Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim khẳng định CGV chèn ép phim Việt là có thật

Văn hóa - Ngày đăng : 10:53, 30/08/2016

Sau khi bị 8 nhà sản xuất phim Việt Nam gửi thư đến Hội Điện ảnh Việt Nam khiếu nại hệ thống rạp của doanh nghiệp Hàn Quốc CGV chèn ép qua sự bất hợp lý trong tỷ lệ ăn chia phòng vé và hình thức chiếu phim rạp, hôm nay 30.8, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim khẳng định CGV chèn ép phim Việt là có thật.

Trong thông cáo gửi đến các cơ quan truyền thông,Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim đã phân tích chi tiết những vấn đề mà các nhàsản xuất phim Việt Namgặp phải khi tìm tiếng nói chung với CGV. Không những thế, Hiệp hội còn khẳng định, chính câu chuyện phát hành phim Tấm Cám: Chuyệnchưa kể là giọt nước làm tràn ly cho những mâu thuẫnnày.

Nội dung của bản thông báo được chi tiết như sau:

Việc CGV là đơn vị có tỷ lệ phòng chiếu lớn trên thị trường ép các doanh nghiệp nói chung và nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội về tỷ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là vấn đề có thực và đang có rất nhiều doanh nghiệp bất bình.

Tỷ lệ chia sẻ doanh thu tại cụm rạp CGV áp dụng cho các nhà sản xuất Việt Nam (không do công ty thành viên của CGV là CJ E&M đầu tư sản xuất hoặc không do CGV phát hành) trong thời gian gần đây càng ngày càng đi xuống. Cụ thể từ khoảng năm 2008 trở về sau, hầu như tất cả các rạp chuẩn (Lotte, CGV, Galaxy, BHD, Platinum ...) đều có mức tỷ lệ ăn chia bằng nhau, tuy nhiên trong khoảng hơn một năm gần đây, tỷ lệ này riêng tại cụm rạp CGV ngày càng bị ép giảm dần. Đến năm 2015 thì doanh thu ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất/ nhà phát hành khác không phải CGV tại hệ thống rạp của CGV bị giảm bình quân khoảng từ 15% - gần 25% trong khi tỷ lệ cũ vẫn được CGV đòi áp dụng cho phim của mình tại các hệ thống rạp khác cũng như tỷ lệ cũ vẫn được các doanh nghiệp khác trong ngành áp dụng.

Cũng chính vì vấn đề này nên không chỉ Tấm cám –Chuyện chưa kể mà trước đó một số bộ phim khác của một số doanh nghiệp hội viên Hiệp Hội Phát hành & Phổ Biến Phim Việt nam khác cũng không thể chiếu được tại CGV vì tỷ lệ ăn chia dành cho nhà sản xuất phim quá thấp so với phần chủ rạp được hưởng. Tấm Cám –Chuyện chưa kể chỉ là một giọt nước tràn ly. Và giọt nước mắt không kìm được từ một người phụ nữ mạnh mẽ như Ngô Thanh Vân mà một số người đánh giá là “diễn” với chúng tôi, những người trong nghề, chúng tôi tin là là giọt nước mắt chân thật, cảm xúc của một người nghệ sĩ đã đem hết tâm huyết dành cho tác phẩm mà không được đáp lại một cách khách quan với ứng xử thiếu tinh thần nhân văn... và chúng tôi không bao giờ muốn ai phải rơi lệ như vậy nữa. Hãy thử quay phim vài tháng trời ngủ mỗi ngày vài tiếng, là đạo diễn cầm quân hàng trăm anh em ngồi giữa trời mưa chờ đợi để có được cảnh quay như ý, sống , ăn, ngủ... với một bộ phim gần 2 năm trời mà đến ngày chiếu lại gặp thêm nhiều khó khăn nữa... Làm phim nghiêm túc ở Việt nam và đưa những thước phim mình làm đến với khán giả chưa bao giờ vất vả hơn thế này...

