Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Formosa có trách nhiệm trong vụ chôn chất thải rắn’

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:17, 02/08/2016

Không chỉ gây ra thảm họa ô nhiễm “vô tiền khoáng hậu” trên biển, Formosa còn liên tiếp chôn chất thải rắn với hàm lượng độc tố nguy hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong cuộc trả lời báo chí ngày 2.8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã có ý kiến về vụ việc này.

Thiếu sót lớn của cơ quan quản lý

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Hàcho biếtBộ đã có thông báo kết quả đến các cơ quan báo chí. Bộ Tài nguyên -Môi trường đánh giá bùn thải bị chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng 390,72 tấn là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại, phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép để xử lý theo pháp luật.

Kết quả khảo sát môi trường đất, môi trường nước cũng cho thấy nước mặt, nước ngầm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh chưa bị ô nhiễm do việc chôn lấp trái phép bùn thải nêu trên gây ra.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cách xử lý là dùng phương pháp thiêu hủy. Từ nay, huyện Kỳ Anh phải có trách nhiệm lựa chọn trung tâm xử lý có năng lực, được cấp phép. Trong khi đó, hiện nayở Hà Tĩnh chưa có doanh nghiệp xử lý nào đạtđủ tiêu chuẩn.

“Nói gì thì nói, đây cũng là thiếu sót rất lớn của cơ quan quản lý cấp địa phương. Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành kiểm kê lại toàn bộ chất thải của Formosa, từ đó tiếp tục tìm xem ở đâu còn nữa không, xem doanh nghiệp nào đã nhận chất thải này và cố tình đổ chất thải ra môi trường nữa hay không” – Bộ trưởng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Hà, hành vi nhiều lần cố tình đổ chất thải nguy hại ra môi trường, lại domột công ty môi trường, do nhiều người thực hiện nên đây là hành vi rất nghiêmtrọng và vụ việcđã chuyển sang công an để điều tra xử lý.

Giám sát chặt Formosa

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Công ty Formosa cũng có trách nhiệm trong việc này vì đã không phân định, phân loại đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định, đồng thời đãchuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Do đó, công ty này sẽ bị xử phạt các vi phạm hành chính, đồng thời phải chịu trách nhiệm phối hợp với Công ty Kỳ Anh ký hợp đồng với đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển xử lý chất thải nguy hại theo quy định và chịu mọi chi phí cho việc này.

“Ngay từ bây giờ chúng tôi sẽ giám sát rất kỹFormosa, yêu cầu họ phải kiểm kê toàn bộ chất thải, kể cả chất thải công nghiêp thông thường cũng như chất thải nguy hại phải có kế hoạch lập danh sách có đủ năng lực để xử lý” – ông Hà nói.

Theo đó, Bộ Tài nguyên -Môi trường yêu cầu Formosa báo cáo trực tiếp. Bộ cũng lập 2 phòng thí nghiệm để giám sát chất thải của Formosa và cùng với Formosa tiếp tục khắc phục những hậu quả ô nhiễm môi trường biển họ gây ra lần trước.

Theo kết quả kiểm tra chất thải của Bộ Tài nguyên -Môi trường, trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.

Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnhphải chịu trách nhiệm chủ trì, giám sát kiểm tra quá trình này. Với Công ty Kỳ Anh, Bộ xác định công ty có dấu hiệu tội phạm về môi trường nên sẽ bàn giao hồ sơ cho công an tỉnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường

Tại cuộc họp báo, quan điểm của Chính phủ trong vấn đề này là không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường.

Theo đó, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan, hộ gia đình, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm đề phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Trước những vụ việc ô nhiễm môi trường liên tục được phát hiện, ngày 20.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên -Môi trường chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, những vấn đề như việc chấp hành pháp luật về môi trường, nhất là tại các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát môi trường của các cơ quan nhà nước…cũng được khẩn trương kiểm tra, báo cáo.

Thêm nữa, Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Ngăn chặn dự án FDI lách luật

Văn phòng Chính phủ cũng thông tin về việc một số chuyên gia cho rằng quy định về việc giám sát và xử lý nước thải của Việt Nam thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp có thể “lách”. Trong khi đó, cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên, trong đó có những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt, nhuộm, thép, giấy…

Theo đó, các quy định, quy trình kỹthuật đối với việc xử lý nước thải, công tác giám sát… đã đầy đủ, tuy nhiênkhâu tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, lách luật.

Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện các FTA, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam.

Quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, về bảo vệ môi trường, không cấp phép cho những dự án không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

Đồng thời với đó là tăng cường kiểm tra, giam sát việc thực thi, xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ Tài nguyên -Môi trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường cao hơn, tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới.

Trí Lâm

Trí Lâm