Ông Võ Kim Cự: 18 tỉnh ‘không biết giao cho ai quản lý kinh tế hợp tác’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:01, 30/08/2016
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Võ Kim Cự cho biết, đến nay, cả nước có hơn 150 nghìn tổ hợp tác và hơn 20 nghìn hợp tác xã, chiếm khoảng 13 triệu hộ với hơn 30 triệu lao động. Tính đến thời điểm ngày 1.7.2016 đã có hơn 9 nghìn hợp tác xã tiến hành chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chiếm 64%.
Tại buổi làm việc, ông Võ Kim Cự có 15 đề xuất, kiến nghị với Phó thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan. Nổi bât là các đề xuất như cho phép tổ chức này được tham gia đoàn công tác Trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia, tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành tạo điều kiện cho đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường, nghiên cứu…; cho phép tổ chức này thành lập cơ quan kiểm toán hợp tác xã riêng, hoạt động độc lập bên cạnh cơ quan Kiểm toán Nhà nước và các công ty kiểm toán độc lập khác…
Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã, các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã ban hành chậm, thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn. Có nơi không quan tâm đến hợp tác xã, có huyện có hàng chục xã nhưng không xã nào có hợp tác xã, đặc biệt không có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đây là tồn tại rất lớn.
Ông Võ Kim Cự cũng cho biết, lĩnh vực có hợp tác xã hiện có 18 tỉnh giao Sở Kế hoạch- Đầu tư; 13 tỉnh giao Liên minh Hợp tác xã và 18 tỉnh chưa giao cho ai cả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng đánh giá cao vai trò của hợp tác xã trong thời gian qua, tuy chỉ đóng góp khoảng 5,6% GDP nhưng đã góp phần giải quyết việc làm, sinh kế, xoá đói giảm nghèo.Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến hợp tác xã phát triển chưa tương thích với tiềm năng một phần là do nhận thức.
“Tư duy hợp tác xã kiểu cũ vẫn lởn vởn đâu đó, người ta không mặn mà với mô hình này. Mô hình hợp tác xã kiểu mới hoàn toàn khác hợp tác xã kiểu cũ, không những không thủ tiêu kinh tế hộ mà còn là một tổ chức làm gia tăng giá trị của kinh tế hộ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng khẳng định nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân chưa đầy đủ, bản thân hợp tác xã không phải là doanh nghiệp, trong hợp tác xã có thể có doanh nghiệp, cần nghiên cứu nhu cầu, điều kiện phát triển doanh nghiệp trong hợp tác xã để đóng góp vào mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
Về đề xuất đi công tác nước ngoài, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, nếu hoạt động hiệu quả thì đi nước nào cũng được, đó là việc đối ngoại của các cơ quan, không phải xin phép Chính phủ. Tuy nhiên, đi nước ngoài phải thực chất, trên tinh thần tiết kiệm, phải có hiệu quả, chứ không phải đi chơi mấy hôm rồi về. Đặc biệt, tài chính cho các chuyến đi này phải là từ nguồn xã hội hóa chứ không được lấy từ ngân sách.
Trước thực trạng 18 tỉnh “không biết giao cho ai quản lý kinh tế hợp tác”, Phó thủ tướng chỉ đạo phải sớm chấm dứt tình trạng thiếu thống nhất và thiếu rõ ràng.
Theo đó, giao cho Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm kiện toàn năng lực, chức năng quản lý nhà nước với lĩnh vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hợp tác xã.
“Quan trọng không phải là bao nhiêu người mà quan trọng là đã có bộ máy và củng cố lại trên cơ sở biên chế hiện có”, Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu khả năng ủy thác cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ, nhất là vấn đề cung cấp dịch vụ công. Ủy thác dịch vụ gì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và Liên minh Hợp tác xã phải đề xuất, có đề án và nghiên cứu cặn kẽ.
Trong buổilàm việc,Phó thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan trình Thủ tướng phê duyệt công nhận điều lệ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời xác định rõ vai trò, vị trí của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam không phải là tổ chức Hội và không phải đối tượng điều chỉnh của Luật Hội.
Trí Lâm