Tan hoang rừng pơ mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:10, 09/08/2016

Hàng loạt cây gỗ pơ mu trăm tuổi quý hiếm bị đốn hạ, cưa xẻ những phách gỗ lớn. Tan hoang rừng già thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôinhận được thông tin lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ pơ mu và nhiều loại gỗ quý trái phép tại khu vực rừng bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, nằm trong quần thể khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Điểm khai thác gỗ pơ mu trái phép đang diễn ra tấp nập suốt ngày đêm.

Theo dấu đường mòn của lâm tặc vào cánh rừng đang bị chặt hạ, càng đi sâu vào trong vùng giáp biên giới Việt - Lào, tiếng máy cưa càng rõ dần. Ở lưng chừng núi, tiếng máy cưa gầm rú liên hồi, tiếng cây xanh đổ nhào vang vọng cả khu rừng.

Phía dưới chân núi, thi thoảng bắt gặp những phiến gỗ pơ mu lớn được các đối tượng vận chuyển về bãi tập kết.

Những thân gỗ pơ mu bị đốn hạ chưa lâu vừa được cưa xẻ vận chuyển ra ngoài

Trên đường, một số người dân địa phương mang trên người chiếc dao quắm (một loại dao có bao của người Thái - PV) nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy nghi hoặc.

Theo người dẫn đường cho chúng tôi, anh T., một người dân địa phương từng làm nghề khai thác gỗ, vùng khai thác ở đây đều được đánh dấu “lãnh thổ”, chỉ có người dân địa phương hoặc người ở trong đường dây buôn bán gỗ mới được vào. Người lạ xuất hiện sẽ bị gây khó dễ.

Nếu có người lạ trong khu rừng thì mọi hoạt động khai thác, vận chuyển sẽ tạm dừng lại.

Những gốc pơ mu 'ứa máu'

Vượt nhiều ngọn núi trên dãy Trường Sơn sừng sững, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng già thuộc bản Mường Đán (xã Hạnh Dịch). Tiếng máy cưa rền vang cả một khu rừng. Mùi thơm phảng phất của gỗ pơ mu khó lẫn vào đâu được.

Được sự chỉ dẫn của anh T. chúng tôi tiếp tục men theo đường mòn để lên nhiều đỉnh núi, chứng kiến hàng loạt cây gỗ pơ mu lớn bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Có những cây gỗ đường kính gốc từ 90-120cm, thân bị cưa thành nhiều khúc rồi xẻ thành từng tấm lớn.

Những phiến gỗ rộng khoảng 70-100cm, dài từ 1,4 đến hơn 2m nằm ngổn ngang.

Những cây pơ mu lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ chưa lấy hết gỗ

Bên cạnh, những phiến, gốc pơ mu mới chặt hạ như đang ''ứa máu'', xơ xác giữa núi rừng trùng điệp, nhiều can xăng được các đối tượng mang theo bỏ lại rải rác ở những điểm xẻ gỗ. Xăng được dùng để chạy máy cưa.

Lần theo tiếng máy cưa, chúng tôi càng đi sâu vào rừng thì bắt gặp cây pơ mu bị đốn hạ càng nhiều. Có những cây bị xẻ thành tấm từ lâu, nhưng cũng có nhiều cây vừa bị đốn hạ mùn gỗ cưa còn mới tinh.

Theo anh T., những phiến gỗ đẹp sẽ được ưu tiên vận chuyển ra ngoài trước, những tấm xấu hơn sẽ được chuyển dần ra sau, vì đường vận chuyển rất khó khăn. Để đưa pơ mu ra khỏi rừng, người ta phải thuê người cõng, chứ không thể kéo như các loại gỗ khác vì gỗ pơ mu dễ vỡ, mòn gỗ sẽ mất giá trị kinh tế.

                
gỗ pơ mu, pơ mu, lâm tặc, phá rừng, khu bảo tồn Pù Hoạt
   

Can xăng rải rác ở những điểm xẻ gỗ

   

Tại khu vực này, để tìm được cây pơ mu chưa bị đốn hạ là rất khó. Chỉ có những cây bị hổng thân, bị lâm tặc “chê xấu” không khai thác hoặc một số cây đánh dấu “đặt hàng” chờ ngày khai thác.

Các đối tượng khai thác gỗ pơ mu là người dân địa phương, được các thương lái đặt hàng với giá khoảng 7 triệu đồng/khối. Một cây gỗ pơ mu có thể xẻ thành nhiều khối gỗ, cứ 3 đến 4 người sẽ chung một cây, sau đó cùng vận chuyển về chia lợi nhuận.

Khoảng hơn 2 giờ khảo sát, chúng tôi phát hiện hàng chục cây pơ mu đã bị sát hạ. Nhưng theo anh T., khu vực này chỉ là một trong nhiều điểm khai thác ở đây. Phía sâu trong rừng, ở khu vực giáp ranh biên giới Việt - Lào thuộc dãy núi Trường Sơn còn điểm khai thác khác.

                
gỗ pơ mu, pơ mu, lâm tặc, phá rừng, khu bảo tồn Pù Hoạt
   

Một gốc pơ mu vừa mới bị lâm tặc chặt hạ còn thơm phức mùi dầu

   

Trời xế chiều, chúng tôi lại men theo đường cũ trở ra, thời điểm này là lúc lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Trên đường về, dù cơn mưa rừng xối xả, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp từng nhóm 4-5 người cõng trên vai những tấm gỗ pơ mu lớn đi thoăn thoắt giữa mưa hướng ra đường lớn.

Mỗi khi qua chỗ vắng, sẽ có một người không vác gỗ đi trước làm ''hoa tiêu'', thám thính. Nếu không có động tĩnh gì, sẽ ra hiệu cho nhóm người cõng gỗ tiếp tục đi ra bãi tập kết. Nếu có tín hiệu không an toàn, gỗ sẽ được cất giấu kỹ, sau đó mới vận chuyển ra.

Theo những người làm gỗ, mỗi phiến gỗ pơ mu cõng ra tới điểm tập kết sẽ bán được khoảng từ 500.000 đến 700.000 đồng tùy vào chất lượng.

Văn Bình - Quốc Huy/ Vietnamnet

Theo Vietnamnet