Khởi tố vụ sập nhà 43 Cửa Bắc là có cơ sở?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:44, 06/08/2016
Khoảng 3 giờ30 ngày 4.8, tại khu vực giữa phố Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội) đã xảy ra một vụ sập nhà 4 tầng tại số 43 phố Cửa Bắc. Đây là cửa hàng ăn uống, khi xảy ra vụ việc có 11 ngườitrong cửa hàng. Vụ tai nạn đã khiến 2 người tử vong, 3 người khác bị thương.
Nguồn tin từ Công an phường Trúc Bạch cho biết, qua xác minh, chủ ngôi nhà 41 Cửa Bắc là bà Nguyễn Thị Vân. Sau khi bị xử lý vì xây không phép thì bà Vân đã xin phép sửa chữa và có công văn 1123/UBND - QLĐT của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình về việc chấp thuận khôi phục nhà cũ. Chủ ngôi nhà 41 Cửa Bắc tiến hành đào móng nên có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công trình nhà 43 Cửa Bắc.
Với thiệt hại nặng nềvề cả người và của trong vụ việc này, câu hỏi “Trách nhiệm thuộc về ai” khiến dư luận đang rất chú ý.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới,luật sư Trần Minh Hùng – Công ty Luật Gia đình cho biết, vụ việc này cần xem xét ở nhiều góc độ, đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy cho căn nhà số 41 đã đúng quy định pháp luật chưa? Nhà số 41 đã tiến hành thi công có đúng giấy phép xây dựng, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay không?
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét nguyên nhân sập nhà số 43 có phải là do bên nhà số 41 thi công hay là do nhà 43 xuống cấp nặng, không bảo đảm độ an toàn hay không?
“Nếu việc nhà số 41 xây dựng đúng quy định, theo giấy phép xây dựng, theo tiêu chuẩn xây dựng thì việc truy tố trách nhiệm hình sự theo tôi là không có cơ sở.Lúc này cần phải xem xét cơ quan cấp phép xây dựng đã đúng tiêu chuẩn, quy định hay chưa mà tại sao nhà 41 xây dựng đúng tiêu chuẩn vẫn gây sụp đổ cho nhà số 43” – ông Hùng nói.
Còn ngược lại, theo ông Hùng, nếu nhà số 41 xây sai phép, xây sai tiêu chuẩn, sai kỹ thuật đẫn đến nhà số 43 bị sập thì việc khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" là có cơ sở. Trong quá trình điều tra, tùy hành vi và trách nhiệm cụ thể mà cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can.
Theo ông Hùng, khi xây dựng một công trình dù là lớn hay nhỏ thì công việc khảo sát bao giờ cũng là công việc đầu tiên, khảo sát đúng là tiền đề cho thiết kế chính xác. Thực tế có không ít công trình do vi phạm các quy định về khảo sát nên dẫn đến chất lượng công trình kém, thậm chí bị sụp đổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khảo sát là khâu thiết kế công trình. Nếu việc thiết kế vi phạm các quy định về thiết kế, gây thiệt hại cho sức khỏe hoặctính mạng, tài sản của người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng.
Tiếp theo khâu thiết kếthì thi công là một khâu vô cùng quan trọng. Nếu thi công không đúng với thiết kế thì công trình cũng không thể đảm bảo; những công trình bị xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã bị đổ, bị sập chủ yếu là do khâu thi công; những người tổ chức thi công hoặc trực tiếp thi công đã bớt vật tư, thiết bị.
Ngoài ra, việc sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định, gây hậu quả cũng phải chịu trách nhiệm. Tùy theo hành vi mà chủ đầu tư (chủ nhà) có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự thì chủ nhà số 41 còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự theo điều 610 Bộ luật Dân sự 2005 và mục 2 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP 8.7.2006.
Trước đó, vào chiều 4.8, Công an quận Ba Đình đã công bố kết quả điều tra ban đầu vụ sập nhà số 43 phố Cửa Bắc làm 2 người tử vong. Theo báo cáo này, do nhà 41 đã xây lâu năm, xuống cấp, ông Trước Quốc Hùng (42 tuổi) đã thuê thợ tháo dỡ rồi xây lại.
Được biết, rạng sáng 4.8, gia đình này thuê máy xúc đến đào móng sâu khoảng 2 mét. Trong quá trình thi công thì xảy ra việc sập nhà số 43.
“Do nhà 43 bị sập dễ dẫn đến nhà 45 Cửa Bắc và 4 hộ dân phía sau sập theo nên Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", báo cáo nêu.
Trí Lâm