Mỹ mạnh tay; Nga dửng dưng; Trung Quốc chen chân, OPEC cùng đường

Quốc tế - Ngày đăng : 09:56, 09/08/2016

Chưa khi nào mà OPEC lại suy yếu và bất đồng nội bộ nghiêm trọng hơn thời điểm hiện tại, và việc chấm dứt sự tồn tại của tổ chức dầu lửa quyền lực nhất thế giới trong nửa thế kỷ qua này, có lẽ cũng là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

Một tuần sau khi chính phủ Iran công bố hoàn tất đề án mở cửa ngành dầu lửa nước này cho các nhà đầu tư nước ngoài, OPEC cũng bắt đầu chuẩn bị cho cuộc hội đàm không chính thức ở Algeria để xem xét chính sách của các nước thành viên trong thời gian tới.

Và có thể đây sẽ là một trong những cuộc họp cuối cùng của OPEC, trước khi tổ chức dầu lửa quyền lực nhất thế giới này đến hồi tan rã, do sức ép từ cả bên ngoài lẫn bên trong OPEC. Chưa khi nào mà tổ chức dầu lửa quyền lực nhất thế giới trong nửa thế kỷ qua này lại suy yếu và bất đồng nghiêm trọng hơn thời điểm hiện tại, và việc chấm dứt sự tồn tại của OPEC, có lẽ cũng là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

Có thể nói, chưa khi nào mà một cuộc hội đàm của OPEC lại diễn ra với sự thờ ơ của thị trường dầu thế giới hơn cuộc hội đàm sắp diễn ra ở Algeria. Nếu như chỉ cách đây chưa đầy 4 tháng, khi hội nghị ở Doha, Qatar bàn về một thỏa thuận đóng băng sản lượng lớn giữa OPEC và các nước ngoài tổ chức như Nga thu hút sự chú ý của toàn thế giới, với hy vọng giá dầu trên thị trường sẽ có thể hồi phục. Thì giờ đây, chẳng còn ai kỳ vọng gì về cuộc hội đàm ở Algeria, cho dù giá dầu đã sụt xuống mức chỉ còn chưa đầy 40 USD/thùng.

Vì một thực tế là OPEC ở thời điểm hiện tại đã không còn đủ khả năng để vực dậy giá dầu trên thị trường thế giới nữa, dù tổ chức này vẫn đang nắm gần 50% thị phần dầu xuất khẩu trên toàn cầu. Giá dầu trên thị trường thế giới hiện tại chỉ có thể được vực dậy nếu một thỏa thuận đóng băng sản lượng được hoàn tất với sự tham gia của tất cả các nước thành viên OPEC và những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới như Nga. Nhưng, nó là điều gần như không thể xảy ra.

Nguyên nhân trước hết, là do đề án mở cửa ngành dầu lửa của Iran cho các nhà đầu tư nước ngoài được hoàn tất vào tuần trước, và dù vẫn phải chờ Quốc hội nước này thông qua, nhưng việc đề án này được chấp thuận là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Việc Iran chấp thuận cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thăm dò, khai thác tại các giếng dầu của mình, đồng nghĩa với việc Iran sẽ gần như không thể tham gia vào bất cứ một thỏa thuận đóng băng sản lượng nào trong tương lai gần. Việc Iran, quốc gia đứng thứ tư OPEC về sản lượng khai thác, không tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ đồng nghĩa với việc thỏa thuận đó sẽ chẳng có giá trị gì trên thực tế.

Không phải ngẫu nhiên khi Ả Rập Saudi đã cương quyết buộc Iran phải chấp thuận thỏa thuận đóng băng sản lượng ở hội nghị Doha thì Saudi mới tham gia. Nhưng Iran khi đó đã yêu cầu một điều kiện để nước này tham gia thỏa thuận đóng băng là đạt được sản lượng khai thác trước thời điểm cấm vận năm 2012 là 3,8 triệu thùng/ngày, Saudi đã từ chối, và giờ đây khi Iran đã đạt được mức sản lượng 3,8 triệu thùng/ngày và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngành dầu lửa của mình, thì một thỏa thuận đóng băng sản lượng là thứ không còn nhiều ý nghĩa.

