Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: 7000 tỉ của Trung Quốc và những mập mờ cần sáng tỏ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:53, 06/08/2016
Một trong những câu chuyện nóng nhất và gây ra nhiều tranh cãi trong nền kinh tế Việt Nam những ngày qua là sự việc Việt Nam có nên chấp nhận khoản vay 7.000 tỉ đồng (300 triệu USD) của Trung Quốc theo hình thức ODA, để tiến hành dự án làm tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hay không. Đây là dự án có mức đầu tư lớn nhưng đang bị đặt ra nhiều dấu hỏi về hầu hết mọi khía cạnh: từ nguồn vốn cho vay, các điều kiện đi kèm, các rủi ro lớn có thể ẩn giấu như vẫn thường xảy ra trong khá nhiều dự án sử dụng nguồn vốn Trung Quốc...cho tới tính hiệu quả và cấp thiết của dự án trên thực tế.
Dù đã có khá nhiều phân tích, đánh giá hay thậm chí là cả những tuyên bố từ một số bộ ngành liên quan, thì hầu hết các câuhỏi lớn trên đều chưa có lời lý giải một cách chính thức và đầy đủ. Một dự án quy mô lớn, lại mù mờ ở hầu hết tất cả mọi khía cạnh liên quan, thì việc bị phản đối từ đa số các ý kiến là điều dễ hiểu.Nói cách khác, bản thân dự án này đang tỏ ra hết sức mù mờ nhưng lại đang được các cơ quan chức năng đặt ra một cách nghiêm túc nhất.
Thực tế là, nếu có một đặc điểm nổi bật nhất trong câu chuyện vayTrung Quốc 7.000 tỉ đồng làm tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái này, thì đó hẳn là việc: lượng thông tin cụ thể liên quan đến dự án này cực kỳ ít ỏi. Trước hết là vấn đề nguồn gốc khoản vay. Chúng ta đều biết Trung Quốc là người đề xuất cho vay, nhưng hầu hết đều không biết khoản vay này là đến từ nguồn nào và có đặc điểm ra sao ngoại trừ nó thuộc hình thức cho vay ODA.
Theo thông tin của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì số tiền 300 triệu USD này có nguồn gốc từ Quỹhỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc chứ không phải hỗ trợ xuất nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Đó là chưa kể đến việc liệu khoản vay này có đi kèm với một điều kiện khá phổ biến khác của các khoản vay ODA là chỉ định thầu hay không. Nếu thực sự nó diễn ra theo hình thức chỉ định thầu, thì Việt Nam sẽ phải chấp nhận rất nhiều điều kiện đi kèm, từ nhà thầu và máy móc, nhân công...cho tới nguyên vật liệu thực hiện dự án đều đến từ Trung Quốc.
Dấu hỏi lớn tiếp theo, cũng là một trong những vấn đề được các chuyên gia kinh tế và đông đảo người dân quan tâm nhất, là các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam sẽ làm gì để ngăn chặn các nguy cơ luôn đi kèm với việc sử dụng nguồn vốn Trung Quốc như đã thấy ở rất nhiều dự án trước đó. Hầu hết các dự án có tổng mức đầu tư lớn dính dáng đến Trung Quốc trong thời gian qua gần như đều diễn ra không suôn sẻ, từ dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông cho tới dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gần đây.
Các dự án đó đều có chung một đặc điểm:bị đội vốn lên nhiều lần, thời gian thi công chậm trễ và bị trì hoãn liên tục, thậm chí dở dang và thiệt hại hàng ngàn tỉđồng như dự án Gang thép TISCO. Dù đã có không dưới hai Bộ lên tiếng ủng hộ việc vay vốn để thực hiện dự án, nhưng lại chưa có một vị quan chức nào đứng ra đảm bảo sẽ không để tình trạng trên tái diễn trong dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái lần này. Người dân và các chuyên gia kinh tế tỏ ý nghi ngờ và phản đối là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, dấu hỏi lớn nhất đối với việc đề xuất vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái lại làhiệu quả thực tế và tính cấp thiết của dự án này. Về lý thuyết, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất để tiến hành một dự án là việc xem xét tính hiệu quả và tính cấp thiết, trước khi quyết định có nên vay/bỏ vốn thực hiện hay không. Nhưng trong trường hợp này, nguyên tắc tối cần thiết và đơn giản đó đã bị bỏ. Chưa có một báo cáo đánh giá cụ thể và cặn kẽ nào về tính hiệu quả kinh tế và tính cấp thiết của dự án cao tốc này, kể cả từ các Bộ lên tiếng ủng hộ.
Tất cả chỉ dừng lại ở những lý giải hết sức mơ hồ và chung chung như lời lý giải của thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một dự án rất quan trọng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh mà còn cho cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh phía Bắc”. Một lý giảinhư vậyrõ ràng là không có nhiều giá trị trong việc làm rõ hiệu quả và tính cấp thiết của dự án trên thực tế.
Không thể không đặt dấu hỏi về tính hiệu quả và tính cấp thiết của dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, nhất là sau những động thái mới nhất vừa qua. Trước hết là việc các tổ chức tài chính quốc tế lớn thường cho vay để đầu tư trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) lại không có dự định tham gia vào dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ngay cả Nhật Bản vốn là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam ở rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng, cũng không tài trợ cho dự án này. Điều này đang đặt ra một câu hỏi lớn về tính cần thiết và hiệu quả kinh tế của dự án cao tốc này.
Một số phân tích cũng chỉ ra rằng, tuyến cao tốc Vân Đồn - Quảng Ninh không có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế các tỉnh phía Bắc,khi các tuyến đường nối cửa khẩu Móng Cái với các tỉnh miền Bắc vẫn chưa có dấu hiệu quá tải. Vì vậy, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cáinhiều khả năng là một trong những dự án thuộc diện nằm trong quy hoạch của chương trình “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Nếu tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn tất thì Trung Quốc có thể sử dụng cảng Vân Đồn để vận chuyển hàng hóa của nước này đến các thị trường trong khu vực và trên thế giới.
Tác động về phát triển kinh tế củatuyến đường cao tốc nối một cửa khẩu biên giới với một khu vực mới chỉ nằm trong quy hoạch như Vân Đồn rõ ràng là cần đánh giá một cách kỹ lưỡng. Nếu thực sự tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có hiệu quả kinh tế lớn với Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, thì nên để cho tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư dự án và thanh toán chi phí vay nợ bằng ngân sách địa phương sẽ hợp lý hơn là Nhà nước và Chính phủ phải gánh vác như đề xuất của một số Bộ liên quan trong thời gian qua.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)