Hội nhập là không dạy thêm, học thêm?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:03, 08/08/2016
Câu chuyện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ yêu cầu GS. Ngô Bảo Châu giải bài toán về mối quan hệ giữa đầu tư cho giáo dục với tăng trưởng kinh tế mà báo chí vừa đưa tin, nhận được một sự quan tâm lớn từ xã hội. Câu chuyện này đang phát đi một thông điệp đáng chú ý, đó là mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đầu tư, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.
Một cuộc cải cách kinh tế không thể thiếucải cách về giáo dục đi kèm. Khi Việt Nam đang thực sự tiến hành một cuộc cải cách về kinh tế trong thời gian qua, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói về câu chuyện giáo dục. Vậyđầu tư và đổi mới giáo dục trong giai đoạn hội nhập hiện tại cụ thể sẽ như thế nào, để có thể hòa hợp và tạo liên hệ chặt chẽ với quá trình cải cách kinh tế đang được thực hiện? Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đưa ra một câu trả lời đơn giản: “Hội nhập là không dạy thêm, học thêm; hội nhập là không chạy trường, chạy lớp”.
Những sự kiện diễn ra trong nền kinh tế gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết về việc cần đánh giá lại mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai, trong đó có vai trò to lớn của đổi mới giáo dục. Việc khu công nghiệp tỉ đô Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại trái phép làm ô nhiễm cả một dải biển miền Trung không chỉ dừng lại ở ý nghĩa sự lơi lỏng về quản lý môi trường của Việt Nam, màcòn là điển hình cho một mô hình tăng trưởng lấy đầu tư FDI vô tội vạ làm nền tảng. Hầu hết các dự án có công nghệ trung bình và lạc hậu đồng thời đặt trọng tâm vào thâm dụng lao động gia công trình độ thấp. Một nền kinh tế lấy gia công làm chủ đạo (phần lớn trong số 10 ngành xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Namthuộc diện gia công như lắp ráp điện thoại hay dệt may) thì sẽ chỉ yêu cầu một nền giáo dục có chất lượng trung bình, đào tạo ra những công nhân có trình độ vừa phải là đủ.
Trái ngược với vụ việc khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, câu chuyện Đà Nẵng có thể sẽ trở thành điểm đến của dự án đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu công nghệ cao trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Apple đang lại là một điển hình cho một hướng đi khác về kinh tế. Đã nhiều năm nay, Đà Nẵng chọn hướng phát triển của thành phố trong đó đặt trọng tâm vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Đó là lý do vì sao Đà Nẵng từng từ chối khá nhiều các dự án công nghiệp có trị giá hàng tỉ USD nhưng có nguy cơ tác động tới môi trường, điển hình như dự án xây dựng nhà máy thép của liên doanh China Steel Corporation (Đài Loan) – Sumitomo Metal Industries Corp (Nhật Bản), và dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Nhật cách đây vài năm. Tổng giá trị đầu tư của hai dự án này ước tính vào khoảng 4 tỉ USD.
Đó cũng là lý do vì sao dù Đà Nẵng luôn nằm trong top các tỉnh thành phố có chỉ số cạnh tranh PCI cao nhất cả nước nhưngtổng vốn đầu tư FDI vào thành phố này lại luôn khá thấp như vậy. Nếu Apple thực sự chọn Đà Nẵng làm địa điểm xây dựng trung tâm dữ liệu công nghệ cao trị giá 1 tỉ USD của mình, và có thể sẽ trở thành điểm nhấn khiến hàng loạt các dự án công nghệ cao khác cũng tập trung về đây, thì đó sẽ là một thành tựu lớn cho chiến lược phát triển bền vững và chọn lọc của Đà Nẵng.
Khi mà các quốc gia phát triển nhất trên thế giới đều đặt mục tiêu hướng đến nền kinh tế tri thức và thông minh, thì chiến lược phát triển của Đà Nẵng là lựa chọn hợp lý. Không chỉ Đà Nẵng, mà việc hướng tới nền kinh tế tri thức cũng phải là mục tiêu của Việt Nam trong tương lai. Trong đó, một nền kinh tế tri thức phải xuất phát từ nền tảng làhệ thống giáo dục phát triển và hiệu quả, có thể đào tạo ra những người lao động có trình độ cao. Kể cả khi mục tiêu hướng tới nền kinh tế tri thức là quá xa vời, thì rõ ràng vai trò của giáo dục vẫn là rất lớn đối với quá trình cải cách nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.
Một quan điểm khá thực tế về vai trò của giáo dục với tăng trưởng kinh tế được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu hồi đầu tháng 6: “Hội nhập là không dạy thêm, học thêm; hội nhập là không chạy trường, chạy lớp”. Theo ôngThăng,muốn chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” thành công thì phải khiến cho học sinh và sinh viên luôn nung nấu ý chí khởi nghiệp. Mà để làm được điều đó, cần một nền giáo dục phù hợp và lành mạnh, không được quá tải, nặng nề và thiếu tính thực hành vốn là những căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua. Cải cách giáo dục, trước hết là phải thay đổi từ những điều đơn giản nhất.
Những động thái hướng tới cải cách căn bản trong giáo dục đã bắt đầu xuất hiện trong thời gian vừa qua, chẳng hạn như việc TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục hồi tháng 6 vừa qua. Và gần nhất là lời cam kết của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sẽ đẩy mạnh cho các trường đại học được quyền tự chủ và không còn trực thuộc sự quản lý của Bộ. Theo đóBộ sẽ chỉ còn chức năng kiểm tra, giám sát. Đây có thể xem như một điểm nhấn và làbước ngoặt quan trọng trong tiến trình cải cách giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học, khi các trường đại học từ lâu đã đề xuất và yêu cầu được trao quyền tự chủ như một cách căn bản nhất để nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam bắt đầu xem xét và siết chặt lại các quy định đầu tư FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng và công nghệ cao, cũng như các chính sách khuyến khích người dân trong nước khởi nghiệp, thì rõ ràng việc đầu tư và đổi mới giáo dục là điều cần thiết. Cả hai hướng đi trên đều sẽ rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao mà phần lớn trong đó là sản phẩm của nền giáo dục nước nhà.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)