3 dự định chiến lược của doanh nghiệp Việt để nắm bắt hội nhập
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:41, 27/08/2016
Doanh nghiệp Việt rất tự tin về chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả nghiên cứu mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đó, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các Hiệp định: Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Á Âu, Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra chuyên đề nhằm thu thập thông tin đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo.
Theo Tổng cục Thống kê, đây là ngành nghề có nhiều doanh nghiệp qui mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế. Đã có 3.500 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo được tiến hành khảo sát, gồm 200 doanh nghiệp nhà nước, 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2200 doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Kết quả cho thấy, có tới 94,5% doanh nghiệp Việt Nam biết đến ít nhất một trong các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua. Truyền thông là kênh chủ yếu giúp doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại.
Các hiệp định thương mại quốc tế Việt Nam đã ký kết được cộng đồng DN Việt Nam quan tâm, biết đến, với tỷ lệ lần lượt là: Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83,8% (16,2% không biết). Tiếp đến là Hiệp định đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP) với 82,2% (16,8% không biết); Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Nhật Bản với 66,8% (33,2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (AEC) với 64,1% (35,9% không biết); Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Hàn Quốc với 62,7% (37,3% không biết).
83.9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, trong đó 53,3% doanh nghiệp rất ủng hộ và 30,6% doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo lắng. Chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.
Có 31,8% doanh nghiệp tự tin cho rằng, doanh nghiệp hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Cụ thể, có 27,5% doanh nghiệp đánh giá chất lượng sản phẩm tương đối mạnh và 4,3% đánh giá rất mạnh.
Về khả năng quản lý của doanh nghiệp, cũng chỉ có 26,4% doanh nghiệp đánh giá mạnh và rất mạnh. Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp tương đối mạnh và rất mạnh. Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% doanh nghiệp cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.
Về mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia hội nhập quốc tế: có 84,6% doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính. 69,4% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ, cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về các hiệp định thương mại quốc tế.
Có 55,3% doanh nghiệp mong muốn có thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước và 48,9% doanh nghiệp mong muốn có thông tin về thị trường trong nước.
3 dự định chiến lược để nắm bắt hội nhập
Báo cáo của Tổng cục Thống kế cũng chỉ ra rằng, đa số các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến chiến lược nắm bắt cơ hội từ hội nhập tập trung vào 3 lĩnh vực chính: nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường mới.
Cụ thể, sự quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế là chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp đều cho rằng, đây là yếu tố cốt yếu quyết định đến hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững.
Có tới 75.1% số doanh nghiệp cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm là chiến lược được ưu tiên hàng đầu trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế.
Hiện tại do còn nhiều bất cập về chất lượng sản phẩm so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên phần lớn các doanh nghiệp trong nước đều ý thức được và dự kiến có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tham gia hội nhập quốc tế hiệu quả hơn (với 86,1% doanh nghiệp nhà nước dự kiến hàng đầu về nâng cao chất lượng sản phẩm, tỷ lệ của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 76,6% và DN có vốn đầu tư nước ngoài là 69.5%).
Sự quan tâm tiếp theo của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập là mở rộng sản xuất kinh doanh: Hiện doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động, gần 89% số doanh nghiệp xét theo tiêu chí vốn), với quy mô vốn nhỏ bé, năng lực về công nghệ thấp, lạc hậu là chủ yếu, vì vậy hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm tạo cơ hội cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Gần 70% số doanh nghiệp có chiến lược mở rộng sản xuất kinh doanh để tham gia hội nhập quốc tế (với 72,7% doanh nghiệp nhà nước; 68,3% doanh nghiệp ngoài nhà nước và 70,3% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh thì tìm kiếm thị trường mới cũng là một trong các mục tiêu hàng đầu doanh nghiệp muốn hướng tới.
Có 62,1% doanh nghiệp dự kiến sẽ tìm kiếm thị trường mới để nắm bắt cơ hội từ hội nhập
Máy móc thiết bị, công nghệ là một trong những yếu tố cốt lõi, bền vững trong cạnh tranh và hội nhập, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ thấp, nhưng chỉ có 43,9% số doanh nghiệp dự kiến có chiến lược nâng cấp công nghệ trong thời gian tới.
Duyên Duyên