Người đồng tính không đến từ hành tinh khác
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:05, 29/08/2016
Ông nhận xét gì với những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT và động thái của Chính phủ Việt Nam những năm gần đây?
- Tôi nhận thấy Chính phủ đang nghiêm túc nhìn nhận vấn đề cần xóa bỏ kỳ thị người đồng tính, nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tôn trọng đối với người đồng tính thay vì đẩy họ ra khỏi xã hội. Việt Nam đã đi những bước quan trọng và khiến thế giới phải dõi theo. Nhiều thứ ở đây đã thay đổi, nhiều hơn những gì người ngoài vẫn nghĩ về Việt Nam. Nhưng vẫn có nhiều điều phải làm.
Như việc hôn nhân đồng tính dù đã được cho phép nhưng vẫn chưa được pháp luật công nhận?
- Đúng vậy, một khi người đồng tính bị tước bỏ quyền tự do hôn nhân, họ không thể xây dựng gia đình theo truyền thống Việt Nam, gần như bị đẩy ra khỏi gia đình và xã hội. Việc cần làm là tiếp tục thúc đẩy các cam kết pháp luật để bảo vệ cộng đồng LGBT. Ngoài ra, dù quyền được kết hôn là quan trọng nhưng vẫn còn những thứ khác như chống kỳ thị, bảo đảm an toàn cho những người đồng tính. Điều này cũng đúng tại Mỹ, dù chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến đòi quyền hôn nhân cho người đồng tính.
Sự cởi mở này có đủ tích cực để báo hiệu sẽ có thêm nhiều tiến triển khác?
- Tôi đánh giá cao bước đi đầu tiên và rất quan trọng đó của Chính phủ Việt Nam, nó giúp giảm kỳ thị và cho phép người đồng tính có thể tổ chức lễ cưới cho gia đình, bạn bè và cộng đồng thấy tình yêu của họ. Thế giới thật ra rất ngạc nhiên khi thấy Quốc hội Việt Nam chấp thuận điều này. Việt Nam đang đi đúng hướng, việc còn lại là hoàn tất tiến trình này. Tôi đã thấy nhiều cá nhân, tổ chức, nhà hoạt động nỗ lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng về LGBT, giúp nhiều người Việt hiểu hơn người đồng tính thật sự là ai. Quyết định bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng giới của Chính phủ đã khích lệ cộng đồng. Ngược lại, khi sự ủng hộ dành cho giới LGBT của cộng đồng tăng lên, Chính phủ sẽ dễ dàng đạt được các bước tiến mới.
Viet Pride sau khởi đầu vấp phải phản đối hồi năm 2012, năm nay đã là lần thứ 5 sự kiện này được tổ chức. Ông nhận xét gì về những nỗ lực của Viet Pride?
- Đó là cơ hội để giới LGBT tự khẳng định họ, giúp cộng đồng hiểu thêm họ là ai. Nhưng các nỗ lực này cần được tiến hành quanh năm, để làm cho nhiều người biết rằng người đồng tính không phải đến từ hành tinh khác, mà chính là người thân của ta.
Giới trẻ Việt Nam đang có nhận thức về LGBT rất khác cha mẹ họ. Nếu người lớn dùng từ hơi xúc phạm để chỉ những người đồng tính, con cái họ “chỉnh” ngay bằng cách gọi phù hợp hơn. Điều này có khiến ông ấn tượng? Trẻ con Việt Nam đang được giáo dục đúng đấy chứ?
- Hoàn toàn chính xác. Người trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xóa bỏ kỳ thị với người đồng tính. Thật may là họ lớn lên trong thời đại mà hai từ “đồng tính” và “kết hôn” đã đi cùng với nhau, điều không có ở những thế hệ trước. Người trẻ vì thế có thể lớn lên và giúp chính cha mẹ họ và Chính phủ cởi mở hơn về LGBT.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius thường xuyên truyền tải thông điệp người LGBT cần được tôn trọng và ủng hộ. Ông có nghĩ Việt Nam cần thêm nhiều người nổi tiếng, ở vị trí cao như thế để nâng cao nhận thức cộng đồng?
- Đúng, nhưng chúng ta cũng cần cả những người bình thường, như những đứa trẻ “sửa lời” cha mẹ trong câu chuyện bạn vừa kể. Việt Nam được đánh giá rất cao khi đã vui vẻ chào đón một đại sứ đồng tính, bạn đời của ông, cả con cái và cha mẹ của họ. Điều này cho thấy triển vọng Chính phủ sẵn sàng thực hiện các bước tiến khác. Trong cuộc đấu tranh cho hôn nhân đồng tính, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn cao hơn rất nhiều so với thời chúng tôi bắt đầu: người dân đòi hỏi công bằng hơn, Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhiều người sẵn sàng góp sức để thúc đẩy các phong trào.
Xin cảm ơn ông!
Viet Pride Hà Nội diễn ra từ ngày 19 đến 21.8 với nhiều hoạt động (học bổng Viet Pride, chiến dịch bình đẳng công sở Work With Pride, chiếu phim, trò chuyện chủ đề LGBT). Tại TP.HCM, Viet Pride 2016 Sài Gòn diễn ra từ ngày 25 đến 29.8. Theo ông Wolfson, hôn nhân đồng tính đã được công nhận tại 22 quốc gia, giúp 1 tỉ người, tức 13% dân số toàn cầu, được hưởng hôn nhân bình đẳng.
Tuần báo Newsweek gọi Wolfson là “Cha đẻ của hôn nhân đồng tính”. Tạp chí Times vinh danh ông là một trong “100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới”. Ông là nhà sáng lập và chủ tịch của “Freedom to Marry” (Tự do hôn nhân), chiến dịch đóng vai trò quan trọng trong việc Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết công nhận quyền tổ chức hôn nhân đồng tính trên khắp nước Mỹ (tháng 6.2015).