Quảng Nam lên kế hoạch khai thác rừng ‘vàng’ trên núi Ngọc Linh
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:13, 26/08/2016
Theo đó, bước đầu tiên chính quyền tỉnh này tiến hành là công bố chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Đây là cơ sở quan trọng trong bảo tồn và phát triển loài sâm quý hiếm này. Cụ thể, ngày 16.8 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.
Sâm Ngọc Linh là 1 trong 5 loại sâm có giá trị trên thế giới. Đây là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamennis Haet Grushv thuộc họ nhân sâm. Cây sâm Ngọc Linh được dược sỹ Đào Kim Long phát hiện ngày 19.3.1973 ở độ cao 1.800m thuộc dãy Ngọc Linh và đặt tên là tiết trúc sâm. Sâm Ngọc Linh là cây bản địa đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, phân bố chủ yếu xung quanh đỉnh Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu chứng minh sâm Ngọc Linh là loài quý hiếm, bên cạnh Sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Đây là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.
Trước thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, cây sâm Ngọc Linh đã có tên trong danh mục Sách đỏ Việt Nam từ năm 1994. Tỉnh Quảng Nam đã hình thành Trạm Dược liệu Trà Linh để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này, xây dựng Đề án trồng sâm nhân dân để phát triển diện tích sâm, tạo sản phẩm kinh tế cao.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh; quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2030.
Tháng 9.2015, Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030. Đề án phát triển quy mô hàng trăm ngàn héc ta, vốn đầu tư gần 9.500 tỉ đồng (trong đó 8.000 tỉ là nguồn lực xã hội hóa, huy động người dân và doanh nghiệp đăng ký trồng sâm).
Hiện địa phương đã chọn được 6/32 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương này cho biết việc phát triển đề án đang gặp khó khăn, nhất là nguồn giống sâm, rất cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương.
“Ở Hàn Quốc, người dân gieo giống sâm như gieo rau muống, còn ở Ngọc Linh hiện tại rất thiếu nguồn giống, 30 ngàn/kg hạt không có, 100 ngàn/ 1 cây giống không đủ mua”.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, sau khi công bố chỉ dẫn địa lý cho sâm củ Ngọc Linh, sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu sản phẩm lên Cục Sở hữu trí tuệ nhằm công bố ra nước ngoài.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị kế hoạch tháng 6.2017 sẽ tổ chức festival sâm đầu tiên trên cả nước. Bộ TT-TT cũng đã đồng ý làm con tem về sâm đầu tiên và phát hành vào festival này. Hiện, chính quyền Quảng Nam đã lập hồ sơ chờ Thủ tướng phê duyệt để công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Tỉnh Quảng Nam cũng đang xúc tiến khai thác các tour du lịch lên vùng sâm này.
Theo nghiên cứu được công bố, sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗtrợ phòng bệnh ung thư…Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tínhkháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường…
Để phát triển 1ha sâm Ngọc Linh cần vốn đầu tư ban đầu khoảng 3,5 tỉ đồng. Giá sâm hiện nay giao động từ 45 triệu-100 triệu/1kg tùy độ tuổi của củ. Nếu trồng 5 năm, 30 củ ước được khoảng 1kg.
Lê Đình Dũng