Anh sẽ hết dễ dãi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 09:32, 10/08/2016
Tân thủ tướng Theresa May đang chứng tỏ biệt danh “Bà đầm thép” mà giới truyền thông đặt cho bà không hẳn là không có lý do, khi chính phủ mới ba tuần tuổi của bà đang sẵn sàng không làm vừa lòng một trong những đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của nước Anh là Trung Quốc, bất kể đảo quốc sương mù đang ở trong một tình thế khó khăn về kinh tế sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Vậy, vì sao Anh lại dừng một dự án quan trọng cả về kinh tế lẫn ý nghĩa chính trị như dự án điện hạt nhân Hinkley Point?
Việc chính phủ mới ba tuần tuổi của nước Anh tuyên bố tạm ngưng dự án điện hạt nhân Hinkley Point có sự góp vốn của Trung Quốc, đang được xem là một tin chấn động và gây ra một cú sốc lớn. Trung Quốc sốc cũng phải, khi Hinkley Point C được xem là dự án điện hạt nhân quan trọng và có quy mô lớn nhất mà Trung Quốc từng tham gia, đồng thời giữ vai trò quyết định đối với tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân nước này.
Hinkley Point C theo dự kiến sẽ là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư lên tới 18 tỉ bảng (23,6 tỉ USD), trong đó phía Trung Quốc là tập đoàn China General Nuclear Power sẽ góp 6 tỉ bảng. Đây là dự án trọng điểm quan trọng hàng đầu giữa Anh và Trung Quốc được ký kết khi chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm London vào tháng Mười năm ngoái, vì thế việc dự án này bị đình trệ được đánh giá là sẽ có ảnh hưởng đến uy tín của ông Tập. Đó là lý do vì sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang lớn tiếng thúc giục chính phủ mới của Anh sớm quyết định triển khai dự án.
Ngoài ra, việc dự án Hinkley Point C bị tạm ngưng cũng được đánh giá là sẽ tác động rất tiêu cực tới tương lai ngành công nghiệp điện hạt nhân của Trung Quốc. Dù Trung Quốc hiện đang có khoảng hơn 30 nhà máy điện hạt nhân trong nước, và phần lớn được nước này tự thiết kế và xây dựng, thì chất lượng và sự đảm bảo an toàn tại các dự án điện hạt nhân của Trung Quốc vẫn chưa được quốc tế thực sự thừa nhận, kể cả khi nước này đã đạt được một số hợp đồng xây dựng điện hạt nhân tại Pakistan hay Argentina.
Dự án Hinkley Point vì thế sẽ có thể trở thành sự thừa nhận mang tính quốc tế với ngành công nghiệp điện hạt nhân mà Trung Quốc đang cần, dù tập đoàn năng lượng EDF của Pháp mới là người chịu trách nhiệm thiết kế và thi công. Nếu Hinkley Point C hoàn tất thành công, thì Trung Quốc có thể sẽ được quyền xây dựng và điều hành một nhà máy điện hạt nhân nữa do nước này tự thiết kế tại Essex, Đông Nam nước Anh.
Những lý do chủ yếu khiến thủ tướng Anh Theresa May quyết định tạm dừng dự án quy mô lớn này, chỉ một ngày trước khi lễ ký kết xây dựng được diễn ra, được cho là liên quan đến lĩnh vực an ninh và đặc biệt là kinh tế. Cố vấn lâu năm của bà Theresa May, ông Nick Timothy, viết trên trang web của đảng Bảo thủ, rằng cơ quan tình báo Anh (MI5) cho rằng việc tham gia vào dự án Hinkley Point sẽ tạo điều kiện cho gián điệp Trung Quốc có cơ hội hoạt động để chống lại lợi ích của Anh không chỉ ở nước ngoài mà còn ngay tại đất Anh.
Tuy nhiên, yếu tố kinh tế có vẻ như mới là nguyên nhân thực sự khiến bà Theresa May đòi xem xét lại các điều khoản của dự án này. Khá nhiều chuyên gia đang chỉ ra rằng, dự án này đang gây ra những bất lợi nghiêm trọng về kinh tế đối với nước Anh, cụ thể là nó quá đắt. Các điều khoản của dự án quy định, Anh cam kết sẽ trả cho EDF 92,5 bảng cho mỗi megawatt điện/giờ trong vòng 35 năm, và đây là mức giá cao hơn gấp đôi so với giá thị trường hiện tại.
Nếu tính trong toàn bộ tuổi đời dự án, thì người dân Anh có thể phải trả một số tiền lên tới 48 tỉ USD theo giá thị trường, nghĩa là cao gấp đôi tổng giá trị dự án. Ngay từ khi còn là Bộ trưởng Nội vụ bà Theresa May đã phản đối dự án này, và giờ đây không có gì khó hiểu khi vị nữ thủ tướng đã quyết định sẽ xem xét lại các điều khoản.
Ở thời điểm hiện tại, Anh đang ở trong một tình thế khá khó khăn để có thể quyết định chấm dứt dự án điện hạt nhân Hinkley Point này, khi mà nước này đã lên kế hoạch đóng cửa hàng loạt các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trước năm 2025 cũng như một số nhà máy điện hạt nhân đã quá cũ. Nếu không nhanh chóng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, như Hinkley Point, thì Anh sẽ rơi vào cảnh thiếu điện trầm trọng trong tương lai gần.
Ngoài ra, sức ép từ phía Trung Quốc cũng là một yếu tố cần xem xét. Anh đang tiến hành đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Trung Quốc sau khi rời khỏi EU, bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond đã đến Bắc Kinh vào tuần trước để chuẩn bị. Nếu Anh dừng dự án điện hạt nhân Hinkley Point có thể khiến việc đàm phán hiệp định này gặp trở ngại lớn, ngoài ra nó cũng khiến chính phủ mới của bà Theresa May gặp sự phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc tân thủ tướng Theresa May tạm ngưng một dự án được xem là mang tính biểu tượng này đang cho thấy, nước Anh sẽ không còn dễ dãi trong các mối quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc như đã diễn ra dưới thời thủ tướng tiền nhiệm David Cameron nữa.
Khoảng thời gian ông Cameron giữ chức thủ tướng được xem là kỷ nguyên vàng trong mối quan hệ hợp tác giữa Anh và Trung Quốc.Theo lời của chủ tịch Tập Cận Bình, các công ty Trung Quốc nhận được rất nhiều ưu đãi khi thâm nhập thị trường Anh, chẳng hạn như tập đoàn công nghệ Huawei vốn bị Mỹ và một số nước phương Tây cấm hoạt động tại các nước này vì lý do an ninh quốc gia, thì nó lại được phép hoạt động tại Anh.
Nhưng giờ đây điều này đang đứng trước khả năng sẽ thay đổi hoàn toàn, và kỷ nguyên vàng trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Anh và Trung Quốc hoàn toàn có thể chết yểu và chấm dứt sớm hơn dự kiến.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/The Saigon Times, CafeF)