Jean Michel Richaud: Chàng tài tử Hollywood bén duyên với điện ảnh Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 04/09/2016
Chào JeanMichel. Cơ duyên nào dẫn anh đến với bộ phim Cô hầu gái?
Cách đây một vài năm, tôi có dịp làm việc chung với nhà sản xuất Timothy ở Hawai. Vào một ngày, anh ấy gọi tôi để nói về một dự án phim ở Việt Nam. Tôi đọc kịch bản và thấy rất thú vị. Và mọi việc diễn ra hết sức nhanh chóng.
Trước khi đóng phim này thì anh đã biết điều gì về Việt Namhay chưa?
Tôi có biết chút ít về Việt Nam qua chương trình học ở trường. Chúng tôi có được học về chiến tranh Việt Nam. Đây là dịp để tôi đào sâu thêm kiến thức về Việt Nam. Tôi đã đến thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh và thấy rất xúc động.
Anh từng thực hiện những dự án lớn tại Hollywoodd với mức thù lao chắc hẳn cao hơn nhiều so với đóng phim ở Việt Nam. Vậy vì sao mà anh vẫn chọn dự án này?
Đúng là tôi kiếm được nhiều hơn với những dự án phim ở Hollywood. Nhưng tiền không phải là tất cả. Khi tôi nhận được một kịch bản thú vị, một đạo diễn có cái nhìn rõ ràng và đầy tính nghệ thuật như Derek Nguyễn thì thật khó mà nói lời từ chối. Việc gặp gỡ và trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau, những quan điểm khác nhau luôn luôn hấp dẫn tôi. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở Việt Nam và tôi luôn sẵn sàng trở lại nếu lại nhận được một đề nghị hấp dẫn như thế.
Khi đóng vai này, đâu là những thú vị cũng như khó khăn lớn nhất mà anh phải đối mặt?
Điều thú vị nhất là phải thể hiện được tâm lý một người đàn ông mất vợ con, cũng như là sự biến chuyển của anh ta trong tình yêu với cô hầu gái, đồng thời vẫn giữ bí mật về câu chuyện cũ. Bối cảnh thời Pháp thuộc ở Việt Nam cũng hấp dẫn tôi. Nhưng thể hiện cho ra được đặc trưng của nhân vật cũng là thách thức lớn nhất đối với tôi. Bên cạnh đó thì khác biệt ngôn ngữ cũng là một khó khăn khác. Nhiều khi tôi không hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh vì không biết mọi người nói gì.
Anh thấy cô bạn diễn Nhung Kate của mình như thế nào?
Nhưng Kate là một cô gái tuyệt vời. Cô ấy nhỏ nhắn nhưng cô ấy thường phóng một chiếc moto rất lớn màu đen đến phim trường. Cô ấy cũng rất tốt bụng và hào hiệp nữa.
Khán giả đặc biệt quan tâm đến cảnh nóng giữa anh và cô ấy
Vâng, đó là những phân đoạn khó nhất. May mắn là những cảnh quay đó rất ít người có mặt vì đó là những cảnh hết sức riêng tư. Và dù có cố gắng, chúng tôi cũng phải diễn đi diễn lại một vài lần. Nói chung là không dễ chút nào.
Trong phim, anh giao tiếp với các nhân vật khác bằng ngôn ngữ gì?
Bằng tiếng Anh.
Anh có cho rằng điều này hơi không hợp lý cho lắm khi phim lấy bối cảnh thời Pháp thuộc nhưng lại dùng tiếng Anh không?
Việc tôi không nói tiếng Pháp hả? Đúng là về logic thì nên nói tiếng Pháp, nhưng thực ra thì trong nhiều phim lịch sử trên thế giới, người ta vẫn chấp nhận để cho nhân vật nói tiếng Anh. Hơn nữa, đây cũng không phải là dự án phim Pháp (cười)
Anh đã từng làm việc ở nhiều dự án phim quốc tế. Khi làm việc ở Việt Nam, anh gặp thuận lợi, khó khăn ra sao?
Đúng là điện ảnh ở Việt Nam, dù đã tiến bộ rất nhiều nhưng rõ ràng là chưa thể đạt đến độ phát triển như ở Mỹ. Bù lại, khả năng làm việc, học hỏi của người Việt Nam lại rất tuyệt vời. Đoàn phim đã làm việc rất nỗ lực. Tôi thường không có thói quen làm việc đến 18 tiếng đồng hồ/ngày và trong nhiều ngày liên tục như thế. Nhưng đây cũng sẽ là trải nghiệm tốt cho những dự án của tôi về sau này. Vâng, tôi rất muốn được làm việc ở Việt Nam. Tôi rất yêu văn hóa, con người nơi đây. Điều tôi ấn tượng nhất là mối quan hệ giữa mọi người với nhau, rất sâu sắc.
Sau khi dự án Cô hầu gái kết thúc, anh có đi tìm kiếm một vai diễn mới tại Việt Nam không?
Tôi sẽ quay trở về làm việc tại Los Angeles, nhưng vẫn giữ mối quan hệ với mọi người ở đây, và tôi luôn sẵn sàng quay trở lại.
Xin cảm ơn anh.
Jean-Michel Richaud
Jean-Michel Richaud sinh sống tại Los Angeles, Mỹ. Anh từng tham gia vào nhiều dự án phim Hollywood trong các vai diễn phụ hoặc trong vai trò lồng tiếng. Một số bộ phim anh từng tham gia thời gian qua có The King Speech, Silver linings playbook, Frozen…
Nói về việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp giữa ông chủ đồn điền người Pháp với những người làm thuê trong phim Cô hầu gái, nhà sản xuất Timothy Linh Bùi cho biết đoàn phim đã cân nhắc rất nhiều và quyết định chọn tiếng Anh. Điều này theo anh đã từng có tiền lệ ở những phim: Những người khốn khổ (Les miserables) hay Cối xay gió đỏ (Le Moulin rouge), đều là những phim có bối cảnh Pháp nhưng sử dụng tiếng Anh và được chấp nhận rộng rãi. Thêm vào đó, việc dùng tiếng Anh tạo điều kiện dễ dàng hơn khi nhà sản xuất đưa phim ra thị trường quốc tế.