt để. Việt Nam đã không có một chiến lược tiến hành công nghiệp hóa một cách bài bản không chỉso với trường hợp của Hàn Quốc, mà theo các chuyên gia kinh tế còn không chắc đó có phải là chiến lược công nghiệp hóa thực sự hay không. Đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, nhưng mục tiêu quan trọng nhất mà nền kinh tế Việt Nam hướng đến trong từng năm và trong từng kế hoạch 5 năm vẫn là chỉ số tăng trưởng GDP – vốn không có quá nhiều quan hệ với tốc độ công nghiệp hóa của quốc gia.

Đó là chưa kể một thực tế rằng, nền kinh tế toàn cầu đang dần diễn ra theo xu hướng toàn cầu hóa, nơi các nền kinh tế của các quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi chứ không riêng lẻ như trước, vì thế mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo các tiêu chuẩn cũ đã không còn phù hợp nữa. Khi các nền kinh tế phát triển trên thế giới đang tiến từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, việc Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo các tiêu chuẩn cũ thậm chí có thể trở thành một hướng đi lạc lõng. Trên thực tế, quá trình toàn cầu hóa đã đẩy con đường phát triển kinh tế của Việt Nam chệch khỏi hướng đi đã đặt ra là tập trung và ưu tiên cho quá trình công nghiệp hóa, thay vào đó Việt Nam xích lại gần hơn với mô hình tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực, đó là mở cửa nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển một nền kinh tế đa dạng.

Tuy nhiên, việc Việt Nam vẫn đặt mục tiêu theo đuổi về lý thuyết là công nghiệp hóa đất nước, đã dẫn đến sự lệch pha giữa mục tiêu theo đuổi trên danh nghĩa và hướng phát triển trong thực tế. Nói cách khác, Việt Nam trên thực tế đang đi theo con đường hướng tới nền kinh tế thị trường, với mục tiêu chủ đạo là tốc độ tăng trưởng GDP cao, nhưng lại không có một chiến lược cặn kẽ và có hiệu quả để hỗ trợ cho hướng đi mới này do vẫn bị mục tiêu công nghiệp hóa đặt ra trước đó chi phối. Nó dẫn đến hậu quả là nền kinh tế đang hướng đến mô hình kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam vấp phải những rủi ro mà lẽ ra đã có thể tránh được. Điển hình là giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2011, khi các chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam bị tổn hại nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là do sự không tuân thủ một cách chặt chẽ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang hướng đến.

Vì thế, việc Quốc hội tuyên bố mục tiêu công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020 không đạt vào thời điểm hiện tại, tháng 4.2016,là sự nhìn nhậnthẳng thắn, rằngViệt Nam đã không còn tập trung vào mục tiêu công nghiệp hóa từ cách đây nhiều năm, và rõ ràng chúng ta không nên tiếp tục theo đuổi một mục tiêu không có nhiều tính khả thi. Các mục tiêu mà Quốc hội đặt ra cho Chính phủ trong giai đoạn 5 năm sắp tới cũng chủ yếu hướng tới việc ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấunền kinh tế.Nói cách khác, việc Quốc hội tuyên bố mục tiêu công nghiệp hóa 2020 không đạt cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã chấm dứt với mô hình kinh tế mang màu sắc kế hoạch hóa tập trungvới những mục tiêu không khả thi, thay vào đóhướng đến một nền kinh tế thị trường nơi các thách thức và vấn đề sẽ được xử lý một cách linh hoạt và đạt được hiệu quả cao nhất.

Về lý thuyết, vẫn còn một khoảng cách khá xa từ việc chấp thuận và tôn trọng các nguyên tắc căn bản của nền kinh tế thị trường đến chỗ thúc đẩy các yếu tố chủ chốt để nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả nhất có thể. Tuy nhiên,việc Việt Nam tuyên bố chấm dứt theo đuổi mô hình kinh tế kế hoạch để chuyển hướng hẳn sang nền kinh tế thị trường cũng có thể được xem là một bước tiến dài. Đó sẽ là nền tảng để Việt Nam có thể thiết lập được một chiến lược phát triển theo hướng kinh tế thị trường thực sự, vốn là điều sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng vững chắc hơn trong tương lai.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 không đạt: kết thúc một mơ ước duy ý chí