Mở quán karaoke sẽ phải đóng phí 6 - 12 triệu đồng, thêm 1 triệu/phòng nếu cơi nới
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:43, 29/08/2016
Ngày 29.8, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường.
Dự thảo này nhằm thay thế Thông tư số 156/2012/TT-BTC ngày 21.9.2012 của Bộ Tài chính cũng quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép kinh doanh karoke, vũ trường.
Theo đó, dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh karaoke tại các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh sẽ phải đóng mức phí thẩm định cấp phép là 6 triệu đồng/giấy phép khi kinh doanh từ 1 đến 5 phòng; và đóng 12 triệu đồng/giấy phép khi kinh doanh từ 6 phòng trở lên.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vũ trường tại các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh sẽ phải đóng mức phí thẩm định cấp phép là 15 triệu đồng/giấy phép.
Tại các khu vực khác, sẽ phải đóng mức kệ phí 3 triệu đồng/giấy phép khi kinh doanh karaoke dưới 5 phòng, và 6 triệu đồng/giấy phép khi kinh doanh karaoke từ 6 phòng trở lên. Riêng kinh doanh vũ trường tại các khu vực khác sẽ phải đóng phí 10 triệu đồng/giấy phép.
Nếu so sánh với Thông tư số 156 đang được áp dụng thì mức thu phí trong dự thảo mới không có gì thay đổi. Tuy nhiên, điểm mới của dự thảo lần này là bổ sung thêm trường hợp các cơ sở kinh doanh muốn cơi nới, tăng thêm phòng karaoke.
Theo đó, tại các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nếu các cơ sở kinh doanh muốn cơi nới, tăng thêm phòng thì phải đóng mức thu 1 triệu đồng/phòng.
Còn tại các khu vực khác sẽ phải đóng thêm 500.000 đồng/phòng nếu muốn cơi nới thêm.
Các cơ quan được phép thu phí sẽ được giữ lại 30% tổng số tiền thu được để trang trải chi phí phục vụ công việc, còn 70% phải nộp về ngân sách nhà nước.
Nếu được thông qua thì dự thảo này dự kiến được áp dụng từ 1.1.2017.
Duyên Duyên