Bà Ngô Bích Hạnh – Giám Đốc Công ty BHD chia sẻ “Người Việt Nam chúng tôi có truyền thống yêu nước và lòng tự trọng dân tộc rất cao. Trong thời gian vừa qua, công ty BHD và các doanh nghiệp trong nước khác luôn giữ thái độ ôn hòa và cố gắng xây quan hệ lành mạnh với CGV và đã từng rất nhiều lần nỗ lực đàm phán để có thể được nhận tỷ lệ hợp lý và công bằng trong sân chơi chung của việc phát hành phim ở nước mình. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác CGV đã không hợp tác”.

Trong khi nhà sản xuất đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian, tâm huyết và chịu toàn bộ chi phí sản xuất, quảng bá cho bộ phim cũng như rủi ro rất cao và chủ phim chỉ được nhận phần chia sẻ doanh thu bán vé thì chủ rạp ngoài doanh thu bán vé còn có các doanh thu khác về quảng cáo, và các dịch vụ đi kèm khác... Tỷ lệ cho nhà sản xuất phim bị ép quá thấp trong thời gian gần đây và đến mức thấp hơn nhiều so với rạp chiếu CGV không hề có tiền lệ tại các quốc gia khác trên thế giới và sẽ đẩy các nhà sản xuất phim Việt nói chung vào hoàn cảnh rất khó khăn vì doanh thu bán vé khó để hoà vốn, huống chi là có lãi để có kinh phí tái đầu tư sản xuất các bộ phim thường chưa nói đến phim có kinh phí lớn hơn.

Bà Vũ Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Hãng phim Sóng Vàng, chia sẻ: “Với nhiều công ty, việc CGV lấy tỷ lệ ăn chia tuần đầu lớn hơn cả nhà sản xuất là vô lý, cá lớn nuốt cá bé. Là nhà sản xuất, chúng tôi mong CGV có thể ngồi lại với các đơn vị để cùng nhau vạch ra một tỷ lệ ăn chia làm sao cho nhà sản xuất nhận được phần hợp lý và công bằng”.

Chính câu chuyện phát hành phimTấm Cám: Chuyệnchưakể là giọt nước làm tràn ly cho những mâu thuẫnhiện nay

Trước đây, CGV đã nhiều lần vi phạm và bị xử phạt trong các hoạt động chèn ép các nhà sản xuất kháctại chính Hàn Quốc và Việt Nam.

Hiệp hội đã nhận được thông tin cụ thể rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hàn Quốc, công ty CGV đã có nhiều hoạt động lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chèn ép các nhà sản xuất và các đơn vị hoạt động điện ảnh nhỏ khác tại Hàn Quốc và đã bị cơ quan cạnh tranh của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại công bằng (KFTC) điều tra, xử phạt ít nhất 5 lần. Ngay thời điểm này, trong khi đang bị các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam xem xét khiếu nại, thì tại Hàn Quốc vào tháng 08/2016, CGV đang phải đối mặt với việc KFTC chuẩn bị ra quyết định xử phạt, trong đó không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự, đối với các giao dịch nội bộ, ưu đãi quá mức mà CGV dành cho công ty liên kết của mình.

Ngoài ra, công ty CGV trước đây cũng từng bị xác định vi phạm Luật cạnh tranh tại Việt Nam trong vụ việc liên quan với một thành viên của Hiệp hội là Công ty Galaxy. Khi được Hiệp hội hỏi về thông tin này, Tổng Giám Đốc Galaxy - Ông Văn Chí Hùng đã chia sẻ với Hiệp hội: “CGV, tiền thân là Megastar, đã bị khiếu nại và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra từ năm 2010 về các hành vi chèn ép, vi phạm pháp luật cạnh tranh. Sau khi bị điều tra trong một thời gian dài, đến tháng 03/2015, họ mới chịu thừa nhận và chịu ký cam kết không vi phạm trong tương lai. Cam kết này lập trước sự chứng kiến của Hội Đồng Cạnh Tranh quốc gia. Sau khi có cam kết của họ, bên khiếu nại mới rút đơn. Trên cơ sở bên khiếu nại rút đơn, Hội Đồng Cạnh Tranh đã ra quyết định đình chỉ vụ việc, trong quyết định cũng có xác định các hành vi của CGV là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện tại họ lại tiếp tục có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh tại Việt Nam.”

Khẳng định tinh thần cởi mở hợp tác quốc tế với tất cả các doanh nghiệp nước ngoài của các công ty trong Hiệp hội Phát hành & Phổ biến Phim Việt nam.

