Tỷ lệ 32% thí sinh không thi đại học chuyển sang học nghề là tín hiệu tích cực
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:20, 23/08/2016
Dòng chảy ngược chiều mùa tuyển sinh 2016
Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2016 đã xuất hiện "dòng chảy ngược" đó chính là người học tự chấp nhận "tách nhánh" thay vì buộc phải vào đại học. Thậm chí có những thí sinh dù đã trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng nhưng vẫn nộp hồ sơ theo học các trường trung cấp nghề định hướng cho tương lai của chính mình.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chị Lê Bích Hường (Thái Nguyên) cho biết: Con gái chị năm nay vừa dự thi kỳ thi THPT 2016 với số điểm của 3 môn lên tới 22 điểm. Tuy nhiên cháu vẫn quyết tâm chọn trường nghề Công nghệ thời trang để thực hiện ước mơ của mình là sáng tạo lên những mẫu thời trang uy tín cho thị trường thời trang tại Việt Nam.
Chị Hường cũng cho biết thêm lý do con chị quyết tâm theo học nghề đó chính là cháu lo lắng khi thấy thông tin các cử nhân bị thất nghiệp rất nhiều. "Cháu không muốn gia đình phải lo lắng, nhất là sau khi học xong đại học mà lại không xin được việc làm, nên cháu chuyển qua học nghề luôn mà lại được thực hành, biết việc luôn, sau ra trường dễ xin được việc với lương tháng cũng không quá thấp.
Ngoài việc cháu hứa sẽ tự trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp thì bản thân cháu cũng sẽ xin đi làm thêm ngay sau khi nắm vững được những vấn đề quan trọng trong ngành thiết kế thời trang, may mặc. Việc xác định đi làm thêm trong khi học cũng khiến cháu nâng cao cơ hội cọ xát thực tế với xã hội nhiều hơn nên gia đình tôi rất ủng hộ".
Học viên học nghề được cọ xát thực tế và ra trường sớm có việc làm ổn định hơn so với các sinh viên tốt nghiệp Đại học.
Cũng như con gái chị Hường, anh Đậu Văn Hưng (Hà Tĩnh) cho biết năm 2016 con trai anh cũng quyết tâm theo học trường nghề Điện dân dụng chứ không nằng nặc đòi thi đại học, cao đẳng bằng được như năm trước nữa. Mặc dù gia đình không quá khó khăn nhưng con anh Hưng vẫn quyết tâm xin đi học nghề để sớm ra trường, có việc làm giúp đỡ bố mẹ và gia đình.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2016tỉ lệ thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT Quốc giatăng khá cao so với năm ngoái, nhiều địa phương có gần 70% học sinh không thi đại học. Và theo chia sẻ của thạc sĩ Đỗ Văn Thăng (Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Trường CĐ Nghề số 1, Bộ Quốc phòng) cho biết: Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưngra trường lạithất nghiệp. Và hiện có khoảng 30% người đãcó bằng Đại họcnộp hồ sơ xét tuyển học nghề và đang theo học tại trường.
"Trước đây bố mẹ các em rất tự hào khi có con cái vào đại học,đặc biệt là các trường danh tiếng nhưng nay quan niệm này đã thay đổi và thay vào đó là các phụ huynh khuyến khích, định hướng con em mình thi vào các trường nghề để xác định cụ thể khả năng của bản thân và lựa chọn được công việc trong tương lai một cách hoàn toàn chủ động". - ông Thăng cho hay.
Trao đổi với báo chí,Ông Cao Văn Sâm (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề)cho rằng:Do tâm lý bằng cấp của người Việt khá nặng nề nên trước đây chỉ có khoảng 2,5-3,5% số học sinh tốt nghiệp tham gia học nghề, tỷ lệ này rất thấp so với mục tiêu đã đề ra là năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp đi học nghề.Bên cạnh đó, hệ thống các trường dân lập, đại họcmở tràn lan đã “vét” gần hết học sinh, không còn người đi học nghề nữa.
Năm 2016, tỷ lệ thí sinh “né” các trường đại họctăng có thể xem là cơ hội lớn cho các cơ sở đang tham gia dạy nghề nắm bắt để tổ chức tuyển sinh.Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên cả nước, nhu cầu học nghề trong học sinh có xu hướng gia tăng và nhiều ngành nghề có lượng tuyển sinh khá.
Năm 2016, các trường, các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn cả nước sẽ tuyển hơn 2,1 triệu chỉ tiêu, trong đó tuyển sinh trình độ Cao đẳngnghề, Trung cấp nghề là 250 nghìn người,trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 1,9 triệu người. Hiện nay, Tổng Cục dạy nghề đã và đang chỉ đạo các trường nghề nâng cao hệ thống giáo viên hướng dẫn, liên hệ công tác đối với các đơn vị trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh để cho các em học sinh có cơ hội thực tập, kiếm công việc ngay với chính việc học nghề của mình ở những năm đầu tiên.
