Người Việt không ngồi một chỗ nên biển chết vẫn ‘thất nghiệp không nhiều’

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:26, 28/08/2016

Dù Formosa xả thải giết chết biển miền Trung nhưng bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng người dân "thất nghiệp không nhiều" bởi vì "người Việt Nam thì không bao giờ ngồi một chỗ để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình, cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm".

"Thất nghiệp không cao", "thiệt hại vừa phải"

Tại hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng 27.8, bà Nguyễn Thị Hải Vân thay mặt Bộ LĐ-TB-XH đánh giá tình hình và góp ý kiến xây dựng đề án "Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường".

Bà Vân cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã triển khai thu thập thông tin thiệt hại của tất cả người dân, khảo sát tình hình thiệt hại 4 tỉnh. Đến nay đã có 3 tỉnh thực hiện xong, chỉ còn tỉnh Hà Tĩnh chưa có khảo sát nào cả. Bà đề nghị tỉnh Hà Tĩnh làm nhanh, nếu không thì Bộ trình Chính phủ đề án mà không có Hà Tĩnh "bởi 3 tỉnh và người dân không thể chờ Hà Tĩnh được".

“Theo điều tra của chúng tôi thì tỉ lệ thất nghiệp (do Formosa xả thải giết biển miền Trung) không cao”, bà Vân khẳng định.

Bà đưa ra ví dụ: “Trước sự cố, (tỉ lệ thất nghiệp ở) tỉnh Thừa Thiên-Huế là 3,3%, sau sự cố là 5,5%; Quảng Trị trước sự cố là 2,5% sau sự cố là 7,0%; Quảng Bình ảnh hưởng nhiều nhất thì trước sự cố là 2,1%, sau sự cố là khoảng 16,4%. Đó là những số liệu chúng tôi cập nhật rất nhanh, có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng đấy là con số phản ánh ảnh hưởng của sự cố nhưng thất nghiệp không nhiều”.

“Bởi vì các anh chị biết rồi, người Việt Nam thì không bao giờ ngồi một chỗ đểchờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm”, bà Vân đưa ra lý do để thuyết phục về nhận định người dân miền Trung ít thất nghiệp dù biển chết.

Theo bà Vân, người Việt không ngồi một chỗ nên dù bị sự cố nghiêm trọng vẫn đi tìm việc nên không thất nghiệp. Trong ảnh là ngư dân TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang kéo lưới trên bờ biển những ngày tháng 8.2016 - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Không những vậy, bà Vân còn cho biết: “Qua đánh giá này chúng tôi cũng thấy thu nhập của người dân bị ảnh hưởng cũng vừa phải”. Ví dụ ở Thừa Thiên-Huế, nghề khai thác thủy sản thì chênh lệch trước và sau sự cố khoảng 4,5 triệu;nuôi trồng thủy sản khoảng 6 triệu; diêm nghiệp 6 triệu; chế biến thủy sản khoảng 3 triệu; bán buôn bán lẻ, hậu cần nghề cá khoảng 3 triệu… “Số liệu người dân và các xã xác minh thiệt hại này tôi nghĩ cũng là trung thực chứ không có gì”, bà Cục trưởng cho hay.

Không biết Bộ LĐ-TB-XH khảo sát như thế nào để đưa ra nhận định rất khách quan như vậy nhưng ở ngoài thực tế thì sau khi Formosa xả độc vào tháng 4.2016, cuộc sống dân tình ven biển 4 tỉnh miền Trung gần như tê liệt.

Formosa đã phải cúi đầu thừa nhận tội và đền bù cho nhân dân và nhà nước Việt Nam 500 triệu USD. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 4 tỉnh từ việc cấp gạo, tiền mặt, hỗ trợ thu mua…

Ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, biển chết làm ảnh hưởng đến cả những người làm ruốc, làm mắm, vá lưới, múc nước vào ruộng muối…

Thống kê từ Bộ VH-TT-DL, mùa hè năm nay ngành du lịch 2 tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh gần như chết hoàn toàn từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, tắm biển… “Không chỉ có các doanh nghiệp mà còn có cả các hộ gia đình. Ở Hà Tĩnh có nhiều cơ sở lưu trú thiệt hại đến 90%, cả một mùa không có khách nào. Dịch vụ vận chuyển liên quan đến người dân như ô tô, tàu, xe điện, xe ôm… đều mất thu nhập. Rồi dịch vụ lẻ như mua sắm, chụp ảnh dạo, cho thuê ghế… cũng không còn. Các khu du lịch mất khách thì người ta sa thải nhân viên”, đại diện Bộ liệt kê qua.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, hiện còn 3.900 tấn hải sản trong các kho lạnh trên địa bàn 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Đây chỉ là con số tồn kho, Trung ương đang chỉ đạo kiểm nghiệm để phân loại tiêu hủy hoặc tiếp tục cho sử dụng và hỗ trợ các cơ sở thu mua.

