Phát hiện mối liên hệ giữa nhịp sinh học và bệnh viêm khớp
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:32, 10/08/2016
Hóa ra có một loại protein do đồng hồ bên trong cơ thể tiết ra điều tiết căn bệnh này. Đây cũng là lời giải thích tại sao đôi khi về sáng sớm, chân tay chúng ta hay bị xơ cứng. Tất cả vấn đề là ở protein có tên cryptochrome. Nó ức chế hoạt tính của các đường viêm tấy tại tứ chi bị khớp trong khi ngủ, vì vậy, khi chúng ta tỉnh ngủ, không còn hiệu ứng đó là lúc chúng ta cảm thấy đau mỏi. Nếu hoạt động của đồng hồ sinh học bị trục trặc thì sẽ gặp một loạt bệnh như thấp khớp chẳng hạn. Chỉ mới bây giờ các nhà khoa học mới hiểu được cơ chế điều tiết sự viêm nhiễm. BàJulia Gibbs, giảng viên Đại học Manchester (Anh)nhấn mạnh rằng điều hiển nhiên là hiểu được cơ chế đó sẽ dẫn đến việc bào chế ra các loại thuốc mới.
Còn theo tờThe DailyMail, những trục trặc trong chế độ ngủ và bệnh trầm cảm gây trạng thái dễ xúc động tiến triển theo mùa đông có thể do ảnh hưởng di truyền. Theo các chuyên gia, họ đã tìm ra một đột biến gien ở người có liên quan đến trầm cảm gây trạng thái dễ xúc động và trục trặc nhịp ngày đêm. Phát hiện này sẽ mở đường cho việc tìm ra những loại thuốc điều trị mới căn bệnh trầm cảm dễ gây tâm trạng xúc động mà 10% dân sống ở các vĩ độ bắc và vĩ độ nam mắc phải. Tổng cộng căn bệnh này đánh vào chừng 3% dân số thế giới với những triệu chứng như khó tỉnh dậy vào buổi sáng, buồn nôn, tâm trạng vui buồn thất thường, thích ăn quá no. Tội đồ sinh ra những thứ ấylà đột biến gien PER3. Những người bị rối loạn nhịp sinh học cũng bị đột biến gien này.
Gien PER3 thuộc hệ gien quan trọng đối với việc điều tiết giấc ngủ và tâm trạng. Tầm quan trọng của nó đã được chứng minh trong các thí nghiệm với chuột. Các nhà khoa học đã lai tạo được những con chuột đột biến gien PER3 rồi cho chúng sống trong những điều kiện mô phỏng sự thay đổi các mùa trong năm (có thay đổi độ dài của ngày và đêm), chuột liền bị rối loạn nhịp sinh học, bệnh trầm cảm tiến triển khi độ dài của ngày chiếu sáng là 4 giờ và thời gian tối là 20 giờ.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Đại học Edinburgh và Cambridge khẳng định sô cô la đen có một loạt thuộc tính hữu ích trong đó có việc giúp ngủ ngon nhờ giàu magie bảo đảm hoạt động bình thường của đồng hồ sinh học. Vì vậy, về lý thuyết, sô cô la đen giúp con người thích ứng với sự thay đổi nhịp ngày đêm khi chuyển sang múi giờ khác. Nhân đây cũng xin nhắc lại rằng ngoài sô cô la đen, magie còn có nhiều trong rau quả xanh, lạc, hạt hướng dương, đậu Hà Lan, sữa chua, chuối và hoa quả khô.Như vậy, magie chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh nhịp sinh học cũng có nghĩa là điều chỉnh giấc ngủ, sự tỉnh táo, sự tiết các hoóc môn, nhiệt độ cơ thể.
Vũ Trung Hương