Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ: 'Phương Tây đang đẩy chúng tôi thân Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 18:55, 10/08/2016
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu cho biết việc Ankara tái lập quan hệ ngoại giao với Nga không phải là một thông điệp dành cho phương Tây.
Tuy nhiên, ông nói rằng phương Tây có khả năng sẽ "mất" Thổ Nhĩ Kỳ do những nước này đã tự đẩy Ankara quay theo hướng hợp tác với Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo khác.
Bình luận của ông Cavusoglu phản ánh một sự thất vọng sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng châu Âu và Hoa Kỳ đã không hỗ trợ đủ cho Ankara trong vụ đảo chính bất thành hôm 15.7, khi một nhóm binh sĩ và chỉ huy tiến hành lật đổ chính phủ nhưng nhanh chóng thất bại.
"Thật không may là Eu đã thực hiện một số sai lầm nghiêm trọng. Họ đã thất bại trong những thông điệp sau âm mưu đảo chính", ông Cavusoglu nói trong buổi truyền hình trực tiếp.
"Trước đây có tới khoảng 50% dân số muốn trở thành một phần của EU, nhưng giờ đây tôi cho rằng chỉ có 20% người muốn thế", ông Cavusoglu nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tỏ ra tức giận trước mối quan tâm thái quá của phương Tây với cuộc thanh trừng của Ankara chống lại phe đối lập tại nước này sau cuộc đảo chính bất thành. Chưa hết, phương Tây lại chọc giận Ankara nhiều hơn khi dường như các lãnh đạo EU và Mỹ "quên" không nhắc đến sự đẫm máu trong ngày đảo chính khi có hơn 240 người thiệt mạng, mà chủ yếu là những người dân thường.
Việc "quên" đi sự mất mát trong vụ đảo chính của phương Tây là khá là khó hiểukhi người dân thường Thổ Nhĩ Kỳ đã chết vì bảo vệ nền dân chủ nhưng lại không được vinh danh đúng mức.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thực hiện một bước tiến lớn trong hành trình bình thường hóa quan hệ với Nga khi đến St Petersburg để gặp Tổng thống Putin, trong chuyến công du đầu tiên của ông Erdogan sau khi cuộc đảo chính xảy ra.
Chuyến thăm này được phương Tây theo dõi chặt chẽ, khi nhiều người chỉ trích rằng hành động này sẽ khiến phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ bị đàn áp mạnh hơn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng việc tái lập quan hệ ngoại giao của mình như là cách để gây áp lực lên Washington và Brussels, cũng như khuấy động căng thẳng trong NATO liên minh quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên.
Sau cuộc đảo chính hôm 15.7, các quan chức châu Âu đã nhiều lần cảnh báo Ankara về việc họ muốn khôi phục án tử hình vì việc này có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm vĩnh viễn không cho gia nhập EU.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh, đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogheriningày 22.7, đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ rằng “không một quốc gia nào có thể trở thành thành viên của EU nếu vẫn sử dụng hình phạt tử hình”. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh: Việc tái áp đặt án tử hình và mục tiêu gia nhập EU mà quốc gia này đang theo đuổi là “không thể đi cùng nhau”.
Mạnh hơn nữa là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker khi ông này cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không có cửa" tham gia ngôi nhà chung châu Âu nếu khôi phục án tử hình.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU từ năm 2005 và từ đó cho tới nay, EU đã khởi động 15 chương đàm phán trên tổng số 35 chương theo quy định để tiếp nhận một thành viên mới. Tuy nhiên, mới chỉ có một chương được hoàn tất.
Điều đó cho thấy con đường mà hai bên phải đi để có thể cùng nhau sống dưới một mái nhà vẫn còn rất nhiều chông gai khi giữa Ankara và các thành viên EU còn tồn tại quá nhiều bất đồng, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền.
Ngay trong nội bộ EU hiện cũng đang tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước như Pháp và Đức luôn tỏ ý quan ngại về việc đưa một quốc gia với phần lớn dân số là người Hồi giáo vào “mái nhà chung” EU, bởi sự khác biệt về văn hóa có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kì khó hội nhập được với châu Âu. Chưa hết, với quy mô nhỏ của nền kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng cho EU.
Trong khi đó, các nước như Thụy Điển lại cho rằng EU có thể được hưởng lợi từ nguồn lao động trẻ của Thổ Nhĩ Kỳ và việc kết nạp Ankara cũng sẽ giúp EU có tiếng nói lớn hơn tại Trung Đông.
Chính quyền của Tổng thống Erdogan đã tiến hành một đợt thanh lọc bộ máy lớn nhất từ trước đến nay nhằm củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính hôm 15.7. Hơn 15.000 người bị bắt hoặc bị sa thải.
Thiên Hà (theo Reuters)