Chuyện cảm động về người đàn ông 'khờ khờ' nhặt ve chai nuôi mẹ già 94 tuổi

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:06, 12/10/2020

Hàng xóm của người đàn ông nhặt ve chai nuôi mẹ nói rằng: “Ông Đợi chả biết làm gì, chỉ biết thương mẹ là giỏi. Đi đâu lâu lâu một chút là ổng đòi về, không nỡ để mẹ ở nhà một mình”.

Lượm từng đồng nuôi mẹ già

Ông Nguyễn Văn Đợi năm nay đã 55 tuổi, sống cùng người mẹ 94 tuổi là bà Nguyễn Thị Đẹt trong một ngôi nhà nhỏ ở khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ.

Từ đời cha đến đời con, họ phải khốn cùng trong sự nghèo khó. Cha thì mất sớm khi ông vẫn còn là 1 thanh niên mới lớn. Người đàn ông này sinh ra vốn đã khờ khờ, từ bé đến lớn cứ quanh quẩn bên gia đình và xóm làng. Nhưng gia đình đối với ông là quan trọng nhất. Cho đến khi những chị em trong nhà có vợ có chồng, ông chỉ còn lại mẹ già bên mình, thế nên ông dồn hết tình cảm cho người mẹ già này. Dù ông ít hiểu biết, không có nhiều cảm xúc, nhưng ông biết ai là người quan trọng nhất trong cuộc đời ông.

3.jpg
Ông Đợi nuôi nấng, chăm sóc mẹ già trong cảnh nghèo túng - Ảnh: Thanh Nguyên

Bà Nguyễn Thị Em (53 tuổi) em gái út của ông Đợi kể rằng, anh trai của bà từ lúc lọt lòng đã không được lanh lợi như người ta. Nhà nghèo, ông Đợi lại khờ khờ nên cũng chẳng được đi học. “Ổng cứ vậy đó, không biết vui, biết buồn gì hết. Ai nói gì cũng cứ cười cười. Chỉ biết chăm sóc cho mẹ”, bà Em nói.

Ông Đợi có 4 anh chị em, nhưng hiện 1 người đã không còn, 1 chị gái có gia đình ở An Giang, bà Em thì hiện đang ở Đồng Tháp. Tuổi già của người mẹ nhiều năm qua chỉ biết trông chờ vào ông Đợi chăm sóc.

4.jpg

Dù không biết buồn vui, nhưng ông Đợi dành tình cảm rất lớn cho mẹ - Ảnh: Thanh Nguyên

Hồi bà Đẹt - mẹ ông Đợi còn khỏe mạnh, 2 mẹ con đi làm cỏ, chặt củi thuê... cũng kiếm ngày được ba bữa cơm. Nhưng mười mấy năm qua, sức khỏe ngày càng yếu, bà Đẹt nằm liệt giường, trí óc không còn minh mẫn nữa. Tất cả phụ thuộc vào ông Đợi. Không phụ lòng mẹ, ông Đợi cũng hết lòng chăm sóc đấng sinh thành. Không còn mẹ đi làm cùng, ông Đợi làm một mình có chậm hơn người ta, tay chân còn vụng về nhưng bà con thương tình lúc nào có việc cũng kêu ông.

Rồi ông đi làm thì ai lo cho mẹ? Ông không dám đi nữa.

Buổi sáng ông tranh thủ đi lượm ve chai thật sớm, được chừng gần 2 tiếng đồng hồ rồi lại lật đật về nhà với mẹ. Ông đút cho bà từng muỗng cháo, ngụm sữa. Số ve chai nhặt được, ông Đợi chờ vài ngày được đầy bao rồi đi bán cũng được vài chục ngàn. Ông nói ngây ngô: “Được có mấy chục ngàn à, đủ mua gạo thôi, còn mua tã cho mẹ thì không đủ rồi. Mỗi ngày mẹ xài 4 miếng tã lận, mỗi bọc 10 miếng tới 75.000 đồng”. Ngoài được chị em trong nhà hỗ trợ một phần nhỏ để nuôi mẹ, hàng tháng bà Đẹt và ông Đợi nhận được hỗ trợ của địa phương tổng cộng được hơn 1 triệu đồng. Chắt chiu, họ cũng sống được qua ngày.

Bà Em kể nhà bà ở Đồng Tháp, tưởng thì xa nhưng chỉ qua 1 con đò, đi thêm mươi cây số nữa thì cũng tới được nhà mẹ đẻ. Thời gian gần đây, bà Đẹt bệnh trở nặng, đêm không ngủ, thức trắng nói mê sảng. Ở tuổi 94, bà như ngọn đèn dầu hiu hắt trong gió, có thể tắt bất cứ lúc nào. Thương mẹ, thương anh trai, bà Em cứ cách ngày lại tìm về nhà thăm mẹ. Bà Đẹt ở bệnh viện gần 10 ngày, 2 chị em túc trực một bên, luôn có mặt bất cứ lúc nào mẹ cần.

