Thị trường bia Việt Nam trước sự thèm khát của các nhà đầu tư ngoại
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:21, 30/08/2016
Thói quen uống bia của người Việt và những con số khủng!
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam, năm 2015, người Việt đã tiêu thụ khoảng 3,4 tỉlít bia, tăng 10% so với năm 2014, so với thời điểm năm 2010, mức tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng gần 41%. Điều đáng nói là mức tiêu thụ bia của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh, mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt sản phẩm này đã tăng từ đầu năm nay. Theo đó, năm 2016, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tiếp tục dự báo, người Việt sẽ tiêu thụ hơn 4,4 tỉ lít bia - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Mức tiêu thụ bia tăng lên nhanh chóng cũng đã đẩy Việt Nam lên cao hơn trong bảng xếp hạng các thị trường bia lớn của khu vực và thế giới. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới.
Với những con số "khủng" trên, có thể dễ dàng nhận thấy Việt Nam đang trở thành một thị trường trọng điểm và chiến lược trong việc thu hút nhà đầu tư ngoại. Nhiều hãng bia ngoại đã có mặt cũng như đang tăng cường mở rộng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam như: hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) Heineken (Hà Lan), Thai Beverage PCL (Thái Lan) và Asahi Group Holdings Ltd. (Nhật Bản)...
Hiện tại, Carlsberg, Sabeco, Habeco và Heineken đang chiếm tới hơn 80% thị phần bia trong nước, trong đó Sabeco dẫn đầu với hơn 40% thị phần. Tuy nhiên, với sự mở rộng mạnh mẽ và đầu tư bài bản của các hãng bia ngoại, thứ bậc trên thị trường cũng đã dần có sự thay đổi.
Cuộc chiến của các nhà đầu tư ngoại
Quá trình đầu tư của các đại gia bia thế giới đã bắt đầu nở rộ lên khi vào năm 2010, tập đoàn bia hàng đầu Nhật Bản mang tên Sapporo Holdings đã gia nhập thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với Vinataba để mở một nhà máy tại TP.HCM. Tập đoàn đã mua lại toàn bộ 30% cổ phần của Vinataba trong liên doanh và sở hữu toàn bộ công ty Sapporo Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở TP.HCM, Sapporo kỳ vọng sẽ mở rộng mạng lưới ra Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh thành khác trên cả nước. Trong 5 năm qua, liên doanh Sapporo và Vinataba đã phát triển được 4.000 cửa hàng tại Việt Nam.
Trong khi đó, hãng bia hàngđầu thế giới Anheuser - Busch InBev (AB InBev) cũng đã vào Việt Nam thông qua việc xây nhà máy tại Bình Dương để sản xuất bia cao cấp Budweiser. Công ty này còn sở hữu các thương hiệu khác như: Corona, Stella, Artois, Beck’s Và Brahma.
Heineken thì xem Việt Nam là một trong bốn thị trường lớn nhất của hãng trên thế giới nên đã thường xuyên chọn Việt Nam là địa điểm xúc tiến bán hàng của hãng trong những năm gần đây. Đáng chú ý, vào tháng 7 vừa qua, Heineken đã mở rộng quy mô bằng việc mua lại thành công nhà máy bia Carlsberg Vũng Tàu. Tính đến thời điểm hiện nay, thương vụ này đã hoàn tất và công ty này đã được đổi thành Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam.
Nhắc đến cuộc chiến của những doanh nghiệp ngoại tại thị trường Việt Nam ở mọi lĩnh vựckhông thể không kể tới các tập đoàn Thái Lan. Trong cuộc chạy đua ở lĩnh vực bia, Tập đoàn nước giải khát Thai Beverage (Thái Lan) cũng không bỏ lỡ khi năm lần bảy lượt ngỏ lời muốn mua 53% cổ phần tại Sabeco nhưng đều bị từ chối. Động thái này có thể thấy Thai Beverage dường như đã sẵn sàng trả giá rất cao để thâu tóm hãng bia nội này để chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam theo một cách không thể nhanh hơn.
Trước bối cảnh trên, giới chuyên gia nhận định rằng, dù là Thai Beverage hay bất cứ một hãng bia nước ngoài nào sở hữu được 53% cổ phần của Sabeco thì sớm muộn các nhà đầu tư ngoại cũng nắm được quyền sở hữu Sabeco và khi đó, thị trường bia Việt Nam sẽ chỉ còn là cuộc chơi của những thương hiệu bia ngoại.
Mặt khác, sắp tới, Việt Nam ngày càng hội nhập khitham gia vào TPP, thị trường sẽ mở cửa, thuế nhập khẩu bia từ 35% sẽ giảm dần dần xuống 0%. Vì vậy,tương lai bia ngoại vào thị trường sẽ càng gia tăng.
Tuyết Nhung