Chiều 22.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên đã ký ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc tiêm các mũi vắc xin Pfizer trên toàn quốc.

Người tiêm mũi 1 AstraZeneca sẽ được ưu tiên mũi 2 Pfizer và những lưu ý

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 22/07/2021, 18:35

Chiều 22.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên đã ký ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc tiêm các mũi vắc xin Pfizer trên toàn quốc.

Trong bối cảnh nguồn vắc xin COVID-19 hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ để đảm bảo mỗi người được tiêm đủ 2 liều vắc xin cùng loại khi đến lịch tiêm. Vì vậy một số quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc... đã áp dụng kết hợp 2 loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau để tiêm cho người dân, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng cho biết theo như nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy, sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin Pfizer có miễn dịch tương đương so với tiêm 2 mũi Pfizer và cao hơn so với tiêm 2 mũi AstraZeneca. Trong khi đó, ở một số quốc gia có khuyến cáo tiêm 2 loại vắc xin khác nhau để tăng hiệu quả miễn dịch. Tuy nhiên, việc tiêm mũi 1 AstraZeneca và tiêm mũi 2 Pfizer có thể làm tăng nhẹ các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm...

covid-29.jpg
Việc tiêm vắc xin COVID-19 phải đảm bảo đúng theo yêu cầu

Giáo sư Pulendran, thành viên của Viện miễn dịch, cấy ghép và Nhiễm trùng Stanford và là giảng viên của Đại học Stanford ChEM-H cho hay: “Việc tiêm vắc xin mũi thứ 2 mang lại những tác dụng có lợi mạnh mẽ vượt xa so với lần đầu tiên. Nó kích thích sự gia tăng đa dạng mức độ kháng thể, một phản ứng tế bào T tuyệt vời không có sau lần tiêm đầu tiên và một phản ứng miễn dịch bẩm sinh được tăng cường đáng kể".

Trả lời phỏng vấn báo chí về việc có nên tiêm thêm 1 mũi vắc xin nữa sau khi đã hoàn thành 2 mũi tiêm COVID-19 hay không. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng hiện nay không có khuyến cáo chính thức nào từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC Mỹ về việc tiêm thêm một mũi nhắc lại sau khi hoàn tất đủ 2 mũi vắc xin  COVID-19. Việc theo dõi hiệu lực bảo vệ kéo dài của vắc xin cho thấy thời gian bảo vệ lên đến 6 - 12 tháng. Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do COVID-19 đều là những người chưa được tiêm vắc xin. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và nguồn lực vắc xin còn nhiều hạn chế trên thế giới, vắc xin hiện nay vẫn được chỉ định với lịch tiêm tiêu chuẩn (2 mũi). Vì thế, việc tiêm quá 2 mũi là điều không nên với những cá nhân có suy nghĩ tiêm càng nhiều thì càng được bảo vệ nhiều hơn.

Cũng chia sẻ về vấn đề tiêm vắc xin Pfizer xong thì cần làm gì để giảm những tác dụng phụ của vắc xin, đặc biệt ở mũi thứ 2. Các chuyên gia y tế đều cho rằng tác dụng phụ thường thấy sau khi tiêm vắc xin Pfizer là đau tại cánh tay tiêm, nổi mẩn đỏ, sưng tấy hoặc ngứa ở chỗ tiêm. Ngoài ra còn một số phản ứng như nhức đầu, đau cơ, buồn nôn, sốt và ớn lạnh, mất ngủ. Đây là phản ứng của hệ miễn dịch chống lại nCoV.

covid-30.jpg
Tiêm mũi 1 AstraZeneca sẽ được ưu tiên tiêm mũi 2 Pfizer

Để làm giảm các tác dụng phụ này cần:

- Chườm khăn lạnh lên chỗ tiêm hoặc để cánh tay tập vài động tác nhẹ. Điều này giúp làm giảm cảm giác đau và khó chịu sau khi tiêm.

- Uống nhiều nước và mặc trang phục thoải mái nếu sốt sau khi được chích ngừa.

- Tham vấn bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc như paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin để giảm cảm giác đau nếu thấy đau cơ, đau đầu, sốt cao. Nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn sau 24 giờ, hãy liên hệ với các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Đối với người tiêm vắc xin trên 65 tuổi, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng người cao tuổi, có bệnh lý nền càng phải tiêm phòng vắc xin COVID-19 một cách đầy đủ để hạn chế nguy cơ tử vong. Tác ụng phụ của vắc xin phụ thuộc vào việc cơ địa của người đó có bị dị ứng hay không, hoàn toàn không liên quan đến yếu tố sức khỏe đang mạnh hay yếu. "Tất nhiên vẫn có những trường hợp mắc bệnh cấp tính như sốt siêu vi... thì cần cân nhắc, có thể đợi hết bệnh rồi tiêm. Còn nếu mắc bệnh mãn tính, được điều trị ổn định thì không liên quan gì đến việc tiêm vắc xin COVID-19 có gặp tác dụng phụ hay không. Chưa kể, vắc xin COVID-19 được nghiên cứu để ưu tiên cho đối tượng nguy cơ của căn bệnh này là người cao tuổi, có bệnh nền”, bác sĩ Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Khanh, với những người có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đặt sten, viêm gan B, C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình… nếu đang được điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định thì lại càng nên chích. Tuy nhiên, các trường hợp này cần thận trong tiêm chủng, tức phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ khả năng hồi sức cấp cứu ban đầu. Những người đang bị ung thư giai đoạn cuối, người đang xơ gan giai đoạn cuối... mới không nên tiêm vắc xin COVID-19.

Trước khi đến tiêm phòng, người dân cần hợp tác khai báo y tế, giữ khoảng cách, bình tĩnh, không uống cà phê nhiều, thư giãn trước khi khám sàng lọc.

Trong khoảng thời gian chờ đợi 30 phút sau tiêm, cần giữ khoảng cách an toàn, tâm lý thoải mái, không nên quá lo lắng và báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều... Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi diễn biến sức khỏe của mình và báo cho cơ quan y tế gần nhất khi có những biểu hiện bất thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tiêm mũi 1 AstraZeneca sẽ được ưu tiên mũi 2 Pfizer và những lưu ý