Việc Iran đứng ngoài cuộc chơi khiến cho Nga cũng đang nhìn cuộc hội đàm sắp tới của OPEC bằng một nửa con mắt. Nếu như cách đây gần 4 tháng Nga là một trong số các nước chủ động đề xuất hội nghị ở Doha để bàn về thỏa thuận đóng băng sản lượng, thì giờ đây Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak tỏ ra dửng dưng chưa từng thấy: “Quan điểm của Nga hiện nay là một thỏa thuận đóng băng sản lượng là điều không cần thiết, vì giá dầu vẫn đang ở ngưỡng chấp nhận được”.

Nga dửng dưng cũng là điều dễ hiểu, khi mà một thỏa thuận đóng băng sản lượng ở thời điểm này gần như không có bất cứ giá trị gì trong việc vực dậy giá dầu. Iran đã quay trở lại mức sản lượng trước thời điểm cấm vận sớm hơn dự kiến, và có thể nâng 80% sản lượng bằng đề án cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngành dầu lửa của mình.

Ngoài ra, các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ cũng đang quay trở lại, lượng giàn khoan mới hạ đặt của Mỹ trong tuần qua tiếp tục tăng, và đã tăng tới tuần thứ 6 liên tiếp.

Một quốc gia khác cũng bắt đầu bước vào cuộc chơi là Trung Quốc, xuất khẩu dầu của nước này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2015, đạt mức kỷ lục là 4,57 triệu tấn/tháng. Rõ ràng, thị trường dầu thế giới sẽ bước vào tình trạng dư thừa nguồn cung khá lớn trong tương lai gần, và một thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa Nga và OPEC sẽ chẳng còn ý nghĩa gì.

Bản thân OPEC cũng đang phải đối phó với sự rạn nứt lớn nhất từ trước đến nay trong nội bộ tổ chức này. Một số các quốc gia thành viên như Venezuela, Ecuador và Kuwait đang yêu cầu một thỏa thuận đóng băng sản lượng trong toàn bộ tổ chức để vực dậy giá dầu, khi hầu hết các nước này đều đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng mà điển hình là Venezuela.

Tuy nhiên, quan điểm của Ả Rập Saudi – quốc gia giữ vai trò lãnh đạo OPEC – vẫn là một sự từ chối, điều này được khẳng định bởi Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo khi ông này bác bỏ lời đề nghị về một đề nghị áp dụng mức trần sản lượng.

Điều này đang cho thấy sự xung đột lợi ích giữa các nước thành viên OPEC đang trở nên lớn hơn bao giờ hết. Các nước thành viên đang gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế như Venezuela hay Lybia muốn giảm sản lượng để vực dậy giá dầu ít nhiều, vốn là điều có thể giúp nền kinh tế của các nước này tránh khỏi khủng hoảng trong ngắn hạn, dù tất cả đều hiểu rằng về lâu dài việc áp dụng trần sản lượng này có thể khiến thị phần rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Còn Ả Rập Saudi thì ngược lại, quốc gia đứng đầu OPEC này dù khó khăn nhưng chưa đến mức bắt buộc phải giảm sản lượng để cứu nền kinh tế, và với Saudi thì việc duy trì thị phần trên thế giới vẫn là điều quan trọng nhất.

Sự bất đồng nghiêm trọng này có thể khiến OPEC rơi vào tan rã nhanh chóng hơn bao giờ hết, vì ở thời điểm hiện tại sự tồn tại của tổ chức này đã không còn nhiều ý nghĩa. OPEC đã không còn có thể can thiệp vào giá dầu như trước nay nó vẫn làm, và cũng không còn duy trì được lợi ích cho các quốc gia thành viên của nó trong những thời điểm cấp bách mà Venezuela hiện tại là một điển hình, thì OPEC tan rã là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Reuters)

Nhàn Đàm