Cần bỏ giấy phép vô lý trong nhập khẩu ô tô

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:40, 15/08/2016

Phải đoạn tuyệt với những quy định kìm hãm phát triển. Gốc rễ là do tư duy “quyền anh, quyền tôi”.

Năm 2011, Thông tư 20 của Bộ Công thương đưa ra quy định đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi phải có giấy ủy quyền chính hãng cùng nhiều đòi hỏi ngặt nghèo khác. Thông tư đã làm cho khoảng 180 DN phá sản, tính đến thời điểm này.

Nhìn nhận về câu chuyện này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những tác giả của Luật DN, tỏ ra rất buồn. “Nếu cần, Nhà nước vẫn có thể hạn chế nhập khẩu ô tô nhưng phải bằng hàng rào kỹ thuật chứ không phải bằng một mệnh lệnh hành chính như Thông tư 20” - TS Cung nói.

Trái luật, tước cơ hội của các DN nhỏ

. Phóng viên: Theo chúng tôi được biết, trong đợt rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái với Luật DN, Luật Đầu tư hồi tháng 6 vừa qua, Thông tư 20 được đem ra mổ xẻ rất nhiều. Vấn đề cơ bản đối với thông tư này là gì, thưa ông?

+ TS Nguyễn Đình Cung: Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1-7, các bộ, ngành và UBND các địa phương không được ban hành các ĐKKD. Nếu chiếu theo Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, rồi Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và đặc biệt là Hiến pháp thì Thông tư 20 đều trái luật, vi hiến.

. Vì sao ông khẳng định điều đó?

+ Một trong những điểm mấu chốt là Thông tư 20 yêu cầu nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất. Yêu cầu này, xét đến cùng, là chính sách đảm bảo sự độc quyền cho một nhóm nhỏ các DN lớn trong lĩnh vực này. Khi đảm bảo sự độc quyền này, Thông tư 20 cũng đồng thời tước đoạt cơ hội của nhiều DN khác và xâm phạm lợi ích chính đáng của đại đa số người tiêu dùng.

Thông tư này, như chúng ta thấy, đã triệt tiêu động lực phải cung cấp dịch vụ và hàng hóa cạnh tranh nhất của các DN độc quyền. Chẳng còn ai cạnh tranh với họ thì tội gì họ phải có dịch vụ tốt nhất, hàng hóa tốt nhất?

. Vừa qua, không chỉ các DN nhập khẩu ô tô còn “thoi thóp” kêu cứu, mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị Chính phủ cần bãi bỏ thông tư này. Chắc ông cũng đồng tình?

+ Chính phủ đang cam kết liêm chính và kiến tạo phát triển thì không nên duy trì Thông tư 20. Chính phủ sẽ gửi thông điệp rất tích cực cho môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tạo niềm tin và động lực cho khu vực DN tư nhân trong nước nếu thông tư này được bãi bỏ.

Theo tôi, xét cả về mặt pháp lý, thực tiễn và quản lý nhà nước, không còn cơ sở nào để “vương vấn” với Thông tư 20.

Gốc rễ là do tư duy “quyền anh, quyền tôi”

. Chúng ta đã bàn nhiều về Thông tư 20. Nhưng chúng tôi được biết còn nhiều quy định “na ná” thông tư này?

+ Nhiều lắm. Chẳng hạn những quy định về quy mô bồn chứa, số lượng vỏ bình của DN kinh doanh gas, công suất nhà kho của các DN xuất khẩu gạo, rồi các quy định về máy móc phải thế này, nhân sự phải thế kia… Tất cả quy định trên là sự can thiệp của quản lý nhà nước vào chuyện nội bộ của DN. Gốc rễ của sự can thiệp này nằm ở tư duy “quyền anh, quyền tôi” của các bộ, ngành. Trong khi, như tôi đã nói rất nhiều lần, cần phải “thị trường, thị trường, thị trường hơn”.

Tôi vẫn cho rằng cần phải loại bỏ sự ám ảnh và tư duy của một thời kỳ kinh tế “kế hoạch hóa tập trung”, đoạn tuyệt với những quy định kìm hãm sự phát triển. Để xây dựng một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, cạnh tranh theo nghĩa đầy đủ nhất của kinh tế thị trường.

. Thưa ông, phải chăng việc thúc đẩy một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, cạnh tranh mới chỉ bắt đầu?

+ Chúng ta chưa thể hài lòng, bởi ngay cả Luật DN, Luật Đầu tư mới tạo được tiền đề cho việc tôn trọng và khuyến khích quyền tự do kinh doanh. Điều cần thiết hơn là phải có thể chế để tự do kinh doanh gắn chặt với cạnh tranh thị trường một cách công bằng và trật tự, cũng như việc các DN phải được tiếp cận nguồn lực thông qua trao đổi trên thị trường chứ không phải bằng cơ chế “xin-cho”.

Thực tế là chưa có cạnh tranh công bằng giữa các DN. DN thiếu “mối quan hệ” đang chịu nhiều thua thiệt. Những DN làm ăn tử tế, liêm chính vẫn có thể bị thua thiệt bởi hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bởi thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng cần phải đoạn tuyệt với các quy định kìm hãm phát triển, xây dựng thể chế đủ mạnh để đảm bảo việc cạnh tranh công bằng. Chỉ có cạnh tranh mới là động lực sống còn của DN và là nhân tố bảo đảm cho kinh tế thị trường được vận hành đầy đủ, hiệu quả.

. Xin cám ơn ông.

Không ít công chức quên mất chữ “đồng hành”

Nghị quyết 19/2015 mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sau hai năm thực hiện, chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ, ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ.

Việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và quý I-2016, các bộ, ngành vẫn “đủng đỉnh” và không tránh khỏi thiếu sót. Gần 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua đúng theo kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các ĐKKD và giấy phép con bất hợp lý đã chưa được giải quyết dứt điểm. Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ.

Nhiều giải pháp đúng nhưng triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo. Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và DN, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và DN có thể yên tâm được.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Nghị quyết 19, rồi Nghị quyết 35 của Chính phủ mới đây thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, vẫn có những chính sách tốt nhưng kết quả thực hiện lại có một khoảng cách khá xa so với trên giấy tờ.

TS Nguyễn Đình Cung

Chân Luận - Pháp luật TP.HCM

Theo Pháp luật TP.HCM