TPP đang gặp trục trặc do 2 ứng viên tổng thống Mỹ không ủng hộ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:39, 27/08/2016
Chiều 26.8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chủ trì phiên họp đánh giá công tác hội nhập kinh tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo dõi động thái TPP
Thành lập từ tháng 1.2015 nhưng đây mới là phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế. Tại phiên họp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông báotrong số 12 FTA đã kết thúc đàm phán có 2 hiệp định chưa đượcphê duyệt, là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo dự kiến, sau khi được quốc hội các bên phê duyệt, 2 hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2018.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho biếtquá trình phê duyệt Hiệp định TPP đang gặp nhiều phức tạp, trục trặc khi cả2 ứng viên tổng thống Mỹ sắp tới đều không ủng hộ. Hiện nay, Bộ Công Thương đang theo dõi để có biện pháp ứng phó với các tình huống.
Về thái độ của phía Mỹ đối với Hiệp định TPP, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhanh chóng chưa ra thông tin trấn an. Theo Phó thủ tướng, thông tin mới nhất mà Chính phủ nhận được là phía Mỹ vẫn sẽ theo đuổi TPP và hiệp định này vẫn sẽ được tiến hành chứ không đến mức quá trắc trở.
Nói thêm về điều này, Phó thủ tướng cũng cho rằngvề phía chúng ta, việcthông qua hiệp định này cũng cần có những cân nhắc, tính toán nhất định để lựa chọn thời điểm phù hợp, không sớm quá cũng không muộn quá, làm sao thu được nhiều lợi ích nhất và hạn chế thấp nhất sựrủi ro.
Trong một diễn biến khác, ngày 26.8, phát biểu tại bang Kentucky (Mỹ), Thượng nghị sĩMitch McConnell cho biếtTPP sẽ không được đưa ra thảo thuận trong năm nay. Tuy nhiên ông khẳng định TPP có thể sẽ được thảo luận, sửa đổi và thông qua trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo sau khi cuộc bầu cử vào tháng 11 tới có kết quả.
Trước đó, ông McConell từng cho rằng cơ hội để đưa TPP ra bỏ phiếu tại Thượng viện là rất mong manh, cùng với đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khẳng định sẽ không theo đuổi các thỏa thuận hợp tác đa phương mà chỉ ưu tiên các hiệp định song phương
Dù vậy, TPP vẫn có những chiều hướng lạc quan khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton cam kết sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán về TPP nếu đắc cử trong cuộc bầu cử cuối năm nay.
Việt Nam liệu có thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa?
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước ASEAN là 22,8 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN là 9,582 tỉ USD, giảm 12,3%, nhập khẩu từ ASEAN sang Việt Nam là 13,215 tỉ USD, giảm 5,1%. Cân đối thương mại hai bên thì Việt Nam nhập 3,633 tỉ USD trong 7 tháng đầu nam nay từ các nước ASEAN còn lại, trong đó nhập siêu lớn nhất là từ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việt Nam chỉ thặng dư với Lào, Campuchia, Myanmar khoảng vài chục triệu USD.
“AEC là thỏa thuận về một thị trường thống nhất và ta có rủi ro trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực. Trong lĩnh vực ô tô, Thái Lan đang nổi lên soán ngôi đầu từ Hàn Quốc, Trung Quốc về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam”, Phó thủ tướng nêu vấn đề.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nêu ý kiến cần phải làm gì để không bị rơi vào vùng trũng tiêu thụ hàng hóa từ các nước ASEAN.
Đề cập đến các thị trường ASEAN hay ASEAN+, ông Trần Quốc Khánh cho rằng những thị trường này không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam vì phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với Việt Nam.
Cùng với đó, khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa rõ ràng, doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta quen bán tại cầu cảng, mua tại cầu cảng. Tức là mua thì người ta mang tới tận cửa, không có nhu cầu tìm kiếm tận nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế. Bán thì ở Việt Nam thường bán hàng cho một thương nhân tới tận Việt Nam mua hàng nên câu chuyện nước ngoài giảm thuế cho mình ra sao cũng chưa đượcquan tâm lắm.
Dù vậy, Thứ trưởng Khánh cũng cho rằngcác doanh nghiệp đang có sự chuyển biến, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh, làm ăn bài bản đầu tư ra nước ngoài như Vinamilk, TH True Milk, Minh Phú, Vĩnh Hoàng…
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Trần Quốc Khánh nóitrong tương lai nếu có đàm phán thêm các hiệp định tự do thương mại thì phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để đàm phán và nguyên tắc đàm phán là Việt Nam cần được “ứng xử” đặc biệt trong thực thi hiệp định vì là nước kém phát triển; lựa chọn các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho ta.
Thực tế, một số thị trường mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc có cơ cấu kinh tế bổ sung cho Việt Nam đã góp phần cân bằng lại hoặc thu hẹp cán cân thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia này.
Nói về EVFTA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biếtchừng nào nước Anh chưa rời khỏi EU thì vẫn còn là thành viên của EU và hiệp định nàysẽ không có bất cứ thay đổi nào. Hiện các bên cũng thống nhất là không có trao đổi chính thức nào về vấn đề này để tránh cầm đèn chạy trước ô tô.
Cũng theo ông Khánh, các FTA được kýkết dường như khối doanh nghiệp FDI có chuẩn bị và nắm bắt tốt hơn các cơ hội và chúng ta cần kết nối giữa doanh nghiệp FDI và trong nước để tạo sự lan tỏa. Dođó, vai trò kiến tạo của Nhà nước rất quan trọng.
Trí Lâm