Kết thúc Olympic 2016, cay đắng cho Trung Quốc

Thể thao - Ngày đăng : 05:25, 22/08/2016

Các bộ môn thi đấu tại Olympic 2016 đã chính thức khép lại và lễ bế mạc diễn ra 6h sáng nay 22.8.

Trong những môn cuối, kịch tích - hấp dẫn vẫn diễn ra ở các trận chung kết. Tại bộ môn bóng chuyền nam, chủ nhà Brazil thắng tuyển Ý 3-0 để đoạt HCV và đây chính là tấm HCV quý giá mà chủ nhà khát khao chờ đợi sau bóng đá nam. Tại bộ môn bóng ném nam, Đan Mạch đã thắng tuyển Pháp với tỷ số 28-26 để đoạt HCV. Tại bộ môn bóng rổ, Mỹ thắng Serbia 96-66 để bảo vệ tấm HCV là thế độc tôn của quốc gia có giải NBA danh giá.

Nhưng điều kịch tính nhất trong những ngày cuối cùng là cuộc đua tranh vị trí nhì bảng trên bảng tổng sắp huy chương giữa Anh và Trung Quốc. Ngày 20, Trung Quốc đã rất nỗ lực để có thêm 4 HCV ở các bộ môn bóng chuyền nữ, cầu lông đơn nam, nhảy cầu 10 mét nam và taekwondo nữ hạng trên 67kg. Tuy nhiên, Anh cũng có thêm 3 HCV từ canoeing 200 mét, quyền Anh nữ hạng nhẹ và chạy cự ly 5.000 mét nam. 3 tấm HCV có thêm là đủ để Anh xếp trên Trung Quốc và bảo vệ vị trí nhì bảng. Thậm chí, dù Anh chỉ có 2 HCV trong ngày 20.8 thì họ vẫn trên Trung Quốc nhờ có số HCB nhiều vượt trội (23 so với 18).

Bị đẩy xuống thứ 3 là điều Trung Quốc không thể ngờ tới và đặc biệt khi đối thủ vượt lên thứ 2 lại là Anh. Tại Rio 2016, Trung Quốc mang đến 416 VĐV và đây là lần cử VĐV ra nước ngoài dự Olympic lớn nhất. Trung Quốc đặt mục tiêu có thể giành được ít nhất 36 HCV để cạnh tranh vị trí toàn đoàn với Mỹ. Kể từ 2004 đến giờ, Trung Quốc đã thay Nga trở thành đối trọng cạnh tranh với Mỹ. Riêng tại Olympic 2008, Trung Quốc tận dụng lợi thế sân nhà để vượt qua Mỹ về số HCV (51 so với 36). Giải 2012, Trung Quốc có 38 HCV, kém Mỹ 8 HCV.

Nhưng rốt cuộc, Trung Quốc chỉ hoàn thành được 2/3 chỉ tiêu với 26 HCV trong tổng số 70 huy chương, kém 10 HCV so với Olympic London 4 năm trước. Còn Anh xếp thứ 3 tại sân nhà năm 2012 với 29 HCV vốn không được đánh giá cao tại Brazillần này nhưng vẫn giữ phong độ không đổi để có 27 HCV trong tổng số 67 huy chương (hơn giải 2012 hai huy chương). Con số huy chương này là ấn tượng nếu biết năm nay, Anh chỉ cử 366 VĐV ít hơn nhiều so với giải làm chủ nhà 4 năm trước với 514 VĐV.

Thậm chí, Trung Quốc xếp thứ 3 cũng là may mắn vì lần này đoàn Nga không phát huy được sức mạnh truyền thống. Do án doping nên một số VĐV xuất sắc của Nga (kể cả những người không bị doping) cũng bị vạ lây. Lần này, Nga chỉ được cử 282 VĐV tham gia, ít hơn nhiều so với con số 436 VĐV dự giải tại Anh 4 năm trước. Dù vậy, Nga vẫn kịp bảo vệ thành công vị trí trong top 4 nhờ 2 HCV trong ngày cuối và 4 HCV ngày áp chót. Nga có 19 HCV, nhiều hơn đoàn đứng thứ 5 là Đức 2 HCV.

Tại châu Á, Trung Quốc vẫn dẫn đầu trên bảng tổng sắp. Nhật có một kỳ Olympic thành công khi đoạt 12 HCV để vượt qua Hàn Quốc sau nhiều năm xếp dưới. Tiếp theo là 2 nước Trung Á: Uzbekistan và Kazakhstan.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu với 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ, Indonesia có 1 HCV, 2 HCB. Việt Nam chúng ta có 1 HCV, 1 HCB đều của Hoàng Xuân Vinh nên xếp thứ 3 Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và xếp thứ 48 Thế vận hội. Tại Rio 2016, Singapore có 1 HCV, Malaysia có 4 HCB, 1 HCĐ, Philippines có 1 HCB.

Anh Tú

Anh Tú