Cách giúp trẻ khỏi đuối nước, các bậc phụ huynh nên biết
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:13, 12/08/2016
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với 3.500 - 4.000 trẻ em chết đuối mỗi năm, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do chết đuối cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Thống kê của cơ quan chức năng trong nước, trung bình mỗi ngày có không dưới 9 trẻ em bị “hà bá” lấy mạng. Trong đó, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông 26,7%.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ chết đuối là do sự bất cẩn, xao nhãng của người lớn và nguyên nhân hàng đầu vẫn là do các em thiếu kiến thức bơi lội.
Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: Cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...
Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đưa ra đó là nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc.
Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.
Người viết bài này thấy có một quan điểm sai lầm trong vấn đề này, đó là học bơi! Đa số cha mẹ cho con đến các nơi để học bơi mà chả có nơi nào học Sống Còn Trên Nước cả!
Để học bơi cho đúng cho đẹp cần phải có thời gian và kiên trì, trẻ học nhanh cũng phải 3 tháng để thành thạo một kiểu bơi! Điều đó làm hơn 70% trẻ con bỏ cuộc, và hơn 90% người lớn chưa biết bơi sẽ mãi không biết bơi!
Nhưng thật ra, để bạn thoát hiểm trên nước, bạn không nhất thiết phải biết bơi, bạn chỉ cần biết cách thở dưới nước, biết cách làm cho cơ thể nổi càng lâu càng tốt chờ người đến cứu, chứ gặp nạn giữa sông biển càng bơi càng dễ chết nhé!
Chúng ta quen thở trên cạn, khi xuống nước không quen là sặc nước là hoảng loạn ngay, nên cần tập phản xạ Hít Bằng Mồm - Thở Ra Bằng Mũi, thì không bao giờ sặc!
Cơ thể chúng ta không nặng hơn nước bao nhiêu, nên chỉ cần hít đầy không khí vào phổi là nó nổi lên săm sắp mặt nước ngay, nằm ngửa và miệng lên trên, tay chân quơ nhẹ nhàng tí là thở phì phò, tất nhiên nên có thêm gỗ ván hay phao quần trợ giúp thì lâu hơn!
Khi bị chìm, trẻ cần bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở, có thể lấy tay bịt mũi để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
Và các Kỹ Năng Thở và Nổi Trên Nước bằng Mũi và bằng Mồm không tốn nhiều thời gian học, chừng 5 buổi là xong! Sau đấy học bơi học lội gì thì học! Điều đó rất cần thiết để dạy trẻ em.
An Nhiên