Rước khách tham quan di sản văn hóa quốc gia ngay vùng sạt lở nguy hiểm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:50, 27/08/2016
Nhiều tháng nay, 1 bến tàu du lịch tự phát đã hình thành ngay bến sông thuộc quản lý của DNTN Út Hồng (khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), ngay sát chân cầu Cái Sơn, hàng ngày vô tư rước khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng) bên kia sông.
Từ tháng 7.2016, quận Cái Răng đã tổ chức lễ đón nhận bằng của Bộ VH-TT-DL, công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nên ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan. Do đó, hoạt động của bến tàu chui này càng thêm rầm rộ.
Chính quyền đã cho cấm bảng cảnh báo sạt lở nguy hiểm
Theo bà Nguyễn T.T., đây là khu vực sạt lở rất nguy hiểm và chính quyền đã cho cấm bảng cảnh báo từ rất lâu. Hơn 10 năm trước, ngay bến tàu này đã bị sạt lở một đoạn hơn 20 mét, sâu vào hơn 5 mét. Ngay mới năm 2015, cách đó khoảng 50 mét, khoảnh đất thuộc khu vực 5, phường An Bình, dài khoảng 50 mét cũng bất thần sạt xuống sông, rất nguy hiểm.
Bến cầu tạm sơ sài, bằng gỗ
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tay cò sáng sớm vẫn chèo kéo khách ngay chân cầu Cái Sơn, rồi đưa xuống bến tàu du lịch tự phát này để đưa khách tham quan chợ nổi. Bến tàu làm sơ sài bằng gỗ, bám rong rêu rất nguy hiểm, và như đã nói - nằm ngay khu vực cảnh báo sạt lở.
Đường vào bến tàu chui
Theo nhiều người dân lân cận, để đối phó, bà Út Hồng thỏa thuận với khoảng 10 chủ tàu, rằng nếu bị cơ quan chức năng bắt quả tang, thì không ai được khai ra bà cho tàu ghé rước khách ngay bến của mình. Thậm chí, bà còn cho treo tấm biển “Không cho ghe tàu ghé vào…” ngay bến sông, để đối phó các cơ quan chức năng, chứng tỏ mình không liên can. Thực tế, hàng tháng bà vẫn thu tiền các chủ tàu từ 800.000- 1.000.000 đồng/chiếc.
1 tàu du lịch ghé bến này đón khách sáng 27.8
Ngay trong sáng 27.8, phóng viên Một Thế Giới đã ghi nhận hình ảnh chiếc tàu du lịch ung dung ghé bến này rước khách. Khi chiếc tàu này vừa xuất bến, thì 1 chiếc tàu khác ghé vào rước nốt lượng khách còn chờ trên bờ. Và bến tàu này hoạt động theo quy luật: tàu chỉ được đậu gần đó, khi các cò chèo kéo được khách, mới cho tàu ghé vào rước để tránh bị phát hiện.
Theo bà T.N.T., bến tàu của Công ty CP Mía đường Cần Thơ sát đó xây dựng rất kiên cố, niêm yết giá công khai 150.000 đồng/chuyến tham quan chợ nổi. Tuy nhiên, bến tàu này lép vế hơn bến tàu chui, do không có “cò” chèo kéo! Và bến tàu chui này, tha hồ chặt chém, có khi du khách phải trả từ 600.000- 800.000 đồng/chuyến tham quan! Và bà Út Hồng còn kiêm thêm dịch vụ giữ xe, tha hồ thu từ 20.000- 50.000 đồng/xe ôtô, 10.000 đồng/xe honda.
1 tàu vừa đón khách xong, lập tức tàu khác ghé vào
Những chiếc tàu hoạt động ở bến tàu chui không đăng ký bến bãi, chạy tour… mà chỉ cần đóng tiền tháng cho bà Út Hồng và chi huê hồng cho cò là tha hồ rước khách. Trên tàu chỉ trang bị sơ sài vài cái áo phao, chỉ có 1 người lái tàu kiêm hướng dẫn cho khách. Thậm chí có những chiếc ghe rất nhỏ, dễ bị chìm khi sóng to gió lớn, cũng tham gia rước khách!
Ông Trần Văn Xuân, Trưởng Công an phường An Bình, cho biết: “Chúng tôi đã nắm được hoạt động của bến tàu chui ngay khu vựcsạt lở nguy hiểm này. Vừa rồi, công an phường cũng yêu cầu bà Hồng lập rào chắn, không cho rước khách, tuy nhiên họ vẫn lén lút hoạt động. Sắp tới, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm”.
Rõ ràng, cần chấn chỉnh và xử lý, đình chỉ hoạt động tại bến đò này. Đừng để xảy ra thảm họa chìm tàu hoặc sạt lở bến khi khách đang xuống tàu gây chết người, như vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng rồi mới truy trách nhiệm! Lúc ấy đã muộn.
Nguyễn Hồ