Kiểm lâm Việt Nam và Lào chỉ ‘phối hợp’ trong hội họp nên rừng biên giới vẫn bị phá
Sự kiện - Ngày đăng : 15:44, 30/08/2016
Chủ yếu phối hợp trong hội họp
Sáng 30.8, tại Đà Nẵng, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT Việt Nam) phối hợp với Cục Thanh tra lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào) tổ chức hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực hiện biên bản hợp tác ghi nhớ "về sự hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và động vật hoang dã giai đoạn 2012-2017"đã ký từ tháng 5.2012.
Ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam cho hay: “Sau 5 năm, đánh giá chung về biên bản ghi nhớ với 7 nội dung thì hai bên thực hiện khá tốt. Đặc biệt, trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống và ngăn ngừa các hành vi khai thác xâm lấn đất rừng cũng như buôn bán vận chuyển lâm sản và động vật trái phép tại khu vực các tuyến biên giới tiếp giáp giữa 10 tỉnh Việt Nam và Lào, phải nói là có nhiều sự chuyển biến tích cực.
Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã trái phép đã được giảm thiểu về số vụ, quy mô, tính chất và mức độ vi phạm. Còn mối quan hệ hợp tác giữa haiCục thì thời gian qua đã tăng cường chia sẻ thông tin, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho phía bạn như kỹ năng tuyên truyền, điều tra, trinh sát hình sự, trao đổi cơ chế, chính sách lâm nghiệp giữa hainước. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động và nội dung đã ký kết và phát triển thêm”.
Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, trong năm vừa qua, lực lượng kiểm lâm Việt Nam và Thanh tra Lâm nghiệp Lào từ cấp trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, tổ chức các đoàn công tác chuyên ngành, liên ngành tuần tra, kiểm tra diện tích rừng khu vực biên giới nhằm tăng cường trao đổi hợp tác và trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, kiểm soát và ngăn chặn những hành vi săn bắn, khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản, các loài hoang dã.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2015 và 7 tháng năm 2016, Việt Nam đã phát hiện 3.177 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng bị phá là 1.435 ha, loại rừng bị phá chủ yếu là rừng sản xuất. Cũng thời gian trên, cả nước đã xảy ra 1.024 vụ cháy rừng thiệt hại 4.147 ha. Theo thống kê, toàn quốc đã phát hiện, xử lý 663 vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã.
Ông Kim thừa nhận: “Tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã qua biên giới còn phức tạp. Một số địa phương, việc phối hợp trong tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng còn chưa hiệu quả”.
Điển hình mới đây là vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng tại biên giới hai tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Sekong (Lào).
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thừa nhận việc để xảy ra phá rừng có nguyên nhân từ việc lực lượng kiểm lâm của hai nước chỉ phối hợp gián tiếp chứ không cùng phối hợp trên hiện trường.
Ông Tuấn nói: “Hằng năm, việc họp thường niên giữa cấp huyện, cấp tỉnh (của 2 nước) thì có, chứ bàn sâu về công tác bảo vệ rừng ở vùng biên này thì chưa được đề cập nhiều. Tôi đề nghị các cuộc họp thường niên nên bàn sâu (về việc phối hợp bảo vệ rừng). Tôi cũng đề nghị Cục Thanh tra lâm nghiệp Lào và Cục Kiểm lâm Việt Nam giao cho Kiểm lâm tỉnh Sekong và Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam ra mộtquy chế phối hợp để thường xuyên tuần tra, trao đổi thông tin, điều tra xử lý những hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ tốt nhất vùng biên giới này”.
Ông Tuấnthừa nhận rằng việc hạn chế phối hợp trực tiếp giữa kiểm lâm Lào và Việt Nam thời gian qua là nguyên nhân để xảy ra phá rừng biên giới, "nhưng không phải là nguyên nhân chính".
“Đây là vùng biên giới xưa nay mang tính chất ổn định nên việc tuần tra hạn chế. Việc xâm hại (rừng) ít xảy ra nên có tư tưởng chủ quan ở chỗ này, nên tôi hyvọng sắp tới việc này sẽ được khắc phục”, ông Tuấn cho hay.
Bình luận về vụ việc này, ông Đỗ Trọng Kim đánh giá mức độ vi phạm "rất nghiêm trọng"vì xảy ra ở khu vực vành đai biên giới. “Về phía Cục Kiểm lâm, vừa rồi đã làm việc với tỉnh Quảng Nam, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tích cực điều tra làm rõ vụ việc; vi phạm đến đâu xử lý đến đó để siết lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng”.
Giao rừng biên giới cho biên phòng để quy rõ trách nhiệm
Ngoài việc đề nghị hai tỉnh Quảng Nam vàSekong nên có các cuộc họp thường niên và đưa vấn đề bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng vào bàn sâu thì ông Phan Tuấn cũng đề nghị: “Giao lại rừng này cho lực lượng biên phòng 2 nước quản lý để vừa kiểm soát đường biên giới và giữ rừng cho đồng bộ”.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Đỗ Trọng Kim cho hay: “Về đề xuất giao biên phòng quản lý rừng biên giới, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm rất đồng tình ủng hộ. Cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn kiểm lâm các địa phương tập trung rà soát lại toàn bộ hiện trạng rừng ở khu vực biên giới để tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền để tiến hành giao rừng cho bộ đội biên phòng để có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra mất rừng”.
Ông Kim cũng cho rằngtrong thời gian tới sẽ họp bàn rất kỹ công tác phối hợp, đấu tranh và ngăn chặn tại hiện trường. “Làm thế nào đó để các hành vi vi phạm phải được phát hiện sớm và công tác đấu tranh thật kiên quyết”.
Theo Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, các khu vực đường biên giới còn nhiều tài nguyên rừng nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan liên quan như quân đội, công an, biên phòng, hải quan để cùng phối hợp với nước bạn thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tuần tra nghiêm ngặt vấn đề khai thác, vận chuyển gỗ, buôn bán động vật qua các tuyến biên giới”.
“Chúng tôi cũng sẽ triển khai một số cơ chế chính sách mới về lâm nghiệp để người dân ở biên giới cải thiện sinh kế, hạn chế phá rừng và tiếp tay lâm tặc”, ông Kim nói.
Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào là: Phongsaly, Luangphrabang, Huaphan, Xiengkhuang, Bolikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Saravane, Sekong và Attapeu với 7 cửa khẩu quốc tế và 6 cửa khẩu chính. |