Hiện nay tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đang cùng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Đại đa số các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim và chiếu bóng tại Việt Nam đều có tinh thần hợp tác cao với những phương cách hỗ trợ nhau cùng phát triển rất hiệu quả, với thái độ hành xử tương tác, chuẩn mực, có văn hoá của những đơn vị trong cùng ngành nghề kinh doanh. Có thể khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong hiệp hội nói riêng không có tư tưởng bài ngoại, chủ động tích cực trong khuynh hướng hội nhập và phát triển toàn cầu.

Hãy hành xử như một doanh nghiệp lớn:

Việc một doanh nghiệp đầu tư phát triển và đạt được vị trí lớn là việc rất bình thường và được khuyến khích trong kinh doanh. Nhưng khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hoá như một “Doanh nghiệp lớn” , chứ không nên “ cậy lớn” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh.

Chúng tôi mong mỏi được cạnh tranh lành mạnh, công bằng và tuân thủ luật pháp Việt Nam và các thoả thuận Quốc tế cũng như sẵn sàng cạnh tranh song phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm – Chủ Tịch Hiệp hội Phát hành & Phổ biến Phim Việt nam chia sẻ “Các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam nhất định sẽ lớn lên bằng chính khả năng và sự cố gắng và nỗ lực của chính mình. Với người Việt khi khó khăn nhất cũng là khi chúng tôi sẽ đoàn kết với nhau nhiều nhất. Mong muốn của các thành viên trong Hiệp hội là được hoạt động điện ảnh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng và tuân thủ pháp luật. “

Đầu tư nước ngoài đáng hoan nghênh, nhưng nếu đầu tư nước ngoài đi kèm với hàng hoá kém chất lượng, công nghệ lạc hậu huỷ hoại môi trường, hay những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép, phá hoại ngành sản xuất trong nước, thì cần phải có những biện pháp kiên quyết xử lý.

Trước các kiến nghị của nhiều doanh nghiệp điện ảnh về việc CGV tự thay đổi và áp đặt những tỉ lệ ăn chia dành cho mình cao hơn nhiều so với trước đây, và những ứng xử thiếu văn minh và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh của CGV, Hiệp hội Phát hành & Phổ Biến Phim Việt Nam buộc phải gửi các thông tin này lên các cơ quan chức năng để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định. CGV hay bất kỳ doanh nghiệp điện ảnh có vị trí lớn nào cũng cần hoạt động theo tinh thần tôn trọng luật pháp trong việc phát hành phim, chiếu phim theo quy định tại luật đầu tư, luật cạnh tranh và các quy định khác mà nhà nước đã đưa ra và phù hợp với các công ước quốc tế. Hiệp hội cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để xin hướng dẫn và tìm phương hướng cùng chung sức xây dựng thị trường sản xuất, phát hành, rạp chiếu phim điện ảnh và các Trung Tâm Phát hành và phổ biến Phim toàn quốc có một sân chơi công bằng. Các biện pháp pháp lý cần thiết sẽ được cân nhắc sử dụng để có thể đảm bảo các doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam không bị chèn ép trái pháp luật, đảm bảo cuộc sống cho hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp chiếu bóng, sản xuất, phát hành khác ngoài CGV và quan trọng hơn cả để góp phần bảo vệ và phát triển nền Điện ảnh Việt Nam, tương tự như cách Hàn Quốc đã từng phải gắng sức bảo vệ nền Điện ảnh của mình trong những thập kỷ trước đây.

Chúng tôi tin rằng điều đó không những mang lại giá trị về lợi ích lâu dài, mà còn giữ vững tinh thần, xây dựng được niềm tin cho các doanh nghiệp và các Trung Tâm Phát hành và Phổ biến Phim theo đúng chủ chương của Đảng và nhà nước, xây dựng nền điện ảnh nước nhà phát triển để phục vụ cho người dân cả nước".

Sau khi thông báo này được đưa ra, chúng tôi đã liên lạc với CGV để có thông tin hai chiều. Đơn vị phát hành phim này cho biết, họ sẽ có câu trả lời trong thời gian sớm nhất.

P.V

maihuong