“Tôi phải qua nấu cơm để mẹ ăn cho ngon. Ông Đợi nấu cũng được nhưng không biết đi chợ. Cá thịt không biết làm sao cho vệ sinh, cho ngon. Ổng ăn thì được, chứ mẹ ăn thì không nên. Mỗi lần tôi làm cá, rửa thịt đều kêu ông ấy lại coi rồi chỉ dẫn, nhưng đến hôm sau lại quên thôi. Ba ngày nay mẹ tôi không ăn rồi, chỉ uống nước, ép mấy cũng không chịu ăn”, bà Em lo lắng kể.

5.jpg

Bà Em, em gái út của ông Đợi kể về người anh khờ khạo nhưng hiếu thảo - Ảnh: Thanh Nguyên

Ngồi bên giường bệnh của bà Đẹt, ông Đợi cứ chốc chốc quay sang nhìn mẹ. Bà cụ nằm co quắp, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa. Ông Đợi đỏ mắt nói: “Mẹ có chuyện gì, chắc tôi đi theo bà”. Một người hàng xóm nhà sát bên nói vọng vào: “Tôi chưa thấy ai có hiếu như ông Đợi. Ổng làm cái gì cũng nghĩ tới mẹ, nói cái gì cũng mẹ”.

Đã nghèo còn mắc cái eo

Vợ chồng bà Đẹt nghèo cả cuộc đời, rồi đến đời các con cháu, sự nghèo này dường như được “di truyền” lại. Ông Đợi thì không kể rồi, vì ông không vợ không con. Ông ở với cha mẹ hơn 50 năm qua trong trí óc ngây ngô, nghèo như thấm sâu vào máu xương ông rồi. Còn 2 chị em gái của ông, lấy chồng rồi cũng lặn ngụp mưu sinh, rồi con cái của họ cũng vất vả.

Nhìn khoảng đất trống trước mặt bây giờ cỏ đã mọc um tùm, bà Em kể đất đó là đất của người ta cho mượn, hồi trước mẹ và anh trai bà ở trong 1 ngôi nhà được dựng tạm bợ bằng cây. Hai năm trước, 1 nhà hảo tâm ở cùng quận Ô Môn đã quyên góp cùng gia đình được hơn 30 triệu đồng xây dựng ngôi nhà tường như hiện nay. Cám cảnh thay căn nhà mới này cũng được xây trên phần đất được đứa cháu cho ở nhờ. Căn nhà được 1 phòng khách, đặt 1 cái giường cho bà mẹ nằm, phía sau là nhà bếp. Nhỏ bé là vậy nhưng đối với mẹ con ông Đợi, căn nhà đó là mơ ước cả đời.

Cuộc đời của ông Đợi không mấy suôn sẻ, khi có người hỏi ông có muốn lấy vợ không, ông cười, miệng mở rộng hết cỡ, gãi đầu mà rằng: “Không lấy vợ, không lấy vợ đâu, ai mà đi ưng tui”. Mấy năm trước, trong một lúc đi làm cỏ thuê, ông bị trái dừa rớt trúng đầu, cả nhà tưởng ông không qua khỏi, mà nếu sống sợ trí óc còn tệ hơn trước. “May mắn là ổng ngất chút xíu rồi tỉnh dậy, nhờ cây dừa thấp và trái dừa cũng không lớn chứ không thì cũng mệt”, bà Em kể. Đợt đó, ông Đợi không chịu đi viện, ở nhà nằm mấy ngày, bà Em đi hỏi người này người kia, sắc thuốc thang ép ông uống cho đến ngày bình phục.

6.jpg

Căn nhà nhỏ của mẹ con ông Đợi - Ảnh: Thanh Nguyên

Mới mấy tháng trước, bà Em và con gái làm công nhân về nhà thăm bà ngoại và cậu. Tối đó, họ trải chiếu dưới nền gạch, ngủ lại căn nhà nhỏ này. Nửa đêm say giấc, bị trộm lẻn vào, thấy căn nhà không có gì giá trị thì kẻ trộm lục tìm lấy 2 chiếc điện thoại của 2 mẹ con. Nghĩ lại bà Em còn uất ức kể: “Chiếc điện thoại của con gái tôi hơn 4 triệu, mua trả góp, mà mới mua à. Còn cái điện thoại cùi bắp của tôi có hơn 200.000 đồng cũng bị lấy luôn. Bữa đó con gái tôi đi làm tăng ca về mệt, tôi thì mất ngủ mấy đêm trước vì đau lưng, mới được chích thuốc nên bớt đau, 2 mẹ con ngủ say mới để trộm lẻn vào. Sáng sớm thức dậy, thấy mất đồ, 2 mẹ con chỉ biết tiếc của ôm nhau khóc”.

Rồi bà Em đi khắp nơi trong xóm kể hoàn cảnh của mình và con gái, mong tên trộm biết được hoàn cảnh mà trả lại điện thoại, nhưng vô vọng... Gạt qua chuyện buồn, bà Em nhìn người anh trai rồi buồn bã quay đi. Nỗi ưu tư của bà như hiện lên trong mắt, bà không biết được sau này khi người mẹ già không còn, anh trai bà sẽ sống như thế nào. Hơn nửa thế kỷ qua, người mẹ này là chỗ dựa tinh thần to lớn của ông. Còn ông Đợi, không biết ông nghĩ gì mà đưa mắt nhìn ra cửa, nơi ánh nắng chiều le lói sắp tắt rồi chốc chốc, lại quay sang nhìn người mẹ già đang nằm co quắp.

Thanh Nguyên