'Dạy con từ thuở còn thơ'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:22, 01/08/2016
Dạy trẻ tính tự lập
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ có thể học tính tự lập từ rất sớm. Các bà mẹ đừng nghĩ rằng trẻ chưa biết gì để dạy, hãy đợi chúng lớn thêm lên. Điều đó hoàn toàn sai. Ngay khi trẻ chập chững biết đi, chưa biết nói, hãy tập cho trẻ có tính tự lập từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Ví dụ khi trẻ cần lấy một thứ gì đó, chúng thường nhìn vào mắt người lớn để thể hiện nhu cầu. Người lớn nhanh chóng hiểu ra điều trẻ cần và làm theo ngay. Thậm chí làm theo một cách thích thú.
Hay khi trẻ ngã, ngay tức khắc có người đến đỡ chúng dậy. Khi lười ăn, trẻ sẽ được cưng chiều, nựng nịu, dỗ dành. Thậm chí là chiều theo tất cả chỉ để trẻ chịu ăn…
Tất cả những điều đó hình thành tính cách ỷ lại của trẻ sau này. Trẻ hiểu rằng, chỉ cần mình muốn gì thì sẽ có người thực hiện giúp. Ngoài tính ỷ lại, người lớn vô tình còn biến trẻ thành một đứa trẻ hư, hay đòi hỏi và khi không đạt được nhu cầu thì gào khóc, ương bướng.
Người lớn đừng hiểu và làm theo hết tất cả nhu cầu của trẻ mà hãy từng bước chỉ cho trẻ làm. Khi con muốn lấy 1 đồ vật, hãy để vừa tầm với để con chủ động đến lấy. Khi con ngã, con sẽ biết cách tự đứng lên mà không phụ thuộc vào việc chờ người đến đỡ.
Ở từng độ tuổi, cha mẹ nên dạy cho trẻ tự lập những việc phù hợp với lứa tuổi.
Khi trẻ lên 3, đã có thể dạy trẻ cách sắp xếp quần áo, đồ đạc cá nhân mỗi khi đi du lịch cùng gia đình, dần dần trẻ quen sẽ biết được những việc phải làm. Khi ăn uống, hãy để cho trẻ có sở thích ăn uống riêng, cha mẹ chỉ cần hướng dẫn con những thực phẩm nào tốt, nên ăn. Còn lại, trẻ sẽ phải tự biết ăn khi đói mà không cần đến cha mẹ.
Dạy trẻ biết yêu thương
Theo chuyên gia tư vấn Thu Hương (Trường Đại học Sư Phạm), phần lớn trẻ em hình thành tính cách từ những người gần gũi nhất ở chung quanh mà trẻ tiếp xúc mỗi ngày. Những người đó đôi khi không phải cha mẹ, anh chị em mà là hàng xóm, hoặc những đứa trẻ chơi cùng.
Vậy nên tại sao có những đứa trẻ chưa dạy dỗ bất cứ điều gì nhưng lại ngoan hiền hoặc đanh đá, hỗn xược.
Từ nhỏ, trẻ đã có thể có tất cả các tính cách như: ganh ghét, nói xấu, ích kỷ, đòi hỏi… Tất cả những gì người lớn có thì trẻ có. Tuy nhiên trẻ nhỏ như một trang giấy trắng, việc của cha mẹ là hãy vẽ lên đó những điều tốt đẹp nhất, đẹp đẽ nhất. Đó là những điều sẽ theo trẻ cho đến khi trưởng thành và cả về sau này.
Chuyên gia cho rằng nên dạy cho trẻ biết yêu thương ngay từ nhỏ. Vì chỉ có tình yêu thương xuất phát từ tấm lòng mới có thể đẩy lùi được những thói xấu cố hữu của con người khi lớn lên.
Bằng cách hãy thể hiện điều đó với trẻ. Trẻ sẽ nhìn vào người lớn để học theo. Ở trong một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau, anh chị em trong nhà hòa thuận, giúp đỡ nhau, biết kính trên nhường dưới, dành cho nhau những ngôn từ ngọt ngào, yêu thương… Đó chính là cách dạy trẻ hữu hiệu nhất.
Cha mẹ khi có bất cứ bất đồng, khắc khẩu nào, dù là nhỏ cũng nên giải quyết khi không có trẻ. Việc xung đột trước mặt con chẳng khác nào đang vẩy một viết mực bẩn lên trang giấy trắng, trang giấy đó sẽ có vết đen trong suốt quá trình khôn lớn của con.
Hãy biết yêu thương nhau, quý mến những người khách đến thăm gia đình, rồi từ từ bạn sẽ dạy cho trẻ cũng như vậy với những người chung quanh. Tránh nói xấu, ghét bỏ bất cứ ai.
Trẻ sẽ thấm nhuần từ từ để biết cách yêu thương, nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống sau này.
Vì vậy, cha mẹ chính là tấm gương để trẻ noi theo. Chỉ khi biết yêu thương, trẻ sẽ nhận được sự yêu thương và trở thành người hữu ích cho tương lai, gia đình và xã hội.
Mai Anh