TP.HCM: Nhiều người dân khốn đốn vì dự án 'treo'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:06, 04/08/2016
Đất lãng phí, dân gặp khó
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu (quận 12) nói trong những lần tiếp xúc với cử tri quận 12, nhiều người dân bức xúc khi đất nông nghiệp bị thu hồi để làm công viên cây xanh. Việc xây dựng công viên cây xanh là tốt, nhằm tăng mảng xanh cho thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế đất nông nghiệp khi được quy hoạch thành công trình công cộng lại bị bỏ hoang nhiều năm để chờ kêu gọi đầu tư.
Theo ông Hiếu, cũng là đất nông nghiệp nhưng nếu may mắn quy hoạch thành đất đô thị thì có thể chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư. Thế nhưng nếu bị quy hoạch thành công viên cây xanh thì không thể chuyển đổi được. Trong khi đó, đầu tư cho công viên cây xanh là hạng mục cuối cùng nên thời gian kéo dài dẫn đến tình trạng nhiều người dân ở khu vực này bị ảnh hưởng.
Nhiều người dân muốn canh tác hoặc chuyển đổi thành đất thổ cư để xây dựng nhà ở tạm thời mà không cần đền bù bất cứ chi phí nào đều không được. Bởi lẽtheo quy định, không được xây dựng tạm trên đất nông nghiệp mà chỉ được xây dựng tạm trên đất thổ cư. Việc này dẫn đến tình trạng người dân khó khăn mà đất thì bị hoang hóa, lãng phí. Từ thực trạng này, ông Hiếu đề xuất thành phố xem xét, bổ sung chính sách cho người dân trong khu vực bị quy hoạch, đặc biệt là nơi quy hoạch thành công viên cây xanh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Lưu (quận 8) cũng đặt câu hỏi về dự án cầu Bình Tiên đã được quy hoạch từ lâu nhưng không biết khi nào mới khởi công. Đại biểu này nói theo câu trả lời của các cơ quan là đang chờ chủ đầu tư và sẽ khởi công xây dựng trong năm 2016. Mặc dù vậy, hiện tại đã là tháng 8 nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Do đó, ông Lưu đề nghị thành phố nên trả lời cụ thể cho cử tri biết là khi nào sẽ khởi công xây dựng cây cầu này.
Đồng quan điểm với ông Lưu, đại biểu Trần Thanh Trí (quận 12) cũng cho rằng thành phố có nhiều dự án quy hoạch quá lâu khiến người dân không yên tâm sinh sống và làm ăn. Đơn cử như dự án đường giải phóng kéo dài 15 năm, quy hoạch công viên cây xanh 20 năm…
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng tín dụng 18-20%
Cũng tại phiên thảo luận ngày 4.8, đại biểu Nguyễn Hoàng Minh (quận Tân Phú) đồng thời là Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho rằng tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cử tri quận Tân Phú đánh giá cao kết quả, mục tiêu, giải pháp mà thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Ông Minh cho biết năm 2013, tăng trưởng tín dụng của thành phố đạt 9%, sang năm 2014 tăng 12% và năm 2015 đạt 15%. Trong năm 2016, thành phố phấn đấu đạt 18-20%. Theo ông Minh, kết quả này dựa vào các chính sách tín dụng, tiền tệ linh hoạt và chủ động của ngành ngân hàng thành phố.
Bên cạnh đó, về vấn đề xử lý nợ xấu, tính đến cuối tháng 7, nợ xấu của thành phố là 3,98%, giảm nhẹ so với đầu năm 2016. Đáng chú ý, nếu trừ đi nợ xấu của chi nhánh của 3 "ngân hàng 0 đồng" gồm Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu thì thành phố chỉ còn 2,01% nợ xấu.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp đang lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới do nhiều ngân hàng thương mại mới đây đã tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, ông Minh khẳng định Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất cho vay, nếu không giảm được thì cố gắng giữ nguyên lãi suất cho vay để hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất ưu tiên.
Trong khi đó, đại biểuLê Nguyễn Minh Quang (quận Tân Bình) cũng nói rằng tổng dư nợ tín dụng của thành phố đạt 1.319.000 tỉ, tăng 6,82 % so với cuối năm 2015 và 16,42 % so với cùng kỳ là một con số đáng mừng.Tuy nhiên, đại biểu này lo ngại trong số này thì tín dụng dành cho bất động sản chiếm số lượng lớn khi dư nợ cho bất động sản đang tăng nhanh. Các dựán cao cấp, trung cấp cũng nở rộ, nhà ở trung bình giảm đi. Chưa kể, trong quý 2/2016, tái định cư chỉ được 7 trường hợp, trong khi nhu cầu về nhà ở rất cao.
Phan Diệu