Bệnh về đường hô hấp bùng phát, trẻ ồ ạt nhập viện
Sự kiện - Ngày đăng : 04:24, 10/08/2016
Huy động tổng lực để chữa bệnh hô hấp
Với gần 200 giường bệnh, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1được xem là khoa có nhiều giường bệnh nhất, nhưng trong những ngày qua đã không còn giường trống. Nhiều giường bệnh có đến 2-3 bệnh nhi nằm chung, thậm chí có gường 4-5 bệnh nhi nằm ngang để đủ chỗ.
Dù thời tiết hiện nay ở TP.HCM có mưa, tiết trời cũng khá dịu nhưng trong căn phòng cấp cứu của Khoa Hô hấpcó nhiều quạt máy hoạt động liên tục nhưng các phụ huynh phải đưa quạt tay lên quạt liên tụccho trẻ.
Chị H. (ngụ ở Hóc Môn) phân bua: “Con tui mới 6 tháng tuổi, cháu bị viêm phổi nhưng vào đây nằm chung đến 4 trẻ/giường nên các cháu phải nằm ngang mới đủ chỗ. Dù thời tiết không nóng nhưng nằm kiểu này chật chội, phụ huynh nuôi trẻ đông đúc nên khá nóng bức, không quạt không chịu nổi đâu”.
Chị H. cho biếtnhiều trẻ không có giường nằm phải nằm la liệt ở hành lang nhưng mấy hôm nay thời tiết Sài Gòn thường xuyên mưa, các bà mẹ ôm trẻ chạy vào phòng trú mưa gây nên tình trạng xô bồ, chật chội, nhếch nhác....
Mặc dù vậy, số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp vẫn còn khá đông, hiện có khoảng 450 trẻ đang điều trị tại đây. Trong khi đó mỗi ngày lại có thêm 100 trẻ mắc các bệnh hô hấp mới nhập viện, đẩy tình trạng quá tải càng thêm quá tải.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp cho biết lãnh đạo khoa đã xin ý kiến Ban Giám đốc bệnh việnđưa các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phổi phế quản, hen suyễn sang điều trị ở các Khoa Nội tổng quát 1, Nội tổng quát 2, thậm chí đưa sang cả khoa sốt xuất huyết để điều trị....
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện do các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao. Nếu so với tháng trước, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp điều trị nội trú tại bệnh viện này tăng khoảng 10 -20%. Hiện số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại khoa hô hấp của bệnh viện này khoảng 400 trẻ.
Bệnh ngoài hành lang Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 thân nhânvà bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nằm la liệt.
Theo bác sĩ Tuấn, thường các bệnh về đường hô hấp trong năm bắt đầu bước vào mùa là tháng 8 và tăng dần vào tháng 9, 10. Đây là thời điểm mùa mưa ở các tỉnh phía nam, khi mưa đến nhiệt độ giảm, độ ẩm tăng, là điều kiện thuận lợi để lây lan vi rút gây các bệnh về đường hô hấp.
“Mới bắt đầu vào mùa của các bệnh về đường hô hấp, nhưng số bệnh nhi nhập viện đã tăng mạnh, nếu tình trạng này kéo dài khi bước vào đỉnh của bệnh thì nguy cơ sẽ bùng phát thành dịch”, bác sĩ Tuấn lo lắng.
Người nhà bệnh nhi chưa tin tuyến dưới
Ông Tuấn cho rằngtình trạng bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp ồ ạt nhập viện có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân chủ quan là do gia đình bệnh nhi không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới, hoặc có thói quen thíchlên tuyến trên.
Thực tế hiện nay, các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có trên 60% bệnh nhi đến từ các tỉnh thành khác, trong đó có những bệnh về đường hô hấp mà các bệnh viện tuyến tỉnh có thể điều trị được.
Trẻ mắc bệnh hô hấp mới đầu thường ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt... (triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên). Khoảng 80% trẻ mắc bệnh tự khỏi trong vòng 10 đến 14 ngày;số còn lại có thể bị viêm đường hô hấp dưới như: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi.
Để phòng ngừa trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là đang bước vào mùa của dịch bệnh này, bác sĩ Tuấn khuyến cáo các bậcphụ huynh khi sử dụng thiết bị lạnh nên để vừa đủ mát, để xa trẻ.
Thời điểm này thời tiết ở các tỉnh phía Nam diễn biến thất thường, có lúc nóng, có lúc lạnh, nhất là vào sáng sớm nên hạn chế cho trẻ ra đường, nếu cần thiết phải ra đường thì che chắn kín, mặc áo đủ ấm để tránh gió lùa.
Ngoài ra, tuy là bệnh hô hấp, nhưng đường lây chủ yếu qua đường tay nhiễm bẩn của người chăm sóc. Do đó, việc rửa tay sạch chính là liều vắc xin phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp tốt nhất. Việc rửa tay sạch sẽ góp phần làm giảm thiểu 2 bệnh phải nhập viện nhiều và gây tử vong cao là viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Đặc biệt bác sĩ Tuấn cảnh báo một loại vi rút gây bệnh về đường hô hấp rất nguy hiểm là vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Vi rút này rất dễ lây cho mọi người, cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc.
Người lớn mắc loại vi rút này chỉ cảm ho thông thường, nhưng nếu lây cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi thì 90% sẽ bị bệnh viêm tiểu phế quản, tuổi càng nhỏ càng nặng. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị nhiễm phải loại vi rút này thì khả năng phải nhập viện và thở oxy là rất cao.
Đối với trẻ em khi nhiễm loại vi rút này, trong 1-2 ngày đầu thường bị sốt nhẹ, ho khan, sổ mũi. Từ ngày thứ 3 trở đi, bệnh sẽ thể hiện rất rõ với 3 triệu chứng chính: ho nhiều, thở khò khè hay khó thở. Những trường hợp này, nếu được chăm sóc tốt thì có 70% sẽ tự khỏi, không cần thiết phải nhập viện.
“Riêng những trường hợp trẻ ngủ li bì khó đánh thức, bỏ bú hoặc bú kém (với trẻ dưới 3 tháng); không uống nước, nôn tất cả thức ăn, co giật, khó thở… phải đưa đến nhập viện ngay”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Hồ Quang