Học sinh cấp 3 triển lãm về Quyền phụ nữ và bất đẳng giới
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:05, 15/08/2016
Trong thời gian từ ngày 14 – 19.8 tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội), một nhóm học sinh đến từ trường THPT Hà Nội – Amsterdam và THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tổ chức một cuộc triển lãm về bất bình đẳng giới với mong muốn nói lên tiếng nói của giới trẻ về những vấnđề của xã hội.
Được biết, cuộc triển lãmnày được ra mắt với 3 thể loại chính: nhiếp ảnh, tranh vẽ và nghệ thuật sắp đặt dưới sự cố vấn của các chuyên gia Mỹ thuật. Để mang lại ấn tượng sâu đậm cho người xem, mỗi tác phẩm đều truyền đạt một thông điệp về bình đẳng giới nhằm thay đổi nhận thức của người xem về những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống.
Bạn Nguyễn Hoài An, đại diện cho ban tổ chức triển lãm XXhibition 2016 chia sẻ: “Trong thời đại mà nền văn minh toàn cầu đang phát triển vượt bậc, sự bình đẳng tuyệt đối giữa con người với con người là điều vô cùng cần thiết; và tuyên truyền, hoạt động về sự bình đẳng chính là nhiệm vụ của giới trẻ. Là một nữ sinh, tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới và cơ hội cho những phụ nữ kém may mắn.
Không thể phủ nhận, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong thập kỷ qua về nữ quyền, đặc biệt ở thành thị. Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội, vẫn có những phụ nữ sinh trưởng trong những khu vực kém phát triển, thiếu những cơ hội và điều kiện để có cuộc sống tốt. Nhiều người trong số họ, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, đã phải mưu sinh ở thành phố, nếm trải cuộc sống bấp bênh khi vừa phải bươn chải kiếm tiền, vừa cân bằng cuộc sống gia đình, con cái. Đó có thể là những phụ nữ nông thôn lên thành phố làm người giúp việc; những phụ nữ đi bán hàng rong, lao động phổ thông…”
Không gian nghệ thuật sắp đặt tại triển lãm
Dù đây là lần đầu tiên XXhibition được tổ chức nhưng triển lãm đã thu hút rất đông những bạn trẻ, người lớn và ngay cả những người nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam quan tâm và đón nhận.
Theo đa số những khách tham quan tại triển lãm, mỗi tác phẩm tại XXhibition giống như đang kể về những câu chuyện, những mảnh đời khác nhau của thân phận người phụ nữ nhằm khắc họa rõ nét hiện trạng của sự mất cân bằng giới tính hiện nay.
Theo thống kê của UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc) về vấn đề bất bình đẳng giới tại Việt Nam thì xuyên suốt đất nước, nạn bạo lực gia đình dù về thể xác hay tinh thần vẫn còn diễn ra nhiều tại một số nơi (21% trong tổng số những người vợ ở các nơi này đã đi trình báo bị bạo lực gia đình). Trả lương không công bằng cũng là một vấn đề còn tồn đọng; vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong công việc cũng bị hạn chế bởi đội tuổi nghỉ hưu của họ là 55 tuổi (sớm hơn 5 năm so với nam giới)… và vô vàn những vấn đề khác còn chưa được nhắc tới.
Các phương tiện mạng xã hội và truyền thông nói chung luôn khắc họa hình ảnh người phụ nữ theo 2 chiều hướng đối lập sau: người phụ nữ được yêu quý thường là những cá nhân yếu mềm, mỏng manh… đối lập hoàn toàn với hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ nhưng cô đơn. Chính sự khắc họa này đã vô tình ép nhiều phụ nữ phải thay đổi bản thân để giống với sự quy chiếu của người phụ nữ được yêu quý. Đồng thời, chính điều đó lại cản trở sự thoải mái của họ trong cuộc sống.
Cũng theo thống kê của UNDP, trong giới học sinh, ¼ số học sinh toàn thế giới nói rằng đã trải qua sự cưỡng chế tình dục. Hơn 1/3 người làm khảo sát cho rằng họ nhận thức được rằng những hình ảnh quảng cáo xung quanh trường học thường thiếu tôn trọng với cơ thể người phụ nữ, 2/5 số học sinh nói rằng những hình ảnh đó làm họ khó chịu.
Vì vậy, “Chúng tôi muốn biến XXhibition thành một triển lãm thường niên, muốn truyền cảm hứng cho những thế hệ sau này, và trên hết, muốn góp phần tạo nên một xã hội - nơi bất bình đẳng không thể tồn tại.
Đây không đơn thuần chỉ là một triển lãm, mà còn là một tiếng nói chung với một mong muốn thay đổi. Tuy chỉ là những học sinh cấp 3 nhưng chúng tôi đã nhận thức được sự nguy hiểm mà nạn phân biệt giới tính gây ra cho xã hội”, Hoài An bày tỏ mong muốn khi cùng các bạn học sinh tạo nên triển lãm XXhibition.
Một số hình ảnh trong buổi triển lãm:
Thu Anh
Ảnh: BTC