"Để tập trung đào tạo nhân lực phục vụ hội nhập, theo quyết định của Chính phủ đã lựa chọn 45 trường nghề để đầu tư tập trung phát triển đến năm 2020 thành trường chất lượng cao. Chuyển giao các bộ chương trình đào tạo nghề cấp độ quốc tế. Hiện nay Tổng cục dạy nghềđang tích cực triển khai đào tạo thí điểm 12 nghề đã chuyển giao từ Úc tại 25 trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng nghề của Úc.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên chắc chắn nhân lực qua đào tạo nghề của Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh với nhân lực quốc tế. Đây cũng là bước chuyển mình quan trọng của các trường nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội đang tăng lên khá nhanh" - ông Sâm trao đổi.
Thí sinh vào đại họcliệu có "thất thế"?
Theo giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạocho hay: Tỷ lệ 32% thí sinh không thi đại học, cao đẳng năm 2016 mà chuyển sang học nghềlà tín hiệu tích cực. Theo giáo sưHạc, hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng về chiến lược phát triển giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Và tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các trường đại học giảm đó là do các sinh viên tốt nghiệp đại học xong thường khó kiếm được việc làm vì đòi hỏi khá cao lại chưa có kinh nghiệm va chạm thực tế.
Các em học nghề mong muốn sớm có việc làm, ổng định kinh tế, phát triển tay nghề hơn so với bỏ thời gian, tiền bạc, công sức để đi học đại học mà ra trường vẫn không có việc làm.
Trong khi đó các thí sinh, phụ huynh bắt đầu lựa chọn các trường cũng như định hướng nghề nghiệp một cách rõ nét hơn thông qua hệ thống internet đã phủ rộng. Đặc biệt các gia đình khó khăn, họ khuyến khích con em họ học nghề để sớm có được việc làm hơn là định hướng con mình theo các trường đạihọc mà chưa biết sau này ra trường có xin được việc hay không.Con số thất nghiệp đã khiến xã hội phải xem xét lại giá trị của tấm bằng đại học. Có thể nói, cơn sốt hư danh đã đạt tới đỉnh điểm, người học bắt đầu có cái nhìn thực tế hơn. Hy vọng các trường trung cấp, trường nghề nắm bắt được cơ hội hiện nay để thu hút người học và làm cho bức tranh đào tạo nghề sau trung học trở nên sáng sủa hơn - Giáo sư Phạm Minh Hạc khẳng định.
Như vậy, rõ ràng tỷ lệ thí sinh “né” cụm thi do các trường đại họcchủ trì hay “chê” xét tuyển vào đại họcchưa hẳn là công tác hướng nghiệp có hiệu quả hoặc thí sinh có xu hướng chọn học nghề. Do đó, chỉ thật sự đáng mừng khi số lượng thí sinh vào các cơ sở dạy nghề tăng lên rõ rệt và chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại họcngừng tăng lên theo từng năm như hiện nay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - Giáo sư Trần Xuân Nhĩ phân tích với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới: Hiện naycó nhiềucông ty may mặc, công ty giầy da thích lấy học sinh tốt nghiệp THPT vì huấn luyện mấy buổi là làm được việc và đối tượng này lại cần mẫn, trẻ khỏenên khéo tay, an phận, không đòi hỏi gì vì không có bằng cấp; trong khi, người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ có tâm lý ông chủ, đưabằng cấpra là đòi hỏi quyền lợi tương xứng với chính tấm bằng mình nhận được sau 5 năm theo học.
Đặc biệt lấy đối tượng đã tốt nghiệp đạihọchoặc bậc cao hơn, các doanh nghiệp còn phải chịu rủi ro là đối tượng này vì có bằng cấp nên không chịu an phận, nếu xin được việc tốt hơn là họ sẽ “nhảy việc”. Học hành tốn kém, cuối cùng lại phải học thêm trung cấp nghề mới xin được việc thì thà học luôn trường nghề, ra xin việc cho đỡ tốn kém học đại học, đỡ mất mấy năm học hành cao…
Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng cho hay: Hiện nay các chương trình học đại học kiến thức còn khá nặng về lý thuyết, thực hành thì hạn chế. Các chương trình giáo dục phổ thông cũng đã định hướng dần được học sinh chọn học nghề, phân luồng cụ thể đối với học sinh ở bậc THPT nên xu hướng chọn nghề của các thí sinh đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay nhà nước đang đi theo phân luồng sao cho số lượng học đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.
Về việc hệ đại học và cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp, PGS Trần Xuân Nhĩ nêu, bản thân họ phải “học lại” để có kiến thức hữu dụng, tìm hiểu nhu cầu của xã hội, rèn luyện kỹ năng của bản thân để tự tạo cơ hội cho mình. Riêng chất lượng thạc sĩ hiện nay cũng đáng báo động khi có nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường, thất nghiệp, lựa chọn cách học thêm bằng thạc sĩ. PGS Trần Xuân Nhĩ đánh giá, học thạc sĩ hiện nay giống “đại học cấp 5” (vì tăng số lượng 1 năm học so với bậc đại học).
Chương trình bậc thạc sĩ hiện tại chủ yếu học lý thuyết, chưa có tính thực hành và nghiên cứu sâu vì vậy việc từ chối học đại học của các thí sinh trong năm 2016 cũng là điều dễ hiểu, đáp ứng rõ được thực tế của xã hội.
Dạ Thảo