Dạy con sử dụng mạng xã hội an toàn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:03, 25/08/2016
Ngày nay, trẻ em tham gia mạng xã hội rất sớm. Đôi khi vì quá bận rộn mà cha mẹ không theo dõi để giúp con biết cách sử dụng mạng xã hội thông minh mà không phải đối đầu vớinhững nguy cơ luôn rình rập. Đối với độ tuổi các em, rất dễ sa ngã vào những tiêu cực như nghe lời bạn bè làm chuyện xấu, không tập trung học hành, ảnh hưởng lối sống ảo, nghiện mạng xã hội…
Cha mẹ nên dành thời gian để chấn chỉnh con, tránh rơi vào những tình huống đáng tiếc.
Dưới đây là những điều cha mẹ nên hướng dẫn con khi tham gia mạng xã hội.
Chỉ cho con phân biệt giữa ảo và thật
Khi đã bị cuốn vào mạng xã hội, trẻ rất khó thoát ra được thậm chí là bị nghiện. Hãy chỉ ra cho trẻ đâu là những mối quan hệ ảo và quan hệ thật. Dành thời gian cho những mối quan hệ thật chung quanh như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm. Giúp con hiểu đâu là những giá trị thật của tình cảm, sự quan tâm nhau của những mối quan hệ thật. Khuyến khích con gặp gỡ bạn bè bên ngoài nhiều hơn, những mối quan hệ bạn bè sẽ cùng nhau trỗ trợ tốt trong học tập cũng như cuộc sống.
Cũng đừng bác bỏ tất cả mối quan hệ dù là ảo mà con đang có trên mạng xã hội. Trẻ không thích một sự phản ứng gay gắt, nhất là khi đã đến tuổi cần bạn bè. Vì vậy, bạn hãy từ từ nói cho con hiểu.
Chỉ kết bạn với những ai quen biết
Mạng xã hội ngày càng thu hút mọi lứa tuổi, với chức năng tìm kiếm và kết bạn tiện lợi thu hút trẻ ngay từ khi mới tham gia. Tuy nhiên, để tránh những mối quan hệ không quen biết, bạn nên giải thích cho con hiểu chỉ nên kết bạn với những người quen biết.
Hãy kể cho con nghe những câu chuyện đáng tiếc xảy ra giữa những người bạn không quen biết trên mạng xã hội.
Không “check in”
“Check in” nơi ở mỗi khi đi đến đâu trở thành thói quen của rất nhiều người tham gia mạng xã hội. Để khỏi đối mặt với những nguy cơ có thể xảy ra như bắt cóc, trộm cắp… tốt nhất nói con không “check in” khi ở bất cứ nơi nào.
Khi tham gia mạng xã hội, ngoài những mặt tích cực thì có không ít mặt tiêu cực mà trẻ không lường trước được.
Để cẩn trọng hơn, tốt nhất không cho con sử dụng mạng khi ra khỏi nhà, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc.
Chia sẻ những thông tin vui vẻ
Chỉ chia sẻ những thông tin vui vẻ hoặc những ý kiến cá nhân nhưng không chỉ trích, lăng mạ ai. Hãy để mạng xã hội trở thành kênh kết nối thông tin và giao lưu với bạn bè một cách lành mạnh.
Để hướng trẻ đến điều đó, cha mẹ phải làm gương trước. Tuyệt đối không dùng những ngôn từ cay nghiệt, chê bai nhằm ảnh hưởng đến uy tín người khác. Nếu không bạn sẽ rất khó dạy trẻ theo hướng tích cực.
Có trong tay mật khẩu của con
Điều quan trọng nữa là cha mẹ nên có trong tay mật khẩu của con và thường xuyên kiểm tra. Ở tuổi chưa trưởng thành thì cha mẹ hoàn toàn có quyền xâm phạm riêng tư bởi đó là cách bảo vệ trẻ an toàn nhất.
Khi có trong tay mật khẩu của con, bạn mới biết hết những trang con tham gia có phải là trang web xấu, những mối quan hệ con đang qua lại có lành mạnh không để kịp thời chấn chỉnh.
Thanh Trúc
(Nguồn ảnh: Internet)