Bọt biển - vị cứu tinh của những bệnh nhân ung thư

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:38, 21/08/2016

Theo UPI, các nhà nghiên cứu ở Đại học Atlantic Florida, Mỹ, đã tìm ra một hợp chất có trong loài bọt biển nước sâu có thể tiêu hủy các khối u tuyến tụy.

Đó là hợp chất leiodermatolide có thể chặn đứng quá trình gia tăng nhanh và phát triển của các tế bào ung thư. Theo thống kê, ung thư tuyến tụy chiếm 8% tổng số ca ung thư trên thế giới. Chỉ có chưa đến 7% bệnh nhân ung thư tuyến tụy sống được tới 5 năm kể từ khi bị chẩn đoán mắc bệnh. Hầu như ¾ bệnh nhân tử vong ngay trong năm đầu tiên phát hiện ra bệnh.

Qua nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy nhờ được điều trị bằng leiodermatolide, các khối u nhỏ đi nhanh hơn so với dùng thuốc gemcitabine vẫnđược chỉ định để điều trị khối u tuyến tụy. Các nhà khoa học cho rằng leiodermatolide phối hợp với protein tubulin giống như thuốc chống ung thư Taxol.

Leiodermatolide kích hoạt cái chết được lập trình của các tế bào ung thư tuyến tụy. Ngoài ra, nó cũng chặn đứng sự phát triển của các tế bào ung thư di căn ác tính, ung thư đại tràng, u lympho và glioblastoma. Các chuyên gia rất hy vọng hợp chất trên sẽ giúp chiến thắng bệnh ung thư.

Xin nhắc lại là bọt biển hay hải miên là động vật đa bàonguyên thủy, có cấu trúc tế bào tách biệt và phần lớn là sinh sống ở biển. Đây làđộng vật đơn giản và nguyên thủy nhất, có những mô khác nhau nhưng không có cơ, hệ thần kinh, cơ quan bên trong, hay khả năng vận động.

Các tế bào của chúng khác biệt nhưng trong hầu hết các trường hợp không được tổ chức thành các mô riêng biệt. Chúng thường ăn bằng cách hút nước qua các lỗ chân lông vì không có hệ thần kinh, tiêu hóa và tuần hoàn. Vì vậy, bọt biển dựa vào việc duy trì dòng chảy liên tục qua cơ thể để thu thập thức ăn và oxy cũng như bài tiết chất thải.

Vũ Trung Hương

CTV Tú béo (Vũ Trung Hương)