Sau công bố biển miền Trung đã an toàn trừ 3 vùng nước xoáy còn sót lại độc tố mà Bộ TN-MT đã công bố là Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), đảo Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế); mới đây Bộ NN-PTNT cũng đã cho phép ngư dân khai thác trên các vùng biển này bình thường, không phân biệt trong hay ngoài 20 hải lý như trước đây, tuy nhiên khuyến cáo không đánh bắt ở 3 vùng nước xoáy và hải sản tầng đáy.

Cho dân đi xuất khẩu lao động đánh cá

Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, việc đánh giá thiệt hại được tính theo thời điểm trước và sau sự cố môi trường biển. Sau đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có đề xuất về chính sách an sinh xã hội; trong đó có dạy nghề, chuyển đổi việc làm, xuất khẩu lao động.

Về chính sách chuyển đổi việc làm, Bộ sẽ đề nghị để vốn ưu đãi lượng lớn nhất cho 4 tỉnh này. Về xuất khẩu lao động, Bộ định hướng người dân ở 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại sang một số nước đánh bắt xa, gần bờ như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… để người dân vẫn giữ nguyên được nghề, khi biển sạch thì quay về tiếp tục lao động nghề của mình. Đối với hỗ trợ học sinh sinh viên có đề xuất trong đề án, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung thêm cho đầy đủ…

Nhiệm vụ hiện nay mà các bộ ngành và địa phương phải rốt ráo hoàn thiện theo chỉ đạo từ Chính phủ là áp giá đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại để giải ngân số tiền 500 triệu USD đền bù của Formosa trong tháng 9.2016.

Đến thời điểm hiện tại, việc thống kê vẫn chưa hoàn thiện do sự lúng túng của Bộ NN-PTNT lẫn các địa phương. Ngày 27.8, Bộ NN-PTNT,4 tỉnh miền Trung và các bộ ngành liên quan đã thống nhất thêm một số việc để tiếp tục đẩy nhanh công việc này.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ hướng xuất khẩu lao động người dân miền Trung sang những nước có nghề đánh cá xa bờ, gần bờ để khi biển sạch có thể quay về đánh bắt tiếp - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Cục trưởng Cục Việc làm đề nghị Bộ NN-PTNT nên chia đánh giá thiệt hại ra 2 đối tượng, một là chủ, hai là người lao động để xây dựng đề án cho nhanh. “Chứ nếu tính xong các ông chủ, rồi tính đến người dân thì phải chờ rất lâu”, Cục trưởng Nguyễn Thị Hải Vân nói.

“Nếu đánh giá thiệt hại của những người chủ thì lấy số liệu khảo sát của bộ NN-PTNT đã triển khai. Đối với người lao động thì hiện Bộ LĐ-TB-XH đã có số liệu đánh giá thiệt hại về thu nhập, việc làm trước và sau sự cố. Đề nghị bộ NN-PTNT lấy dữ liệu này vào trong đề án chung”.

Bà Vân đề nghị: “Bộ NN-PTNT phê duyệt trước đề án đối với người dân, bởi chúng ta không thể để người dân ngồi chờ hỗ trợ, bồi thường cũng như các chính sách chuyển đổi việc làm, xuất khẩu lao động được. Đề nghị tách riêng phần hỗ trợ của người dân ra thành một đề án riêng để trình Bộ Tài chính phê duyệt trước khối lượng, định mức bồi thường hỗ trợ, ví dụ 100% cho người thất nghiệp, 50% cho người có việc làm nhưng bị giảm thu nhập. Nếu Bộ NN-PTNT không đồng ý phương án này thì đề nghị Bộ Tài chính khi trích duyệt đơn giá thì loại trừ đơn giá của người lao động ra, chỉ để đơn giá của những ông chủ thôi”.

Lê Đình Dũng

Lê Đình Dũng