Doanh nghiệp thủy sản miền Trung kêu cứu vì Formosa
Sự kiện - Ngày đăng : 08:33, 27/08/2016
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiệp hội vừa có công văn kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT về thiệt hại sau sự cố môi trường biển tới xuất khẩu thủy sản tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
“Sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại nặng nề, bao gồm cả hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu” - báo cáo trên nhận định.
Thiệt hại hàng triệu USD
Cụ thể, theo VASEP, ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt dẫn đến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.
Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Thương mại Thuận Phước, cho hay đối với thị trường nội địa, người tiêu dùng trong một thời gian dài không dám mua sản phẩm thủy sản ở miền Trung. “Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm nên toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Do đó, DN phải chịu thêm nhiều chi phí như tiền điện, thuê kho, nhân công..., làm giảm sản lượng thu mua của DN đến 60% so với cùng kỳ năm trước” - ông Lĩnh dẫn chứng.
VASEP cho rằng nguồn thủy sản bốn tỉnh này là nguyên liệu cho nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu. Nhưng một số khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy một số đối tác nhập khẩu đã hủy hợp đồng, không mua thủy sản với các DN có nhà máy chế biến tại bốn tỉnh miền Trung.
Ông Trần Đình Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (Shatico), cho rằng Formosa phải có trách nhiệm với các DN bị thiệt hại. “Tám tháng đầu năm nay công ty chỉ mua được 228 tấn nguyên liệu, giảm đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Về xuất khẩu, tám tháng qua công ty chỉ xuất được 160 tấn với kim ngạch 1,4 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước là 2,4 triệu USD. Như vậy xuất khẩu trong tám tháng qua giảm đến 1 triệu USD, tương ứng mức giảm khoảng 42% so với cùng kỳ” - ông Nam dẫn chứng.
Cũng theo ông Nam, từ lâu công ty đã xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng chưa có năm nào gặp khó khăn như năm nay. Có một số tháng công ty chỉ làm việc 1/3 thời gian vì không có nguyên liệu.
Một DN niêm yết trên sàn chứng khoán cũng bất ngờ ghi nhận thua lỗ 14,5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi lớn. Một trong những lý do là sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung đã ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản, nhiều đối tác nước ngoài đơn phương hủy hợp đồng.
Xoay xở giữa muôn vàn khó khăn
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe dẫn báo cáo của các DN cho hay đến thời điểm giữa tháng 8.2016, nhiều ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại nên dự kiến các tháng cuối năm nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, DN thiệt hại lớn vì vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác.
Trước những khó khăn trên, DN đang nỗ lực tìm các giải pháp để “cứu mình” và người lao động. “Chúng tôi đang tập trung nhập nguyên liệu từ Indonesia để giảm thiểu khó khăn. Tuy nhiên, cước phí tại các cảng quá cao trong khi DN đang gặp khó khăn thì đây thực sự là gánh nặng. Vì vậy chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng có ý kiến đối với các cảng để hạ mức phí này” - ông Trần Đình Nam, Giám đốc Shatico, cho hay.
Ông Trần Văn Lĩnh cũng cho biết công ty tăng cường kiểm tra, kiểm nghiệm nghiêm ngặt chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như chất lượng các mặt hàng xuất khẩu. DN còn hỗ trợ nhà nhập khẩu sang tận nơi kiểm tra chất lượng thường xuyên.
“Khi có nhà nhập khẩu hỏi về sự cố môi trường biển, chúng tôi cung cấp đầy đủ thông tin chính thức, họ tin tưởng và tiếp tục mua hàng. Đặc biệt khi làm việc với các đối tác nước ngoài, DN Việt phải cam kết chất lượng và phải thiết lập vùng cung ứng an toàn” - ông Lĩnh chia sẻ.
Về phía hiệp hội, ông Trương Đình Hòe cho hay hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có sự can thiệp đối với Tập đoàn Formosa trong việc phải có trách nhiệm đối với DN và người dân ở bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại.
“Chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các sở, ngành, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… đối với các DN, cá nhân kinh doanh và xuất khẩu hải sản” - ông Hòe đề nghị.
Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản bảy tháng đầu năm đạt 3,65 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành thủy sản đã giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức là do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường vẫn có xu hướng tăng lên. Các DN đã cố gắng giữ được bạn hàng để các đối tác tiếp tục mua thủy sản, đồng thời cũng chấp nhận chia sẻ khó khăn cùng DN. Nỗ lực bằng chính chất lượng và quyết tâm bảo vệ thương hiệu của từng DN là “đôi giày vạn dặm” để ngành thủy sản phát triển bền vững.
Hàng ngàn tấn thủy sản tồn kho
Theo số liệu thống kê, sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh sáu tháng đầu năm nay giảm 16.000 tấn, Quảng Bình giảm 23.600 tấn, Quảng Trị giảm 16.000 tấn và Thừa Thiên-Huế giảm 13.300 tấn so với cùng kỳ. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình, ước tính tổng thiệt hại đến hết tháng 6 là 2.662 tỉ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỉ đồng.
Hiện tại, chỉ riêng tỉnh Quảng Bình có khoảng 2.000 tấn thủy sản đang tồn kho. Tỉnh Quảng Trị cũng vừa tiêu hủy 60 tấn cá đông lạnh trữ trong kho lạnh của DN.
Bộ NN&PTNT vừa phát đi thông điệp rằng người dân vẫn có thể khai thác và nuôi trồng thủy sản ở miền Trung bình thường. Đồng thời các địa phương tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản sau khi khai thác đưa về các cảng cá.