NSƯT Cẩm Tiên: 'Cuộc đời không nên bon chen'
Văn hóa - Ngày đăng : 08:33, 15/08/2016
. Phóng viên: Nhiều năm qua chị tích cực làm công tác từ thiện, mang những chuyến hàng gồm lương thực trao tặng những người bất hạnh. Mùa Vu Lan năm nay, 100 tấn gạo đã được chị chuyển đến tận tay những người nông dân gặp nhiều khốn khó trong cuộc sống. Mỗi năm đến mùa Vu Lan báo hiếu, chị nghĩ về điều gì? Phải chăng làm từ thiện là cách để giải tỏa những ưu phiền của chính bản thân mình?
- NSƯT Cẩm Tiên: Tôi nghĩ đến mẹ tôi, bà cả đời tảo tần vì các con. Hồi lúc mới vào nghề, còn trẻ dại, tôi chưa hiểu hết ý niệm của bài thơ “Bông hồng cài áo”, lớn lên, nghe bài ca cổ và hát tân cổ giao duyên do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác, thầy bảy Viễn Châu viết lời vọng cổ, tôi hiểu và khóc thật nhiều. Khi có con, sanh con lại càng hiểu hơn những lời ca như “đàn ông đi biển có đôi, thân má đi biển mồ côi một mình” mà thời còn bé chỉ là một suy nghĩ mông lung, không thấu đáo. Tôi muốn san sẻ đến người nghèo và những mảnh đời bất hạnh những gì mình được hưởng. Nếu nghĩ làm từ thiện để giải tỏa ưu phiền thì tôi không nằm trong tốp người đó, tôi chỉ biết mình có được hạnh phúc, có được lộc Tổ thì biết san sẻ.
. Cẩm Tiên hôm nay so với Cẩm Tiên của 20 năm trước có gì khác nhau?
- Khác nhiều lắm, tôi thấy mình chính chắn hơn, bản lĩnh hơn. Biết nhìn thấy những khuyết điểm để vượt qua và khắc phục. Trong nghề, càng biết từ chối những điều không hợp với mình. 20 năm một chặng đường dài cho nghề và từ đó đã dẫn đến việc tiếp nhận những bài học giá trị để khẳng định tên tuổi. 20 năm cũng là một hành trình cho tôi chắt lọc cách ca diễn để có những vai diễn hay.
. Điều chị ghét nhất trong cuộc sống là gì?
- Đó là sự vong ân bội nghĩa. Tôi sống có trước, có sau. Nhiều bạn trẻ vào nghề này lúc đầu thì cầu cạnh nhưng sau khi đạt được chút thành tựu lại quên quá khứ. Tôi quan niệm ai sống mà quên quá khứ, quên những người ân thì đến khi họ làm thầy, đã thành nhân, đã biết dạy dỗ con cái, học trò, tức họ sẽ gặp chính điều họ làm với người đã từng giúp mình. Nói theo thuyết nhà Phật là "gieo gì gặt nấy". Tôi không thích huyễn hoặc quá khứ của mình, lại càng không thích sự phô trương.
.Có hàng trăm vai đào chính trên sân khấu cải lương, nhưng chị thích hình tượng người phụ nữ như thế nào?
- Đó là người phụ nữ đoan trang, thuần hậu rất nữ tính, cho dù có bản lĩnh, giàu nghị lực, vượt qua nhiều chông gai, thử thách. Nên vai diễn của tôi thường là những phụ nữ gian truân, khó nhọc, nhưng hiếu thảo và chung thủy.
. Chị có nghĩ rằng những nỗi khổ của người phụ nữ đều do đàn ông mang đến như trong cuộc đời nhiều nhân vật mà chị đã hóa thân?
- Có một phần thôi. Cái chính là do sự nhẹ dạ, cả tin của người phụ nữ. Nhưng xét cho cùng, dường như ông trời sinh người phụ nữ để bị đàn ông dụ dỗ. Hiếm cô gái nào không một lần nhẹ dạ trước những lời đường mật của đàn ông. Nhưng đừng nghĩ đàn ông không gặp bi kịch do phụ nữ gây ra. Có biết bao nhân vật tu mi trên sân khấu như: Đường Minh Hoàng, Lữ Bố, Đổng Trác, Phạm Lãi, Lục Vân Tiên...đã khổ vì tình. Tôi nghĩ sự rung động của hai con tim luôn sinh ra bi kịch. Vấn đề là chúng ta có đủ tỉnh táo để không rơi vào bi kịch .
. Theo chị, trong cuộc sống đời thường, vai vợ là vai diễn mà nhiều nữ nghệ sĩ khó diễn tròn vai không?
- Đúng, vì đã làm vợ thì không có gì phải diễn. Điều này phải hỏi ông xã tôi mới được. Nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi được đánh giá là tương đối. Làm nghệ sĩ đi hát khắp nơi, đi sớm về khuya nên rất cần sự cảm thông của chồng. Ông xã tôi yêu vợ nên yêu luôn nghề hát của vợ. Các con tôi cũng vậy, trân quý nghệ thuật mà mẹ nâng niu. Vợ chồng tôi cùng đồng cảm trong việc làm từ thiện, anh ấy tích cực trong các chuyến đi từ thiện, để đưa đến tận tay người nghèo những món quà ý nghĩa xuất phát từ tình thương.
. Những giải thưởng sân khấu xuất hiện ngày một nhiều, nhưng tạo tiếng vang thì quá khó. Theo chị đâu là nguyên nhân?
- Câu này xin để dành cho những nhà nghiên cứu sân khấu. Tôi chỉ có thể nói tạo tiếng vang cho nghề nghiệp thông qua một vai diễn không thể do bản thân một diễn viên mà rất cần sự hỗ trợ mang tính đồng bộ. Khó có thể đòi hỏi sự đồng bộ khi hiện nay sân khấu cải lương thiếu quá nhiều cơ sở vật chất. Phương tiện đã yếu, khâu đầu tư cho kịch bản còn yếu hơn. Tóm lại, tính chuyên nghiệp của sân khấu sẽ là bệ phóng cho những tài năng nhưng ngày càng kém đi. Hiện nay sân khấu không đủ chuẩn để gọi là rạp hát thì làm sao đòi hỏi sự tỏa sáng từ tài năng. Tôi thương các em đoạt giải thưởng, danh hiệu nhưng không có đất để trổ tài.
. Trong tương lai, chị có thích làm một nữ đạo diễn?
- Không, tôi thấy mình không có khả năng làm đạo diễn. Tôi chỉ thích hợp với không gian nghệ thuật ca diễn. Còn nghề dàn dựng phải học, phải có tư duy sáng tạo mới có thành tựu.
. Có quá nhiều kỷ niệm để nhớ nhưng cũng có những ký ức cần phải xóa đi, chị đã xóa đi điều buồn bả nào trong cuộc đời của mình?
- Có gì buồn tôi đều xóa hết. Chỉ để lại những điều tốt đẹp cho đời. Khán thính giả nhớ đến Cẩm Tiên là nhớ đến trường phái ca hơi dài bên cạnh Châu Thanh, Phượng Hằng…thế hệ tiếp nối sau các danh ca Minh Cảnh, Thanh Kim Huệ, Linh Huệ… Vậy là quá diễm phúc cho tôi. Theo tôi, cuộc đời không nên bon chen, việc gì tới thì làm và hãy làm một cách nhiệt huyết.
Thanh Hiệp - Người lao động